Theo Nhịp Sống Kinh Tế | 13/07/2022 04:13 PM
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), vụ kiện giữa Elon Musk và Twitter có thể là phiên tòa kỳ lạ nhất trong lịch sử sáp nhập doanh nghiệp Mỹ . Nhà sáng lập Tesla đã khiến công chúng cũng như chính Twitter phải quay như chong chóng khi từ vị thế cố gắng thuyết phục mua lại mạng xã hội bằng được cho đến cố rũ bỏ thương vụ.
"Nàng" Twitter kiêu chảnh lúc đầu không muốn rơi vào tay "Chàng" Elon Musk nhà giàu lắm tiền. Thế nhưng sau đợt tấn công mãnh liệt cũng vui lòng gật đầu trước khoản tiền 44 tỷ USD mà các chuyên gia cho rằng quá cao bởi chẳng ai muốn chi từng đó tiền cho một mạng xã hội ngập trong bất ổn.
Thế rồi khi giá cổ phiếu của Twitter bốc hơi 32% từ 54,2 USD/cổ xuống còn 36 USD/cổ, Elon Musk bắt đầu muốn thoát khỏi thương vụ được cho là "mua hớ" này. Ngay lập tức, Twitter đã làm đơn kiện ra tòa vì Elon Musk vi phạm hợp đồng, bất chấp việc mạng xã hội này từng chẳng thèm ngó tới đề nghị của tỷ phú Tesla.
Phía Elon Musk thì cáo buộc Twitter làm giả số liệu, đưa thông tin sai sự thật, đồng thời có những động thái vận hành chưa được sự đồng thuận của tỷ phú này nhưng đóng băng tuyển dụng hay sa thải bớt nhân viên.
Tờ WSJ cho biết nhiều chuyên gia luật nhận định lý lẽ của Elon Musk không đủ vững so với Twitter bởi các lý do nhà sáng lập Tesla đưa ra chưa cho giải thích được những thiệt hại khiến ông phải từ bỏ thương vụ.
Việc sa thải nhân viên hay tạm ngừng tuyển dụng trên thực tế không diễn ra ở mỗi Twitter. Ngay cả những tập đoàn như Meta (Faebook) hay thậm chí chính bản thân Tesla cũng đang phải điều chỉnh chi phí nhân sự.
Điều trớ trêu ở đây là cho dù có thắng kiện thì Twitter cũng không thể ép Elon Musk tiếp tục thương vụ bởi chẳng có điều luật nào bỏ tù người mua vì họ không muốn chi tiền cho thứ gì đó, có chăng thì người mua sẽ mất tiền cọc và chút tiền phạt.
Tờ WSJ cho biết đã từng có những thương vụ nhỏ mà tòa án yêu cầu bên mua hoàn thành nghĩa vụ dựa trên những điều khoản cụ thể mà họ đã từng ký. Tuy nhiên chưa từng có một thương vụ 44 tỷ USD nào mà Tòa án Mỹ ép bên mua phải hoàn tất hợp đồng. Phần lớn các thương vụ khủng kiểu này sẽ kết thúc thông qua đàm phán hòa giải để giảm giá, hoặc bên mua chấp nhận mất một khoản tiền phạt.
Trong lịch sử đã từng diễn ra tình trạng tương tự khi thương hiệu Tiffany kiện tập đoàn thời trang LVMH năm 2020 vì bỏ cọc. Kết quả cuối cùng Tiffany đã đồng ý giảm mức giá bán từ 16,2 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD để hoàn tất thương vụ với LVMH.
Với vụ của Elon Musk, hợp đồng có ghi rõ nhà sáng lập Tesla sẽ phải trả 1 tỷ USD nếu thương vụ đổ bể, một con số quá nhỏ so với khối tài sản 220 tỷ USD.
Trò chơi đuổi bắt
Vào cuối tháng 1/2022, Elon Musk mua 22,8 triệu cổ phiếu của Twitter và tiếp tục mua vào trong tháng 2-3/2022, qua đó sở hữu 9% cổ phần, tương đương 2,6 tỷ USD, trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất mạng xã hội này.
Điều đáng nói là nhà sáng lập Tesla đã rêu rao về việc sở hữu Twitter bằng những bài bình luận về việc có nên mua hay xây mới một mạng xã hội đối thủ. Đến khi số cổ phiếu sở hữu bị công khai vào tháng 4/2022, Elon Musk đã bí mật đàm phán với Twitter được 9 ngày.
Ban đầu, Elon Musk được cho là muốn ngồi vào ban quản trị, thế nhưng vào ngày 9/4/2022, chỉ vài giờ trước khi Twitter đồng ý, nhà sáng lập Tesla đã quyết định rút lui. Chỉ 4 ngày sau, Elon Musk bất ngờ đưa ra đề nghị mua lại Twitter ở mức giá 54,2 USD/cổ, tương đương 44 tỷ USD.
Thái độ kiêu chảnh của tỷ phú Elon Musk khiến ban điều hành Twitter cũng nóng mặt và họ cũng ngó lơ lời đề nghị của nhà sáng lập Tesla. Thế nhưng dần dần, mạng xã hội này cũng khó dằn lòng trước con số 44 tỷ USD bởi chẳng có ai hứng thú cũng như có đủ năng lực chi quá nhiều tiền như vậy.
Cái gật đầu của Twitter đã làm bùng nổ giới truyền thông khi người giàu nhất thế giới chuyển sự chú ý của mình sang mảng kinh doanh mạng xã hội.
Tuy vậy, câu chuyện chưa kết thúc khi giá cổ phiếu của cả Twitter và Tesla đều đi xuống do diễn biến xấu từ thị trường kinh tế vĩ mô. Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc gây ảnh hưởng đến nhà máy sản xuất ở Thượng Hải của Tesla, thế rồi áp lực lạm phát ảnh hưởng đến chi phí cũng khiến giá cổ phiếu hãng xe điện giảm sâu hơn.
Xin được nhắc là phần lớn số tiền 44 tỷ USD của Elon Musk là lấy từ việc bán hoặc thế chấp cổ phiếu Tesla. Tính đến 24/5/2022, giá cổ phiếu Tesla đã mất gần 50% so với mức đỉnh tháng 11/2022, khiến Elon Musk bay hơi hơn 100 tỷ USD tài sản và làm yếu đi khả năng gom tiền cho thương vụ Twitter.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu Tesla đã bay hơi 37% và điều này đồng nghĩa Elon Musk sẽ phải thế chấp nhiều cổ phiếu hơn nữa nếu muốn gom đủ tiền mua Twitter. Hiện Elon Musk vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất của Tesla với 16% cổ phần.