- Theo Trí Thức Trẻ | 05/12/2016 03:26 PM
Thông tư mới của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định rõ, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng phải nộp phí thẩm định theo quy định tại Thông tư (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Thông tư 290 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp nộp hồ sơ thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng; và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng.
Thông tư quy định, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng phải nộp phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT)- Bộ TT&TT là tổ chức thu phí.
Cùng với việc quy định mức thu phí thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng là 5 triệu đồng/hồ sơ, Thông tư mới của Bộ Tài chính nêu rõ, trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng nhưng không đủ điều kiện quy định thì không phải hoàn trả số tiền phí đã nộp.
Cũng theo quy định của Thông tư này, chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 của Thông tư 156 ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định 83 ngày 22/7/2013 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 120 ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Số tiền phí còn lại (10%), tổ chức thu phí nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1/9/2013, trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ gồm: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G1); Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G2); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G3); Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G4). Nghị định 72 cũng quy định rõ, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ TT&TT cấp.
Theo Ictnews