Phát hiện loài "cá kiếm" cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ

Đức Khương  Tri Thức Trẻ | 18/08/2020 11:38 AM

Đây là loài cá sống trong thời đại khủng long với thân hình tương đối giống khi so sánh với cá kiếm hiện đại, điều đặc biệt là chúng sở hữu một hàm răng ngoại cỡ với những chiếc răng nanh sắc nhọn.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 1.

Cá kiếm, tên khoa học là Xiphias gladius, chúng là một trong những loài cá bơi nhanh nhất trong đại dương hiện đại với vận tốc tối đa có thể đạt tới là 90 km/h. Nhưng trong lòng đại dương của kỷ Phấn trắng, đã từng có một loài cá cổ đại giống như cá kiếm hiện đại. Tên của chúng là Protosphyraena, mặc dù sở hữu ngoại hình khá giống nhau, nhưng giới cổ sinh vật học lại cho rằng loài Protosphyraena không có liên quan gì tới những loài cá kiếm đang sống trong đại dương ngày nay.

Người đầu tiên phát hiện ra hóa thạch của loài cá Protosphyraena là một nhân vật khá nổi tiếng trong lịch sử của ngành cổ sinh vật học. Ông là bác sĩ người Anh Gideon Mantell, ông cũng chính là người đã đặt tên cho loài Iguanodon và hóa thạch của loài Protosphyraena được ông phát hiện vào năm 1822.

Mẫu vật ban đầu được phát hiện ở hệ tầng địa chất của kỷ Phấn trắng tại miền nam nước Anh chỉ có những mảnh hóa thạch xương ức, nhưng vì số lượng còn quá ít nên không thể phán đoán được đây là loài nào.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 2.

Gideon Mantell và mẫu hóa thạch loài Iguanodon do ông phát hiện ra.

Hơn 30 năm sau, một nhà cổ sinh vật học ở phía bên kia Đại Tây Dương đột nhiên quan tâm đến mẫu hóa thạch xương ức mà Mantell phát hiện ra. Ông là Joseph Leidy - một nhà cổ sinh vật học, ký sinh trùng, nhà địa chất và nhà giải phẫu học người Mỹ, ông được mệnh danh là "cha đẻ của ngành cổ sinh vật học" ở Hoa Kỳ.

Joseph Leidy đánh giá rằng mẫu hóa thạch xương ức do Mantell phát hiện ra thuộc về một loài cá cổ đại và có quan hệ mật thiết với họ cá nhồng hiện đại.

Dù mới chỉ tiếp xúc với mẫu hóa thạch này qua những văn bản và hình ảnh, nhưng năm 1857, Joseph Leidy đã đặt tên cho mẫu hóa thạch xương ức mà Mantell tìm thấy là Protosphyraena với "Proto" có nghĩa là nguyên thủy còn "sphyraena" là tên chi, chúng còn được gọi với cái tên khác là cá nhồng Barracuda nguyên thủy.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 3.

Cá nhồng là một họ cá vây tia được biết đến vì kích thước lớn và có bề ngoài hung dữ. Các loài cá này có cơ thể thuôn dài, tương đối săn chắc, được che phủ bằng các vảy nhỏ và nhẵn. Chúng được tìm thấy trong các vùng nước đại dương khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Tất cả các loài đều thuộc chi Sphyraena.

Mặc dù đã được đặt tên, nhưng Joseph Leidy vẫn chưa thực sự hiểu rõ về loài Protosphyraena. Trong khoảng thời gian sau đó, ông thu thập được một số mẫu hóa thạch từ hệ tầng Navesink ở New Jersey. Nhưng đây là những mẫu hóa thạch răng, ban đầu Leidy nghĩ rằng đây là hóa thạch răng của một con khủng long chứ không phải thuộc về loài cá Protosphyraena.

Sau năm 1870, B. F. Mudge, một thợ săn hóa thạch từ Kansas, đã thu thập nhiều hóa thạch hơn của loài Protosphyraena và ông đã đưa chúng tới nơi của nhà cổ sinh vật học Edward Drinker Cope.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 4.
Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 5.

Từ năm 1895 đến 1903, các nhà nghiên cứu cổ sinh học ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ mới chính thức bắt tay vào phân loại hóa thạch của loài Protosphyraena một cách có bài bản. Họ phát hiện ra rằng nhưng mẫu hóa thạch răng được phát hiện trước đây thực sự thuộc về loài cá nguyên thủy này. Từ những mẫu hóa thạch xương ức đầu tiên được phát hiện ở Anh, giới cổ sinh vật học khẳng định rằng loài cá này sinh sống trong thời kỳ kỷ Phấn trắng.

Hầu hết tất cả nhường người lần đầu tiên nhìn thấy mẫu hóa thạch hộp sọ của loài Protosphyraena đều cho rằng chúng là một loài cá kiếm cổ đại. Dù đây là loài cá nhồng nguyên thủy nhưng trên thực tế ngoại hình của chúng rất giống với cá kiếm ngày nay.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 6.
Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 7.
Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 8.

Thông qua phân tích các mẫu hóa thạch, giới nghiên cứu cho rằng loài cá Protosphyraena dài từ 2 đến 3 mét, và cơ thể của nó có hình trụ, nhưng tỷ lệ cơ thể của chúng ngắn và dày hơn tỷ lệ cơ thể của loài cá kiếm.

Loài Protosphyraena sở hữu một cái miệng có xương nhô dài về phía trước đầu, chúng có chức năng rẽ nước khi bơi ở tốc độ cao, đồng thời đây cũng là vũ khí để chúng tự vệ trước kẻ thù dưới đại dương. Ngoài ra miệng của chúng cũng sở hữu những hàm răng nanh sắc nhọn, những chiếc răng này không chỉ có kích thước lớn mà còn mọc xiên ra ngoài khiến cho chúng có một vẻ ngoài hết sức hung dữ, tương đồng với tính cách của chúng.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 9.

Protosphyraena có thân hình đầy đặn ở phía trước và mỏng hơn về phía sau, đi kèm với đuôi rất lớn, đặc điểm ngoại hình này khá giống với cá kiếm. Vây ngực và vây bụng dưới cơ thể của Protosphyraena rất đặc biệt. Vây ngực của nó mảnh và phẳng, giống như đôi cánh nhô ra từ hai bên cơ thể. Liền kề với vây ngực là vây bụng dài hơn, giống như hai cái ngạnh dài.

Đánh giá từ các đặc điểm cơ thể của Protosphyraena, có thể thấy chúng là một loài cá có khả năng bơi ở tốc độ cao và săn mồi theo phương thức săn đuổi.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 10.

Thợ săn hóa thạch Sternberg từng nói rằng Protosphyraena là "loài cá nguy hiểm nhất đường thủy nội địa phía tây", nhưng trên thực tế loài cá Protosphyraena không chỉ sống ở đường thủy nội địa phía tây. Đánh giá từ các hóa thạch được tìm thấy, Protosphyraena sinh sống ở đại dương từ Bắc Mỹ đến Châu Âu, và tuổi tồn tại của nó kéo dài từ 85 triệu năm trước đến cuối kỷ Phấn trắng.

Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 11.
Phát hiện loài cá kiếm cổ đại với hàm răng sắc nhọn ngoại cỡ - Ảnh 12.

Những con Protosphyraena không chỉ đuổi theo những con cá nhỏ và động vật chân đầu mà trên thực tế chúng còn tấn công cả những con mồi lớn. Các nhà cổ sinh vật học suy đoán rằng Protosphyraena sẽ dùng cái mõm nhọn của mình để đâm vào cơ thể của con mồi với tốc độ cao và những chiếc răng nanh trong miệng được dùng để cắn và xé, có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng đối với những sinh vật nằm trong tầm ngắm của chúng.

Protosphyraena là một loài cá hung dữ và nguy hiểm, nhưng nó không phải là loài động vật đáng sợ nhất trong đại dương thời kỳ đó. Lấy biển nội địa phía tây làm ví dụ. Trong đại dương này, có những con cá kiếm cổ đại dài 6 mét, cá mập gai dài 7 mét và những con thằn lằn biển dài hơn 10 mét. Những sinh vật này hoàn toàn có khả năng giết chết những con cá Protosphyraena, do đó trong quá trình săn mồi loài cá này vừa là kẻ săn mỗi đồng thời vừa phải cảnh giác để không trở thành con mồi cho những loài khác.