Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông

Kej Nguyen  - Theo Helino | 28/10/2019 11:24 AM

Với một kịch bản có cốt truyện đơn giản nhưng nặng về chiều sâu, Joker chắc chắn sẽ là một lựa chọn tồi cho những khán giả ra rạp để tìm kiếm sự giải trí đơn thuần.

Joker chính là một kiệt tác điện ảnh, nên đương nhiên, khi một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật thuần túy thì số đông khó mà cảm nhận được. Điều này giống như câu nói: "Ai cũng có thể hiểu được nghệ thuật thì ai cũng là nghệ sĩ cả rồi".

Có 4 yếu tố đòi hỏi bạn phải có đủ, để lĩnh hội hết toàn bộ cái hay của tác phẩm này. Cụ thể là:

1. Bạn phải là fan cứng của DC comics để có thể nhận ra những easter egg được lồng ghép trong phim.

2. Bạn phải là người Mỹ hoặc am hiểu về văn hóa - lịch sử nước Mỹ để hiểu được bối cảnh movie xây dựng.

3. Bạn phải có cảm quan nghệ thuật để thấy được cái đẹp trong từng khung hình và giai điệu.

4. Bạn phải từng trải qua những ngày tháng cực tồi tệ trong đời hoặc có một lòng trắc ẩn sâu sắc để thấu hiểu cảm giác của Arthur Fleck.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu về 2 điều đầu tiên, hãy tham khảo trên YouTube, báo mạng, các trang review đều đã có rất đầy đủ và chi tiết. Ở bài viết này, chúng ta sẽ đào sâu về con người của Arthur, những điều đã hủy hoại cuộc đời anh và quá trình anh sa ngã để trở thành Joker.

Ngay từ những khung hình đầu tiên, Arthur xuất hiện khi đang ngồi trước bàn trang điểm để chuẩn bị bắt đầu công việc của mình. Đối lập với bên phải khung hình là Arthur đang ngồi một mình, thì bên trái là những đồng nghiệp của anh vẫn đang cười đùa vui vẻ với nhau. Cho dù thuộc cùng một tầng lớp, nhưng Arthur vẫn có vẻ như tách biệt với họ. Kèm theo đó là tiếng nói từ radio (hoặc TV) về tình trạng rác thải của Gotham đang ngày một trầm trọng. Chi tiết này không chỉ đơn thuần nói về việc xử lý chất thải của thành phố có vấn đề, mà còn ám chỉ về sự bất lực của bộ máy chính quyền trong những chính sách của mình, khiến cho sự phân hóa giữa các tầng lớp ngày càng tăng cao, từ đó xảy ra một kết cục tất yếu, sự xung đột.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 1.

Cố gắng bỏ ngoài tai những điều điên rồ đang xảy ra ngoài kia, Arthur tự banh miệng mình ra để trông như đang mỉm cười, mặc cho giọt nước mắt đang từ từ lăn xuống bộ mặt đã được trang điểm của mình. Joaquin Phoenix đã tạo nên một hình ảnh chú hề với giọt lệ màu đen vì thấm mực kẻ mắt, chi tiết này thực sự quá ám ảnh.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 2.

Nguyên nhân khiến Arthur bị cô lập với những người xung quanh, có lẽ một phần do căn bệnh anh đang mang có tên Pseudobulbar Affect, khiến người bệnh không thể kiểm soát được tiếng cười của mình. Không chỉ vậy, sự khác biệt của Arthur còn thể hiện rõ nét trong cảnh khi xem một diễn viên hài độc thoại, mọi người đều cười trước những chi tiết hài hước thì anh hoàn toàn ngược lại, chỉ cười ở những đoạn vô cùng nhạt nhẽo không có gì đáng cười.

Chúng ta sẽ được thấy nhiều điệu cười của Arthur, mỗi điệu cười đều mang những hàm ý nhất định. Đầu tiên chắc chắn là điệu cười mà Arthur không thể kiểm soát từ căn bệnh tâm thần mà anh mang. Tiếng cười khi anh xem một buổi diễn hài độc thoại nhưng lại chỉ cười ở những chi tiết không hề buồn cười. Nụ cười hạnh phúc của anh khi tưởng tượng mình được khán giả đón nhận trong buổi diễn. Khi được giải thoát từ chiếc xe cảnh sát, Joker đã lấy máu của chính mình vẽ một nụ cười trên khuôn mặt, thể hiện sự mãn nguyện, khi cuối cùng cũng được những cư dân Gotham chú ý và thừa nhận dù dưới danh nghĩa của một tên tội phạm.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 3.

Mặc dù bị cô lập với xã hội và những điều bất hạnh liên tục xảy đến, Arthur vẫn cố gắng sống hướng thiện, lao động và chăm sóc mẹ già tử tế. Nhưng những chuyện tồi tệ cứ thế lần lượt xảy ra, đẩy anh đến ranh giới mong manh của nhân tính. Alan Moore - tác giả của The Killing Joke và cả Watchman từng nói: “All it takes is one bad day to reduce the sanest man alive to lunacy", tạm dịch: "Chỉ cần một ngày siêu tồi tệ, để biến kẻ tỉnh táo nhất thành một gã điên". Nhưng với Arthur Fleck, anh không chỉ trải qua một ngày siêu tồi tệ. Biến đổi thành Joker là hệ quả tất yếu của cả một quá trình với nhân vật này.

Arthur đại diện cho tất cả sự thiếu thốn có thể xảy đến với một con người: không tài năng, không sự nghiệp, không bạn bè, không tình yêu và thậm chí không có cả tình cảm gia đình. Những chi tiết Arthur ảo tưởng đại diện cho chính những khát khao nhỏ bé nhất của anh, cũng như của một con người đúng nghĩa. Đó là yêu thương, được yêu thương và được xã hội chấp nhận. Từng chi tiết nhỏ như anh tưởng tượng được gặp và ôm Murray, nghe Murray nói rằng thèm muốn có một người con như anh, được tận hưởng cảm giác khán giả vỗ tay reo hò vở diễn của mình. Hay anh tìm đến Thomas Wayne chỉ mong có một sự thừa nhận, một sự đối đáp tử tế, nhưng đáp lại anh là một cú đấm thẳng vào mặt.

Cái tên Happy mà mẹ vẫn thường gọi càng xoáy sâu vào cuộc đời bi kịch và thống khổ của Arthur. Ngay cả khi đã trở thành Joker, ý định ban đầu của anh không phải là giết chết Murray ngay trên show truyền hình. Trước đó, chúng ta đã chứng kiến cảnh Arthur ngồi trong phòng diễn tập để chuẩn bị cho chương trình. Dễ nhận thấy, ban đầu Arthur đã có ý định tự tử ngay khi lên sân khấu, như trong nhật ký của mình Arthur đã viết rằng "I hope my death makes more cents than my life." (Tôi ước rằng cái chết của tôi sẽ có ý nghĩa hơn là khi tôi còn sống). Câu chơi chữ này càng nhấn mạnh cái nghèo về vật chất và sự bức bí đến cùng cực của anh. Nhưng sau đó nhận ra rằng Murray chỉ đưa anh ra làm trò đùa bằng một loạt những màn châm chọc lố bịch. Chính điều này là cú hích cuối cùng đẩy Arthur vào vũng lầy tội ác.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 4.

Xuyên suốt bộ phim là những câu nói mang đầy tính tiêu cực và ám ảnh. Ví dụ như "All I have are negative thoughts" (Tất cả những gì tôi có là những suy nghĩ tiêu cực) và "I haven’t been happy one day out of my entire fucking life" (Trong suốt cuộc đời khốn kiếp này tôi chưa từng có một ngày nào hạnh phúc cả) , đây là hai câu nói đặc biệt dễ khiến người xem ám ảnh. Đó là minh chứng cho việc Arthur đang phải vật lộn với cuộc đời bất hạnh của mình một cách khổ sở đến cực độ. Và khi mọi thứ bị đẩy lên đến đỉnh điểm, biến đổi thành Joker là một kết cục mà Arthur không thể nào tránh khỏi.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 5.

Không chỉ có những khung hình đẹp mang hơi hướng từ thập niên những năm 80, Joker còn rất nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ. Suốt 2/3 thời lượng đầu phim là một tone màu u ám và đen tối như chúng ta vẫn thường thấy ở các phim của DC. Chỉ cho đến khi Arthur giết chết mẹ mình, đồng nghĩa với việc trút bỏ được gánh nặng cuối cùng rồi trở về nhà, anh nhuộm tóc, trang điểm và nhảy múa trong nhà vệ sinh, chúng ta mới được thấy những khung hình nhiều màu sắc và ánh sáng thể hiện tâm lý trong nhân vật Arthur đang có sự biến chuyển rõ rệt.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến hình ảnh những bậc thang nơi mà Arthur vẫn thường đi qua. Chúng ta luôn thấy một Arthur trở về nhà, lầm lũi và nặng nhọc qua cái cách anh bước lên từng bậc thang, nó khó khăn như cái cách anh đang phải đấu tranh với nội tâm của chính mình. Còn khi anh chấp nhận vứt bỏ lương tâm của mình, chính thức trở thành Joker, anh bước xuống với một điệu nhảy vui nhộn và đầy hào hứng. Lúc này Arthur đã chết cùng với áp lực của mình, chỉ còn lại một Joker điên loạn và bất cần.

Điều này phần nào đó khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh những bậc thang trong Parasite (Ký sinh trùng). Một chi tiết thú vị từ một comment trên YouTube về người đồng nghiệp lùn có tên Gary của Arthur. Gary là người duy nhất đối xử tốt với Arthur và có lẽ, lòng tốt của người dân Gotham cũng nhỏ bé như Gary vậy, nhỏ bé đến mức không thể tự mở cửa được cho mình. Khoảnh khắc anh mở cửa cho Gary và hôn lên trán Gary thể hiện rằng anh trân trọng lòng tốt nhỏ bé này, cũng như chính sự thiện lương trong anh để rồi buông bỏ mọi thứ để trở thành Joker.

Hay như hình ảnh Joker vứt chiếc mặt nạ hề vào thùng rác được quay cận cho thấy Joker thừa nhận hình dạng và nhân cách của mình hiện tại, chiếc mặt nạ không còn cần thiết nữa. Và không chỉ có vậy, toàn bộ phim liên tục là những hình ảnh ẩn dụ với nhiều tầng nghĩa mà giới hạn bài viết không thể nêu ra hết được.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 6.

Ngoài phần hình ảnh đậm chất vintage thì âm nhạc cũng của Joker cũng thực sự xuất sắc. Những cảnh khắc họa nội tâm kèm theo đó là âm thanh từ những nhạc cụ dây khiến không khí của Joker càng trở nên nặng nề u uất hơn nữa. Người xem như đang cảm thấy có thứ gì đó đè chặt lên ngực và bóp nghẹt từng hơi thở. Joker được Joaquin Phoenix xây dựng là một con người có tâm hồn âm nhạc. Vì vậy, chúng ta không ít lần chứng kiến Arthur nhảy múa trên nền nhạc. Đặc biệt là cảnh Arthur sau khi giết 3 tên vô lại ở ga tàu điện ngầm đã trốn vào một nhà vệ sinh, rồi nhảy múa và soi mình trước gương, đánh dấu bước chuyển mình của Arthur trong quá trình biến đổi thành Joker. Đây là một dấu hiệu cho thấy con quỷ đang ngủ yên đang bắt đầu cựa mình thức giấc.

Phân đoạn này có thể xem là một thước phim kinh điển của điện ảnh, đạt tới những giá trị cao nhất về nghệ thuật. Mặc dù được Todd Philips thừa nhận rằng đây không phải là thứ có trong kịch bản gốc, nhưng từ những cú long take, cách lia máy, âm nhạc và diễn xuất của Joaquin Phoenix, tất cả đều hài hòa và hoàn hảo.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 7.

Còn một chi tiết ít ai nhận ra, đó là những cảnh Arthur ghi chép hoặc cầm cọ phấn tự trang điểm đều là tay phải, nó chứng tỏ Arthur thuận tay phải. Ấy thế mà trong cảnh Arthur viết câu "The worst part of having a mental illness is people expect you to behave as if you DONT" thì lại bằng tay trái kèm một biểu cảm khá đen tối trên gương mặt. Cảnh Arthur cầm súng giết người cũng đều sử dụng tay trái mặc dù trên thực tế, việc dùng tay không thuận để bóp cò là cực kỳ khó chính xác. Đây có thể là một chi tiết được cài cắm để thể hiện tinh tế rằng bên trong Arthur thực chất luôn tồn tại một Joker đang chực chờ để trỗi dậy.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 8.

Với một kịch bản có cốt truyện đơn giản nhưng nặng về chiều sâu thế này, Joker chắc chắn sẽ là một lựa chọn tồi cho những khán giả ra rạp để tìm kiếm sự giải trí đơn thuần. Bởi bao trùm toàn bộ thời lượng phim là một bầu không khí căng thẳng và bức bối, là sự đấu tranh nội tâm dữ dội của một nhân vật được xem là ở dưới đáy của xã hội. Không có đầu óc điên loạn nhưng sắc sảo với những kế hoạch hoàn mỹ trong cuộc đấu trí với Batman, hay những câu thoại ngầu lòi đậm tính triết lý mà các bạn trẻ vẫn ngưỡng mộ như Joker của Heath Ledger, Joker mà Joaquin Phoenix thể hiện chỉ là một người mắc chứng tâm thần đang phải vật lộn hằng ngày để kiếm sống và chiến đấu với chính mình, do sự hắt hủi ruồng bỏ từ chính những người xung quanh trong xã hội.

Khó có thể nói được rằng Arthur phải nên thế này, phải nên thế kia khi mà cuộc đời liên tiếp đẩy con người này xuống vũng bùn của sự cô độc và tuyệt vọng, mặc cho anh có cố gắng đến đâu đi chăng nữa. Khi mà thế giới quan không mấy tươi sáng và cuộc đời không còn gì đáng cần nữa, ai mà biết được người ta sẽ trở thành những gì và có thể làm những gì.

Phân tích và cảm nhận về Joker - kiệt tác điện ảnh không dành cho số đông - Ảnh 9.

Nếu bạn đã từng trải qua những tháng ngày bế tắc của cuộc đời, bế tắc đến tuyệt vọng, khi mà bạn không còn biết làm gì ngoài khóc cho sự bất lực của mình, hoặc bạn phải là người thật giàu lòng trắc ẩn, có lẽ bạn mới có thể phần nào thấu hiểu và đồng cảm với những gì mà Arthur phải gồng mình đấu tranh. Mặc dù vậy, phim hoàn toàn không hề cổ xúy bạo lực và sự sa ngã. Joker không phải hình mẫu đáng để noi theo và cũng chưa chắc đã là Joker mà chúng ta vẫn thường nghĩ. Bởi chính Todd Philips và Joaquin Phoenix cũng đã thừa nhận điều này.

Hãy đơn giản xem đây là một tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng và bối cảnh từ nhân vật của DC Comics thôi. Cũng đừng quên rằng, thứ mà Joker lên án thực sự ở đây là sự mục ruỗng và vô cảm của một xã hội điên loạn, thiếu tình thương.