- Theo Nhịp Sống Việt | 07/02/2020 07:59 PM
Trong ván đấu thứ 2 của cuộc đối đầu giữa T1 và Hanwha Life Esports thuộc khuôn khổ vòng bảng LCK Mùa Xuân 2020, T1 đã có một tình huống gây bất ngờ cho khán giả, khi từ bỏ một mục tiêu mà tưởng như họ đã nắm chắc trong tầm tay.
Phút thứ 15 - 16 của ván đấu, tận dụng việc người Đi rừng Haru của HLE xuất hiện ở Đường dưới, T1 triển khai nhân sự ăn nhanh con Sứ Giả Khe Nứt thứ 2, Teddy và Cuzz nhanh chóng "xử lý" mục tiêu này, trong khi Faker dọn lính dưới sự hỗ trợ của Effort.
HLE không cho thấy dấu hiệu muốn quay về phòng thủ, đội hình của họ bị chia cắt toàn diện, T1 quyết định sử dụng Mắt Sứ Giả ngay lập tức, HLE trở tay không kịp và để mất liên tiếp 3 trụ Đường giữa.
Tuy nhiên, họ lại không tiếp tục phá hủy Nhà lính mà lựa chọn rút lui. Đây cũng là một trong những tình huống điểm nhấn của ván đấu thứ 2, và khiến rất nhiều khán giả nảy sinh thắc mắc.
Nhìn tổng quan thế trận, có thể diễn giải rằng việc HLE đang đẩy vào trụ 3 đường dưới là nguyên nhân khiến T1 lựa chọn quay về, vì họ không muốn trao đổi trụ 3 đường dưới.
Tuy nhiên, theo nhận định của các Bình luận viên và chuyên gia, thì chiến thuật của T1 cho thấy sự "cao tay" hơn nhiều.
Về lý thuyết, nếu Faker và đồng đội ăn luôn Nhà lính Đường giữa ở phút thứ 16, thì đồng nghĩa với việc Lính siêu cấp sẽ xuất hiện sớm, và thế lính đội xanh (T1) sẽ đẩy cao. Điều đó cũng có nghĩa là một trong 3 vị trí đi đường của T1 sẽ phải farm lính ở vị trí nguy hiểm và rất dễ bị bọc đầu, trong khi HLE vẫn có đủ khả năng tổ chức phòng ngự theo chiến thuật 1-3-1.
Trong trường hợp này, dù là Cassiopeia, Sett hay bộ đôi Miss Fortune - Nautilus, thì cũng không có vị trí nào có công cụ chạy trốn hiệu quả, và rất dễ bị bọc đầu.
Việc không ăn Nhà lính sớm khiến T1 chưa thể snow-ball ván đấu, nhưng đổi lại, HLE cũng buộc phải dâng cao đội hình để farm lính, đưa ván đấu vào một thế trận giằng co và cân bằng, đúng với tính toán của T1.
Việc không cho thế lính đẩy cao giúp các chủ lực của T1 vẫn được farm trong phạm vi an toàn
Ngoài ra, với việc mất 2 trụ ngoài đường dưới, thì khu vực nửa dưới bản đồ cũng đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người farm lính đường giữa, buộc T1 phải từ bỏ thế trận cân bằng ở đường trên và tập trung nhân sự đường dưới. Khi đó khoảng trống sẽ mở ra, và HLE rất dễ để bào đi trụ 1 đường trên, dẫn đến việc T1 "gãy" cả 2 cánh.
Quay trở lại với diễn biến chính của ván 2, hiệu quả từ việc bỏ Nhà lính của T1 đã được chứng minh. HLE tiếp tục phải phân tán lực lượng để đẩy cao đội hình nhằm tìm farm lính kiếm tài nguyên, và họ còn phải bỏ qua cả khu vực đường dưới (do T1 đã mất 2 trụ và lính đội đỏ có cơ hội đẩy rất cao), khiến Cuzz dễ dàng ăn con Rồng thứ 3 của ván đấu.
Những phút sau đó, T1 tiếp tục dồn ép đối phương khi các chủ lực của họ đã có đầy đủ trang bị. Dù ván đấu chấm dứt sớm hơn dự kiến do hai tình huống sai lầm chí mạng của HLE, nhưng không thể phủ nhận rằng T1 đã giành được thế chủ động tuyệt đối chỉ với một tình huống "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô".
Tình huống của T1 cũng gợi mở một mẹo hay dành cho các game thủ. Bởi thông thường, người chơi Xếp hạng đơn luôn có xu hướng tối đa hóa lợi thế, nghĩa là nếu có mục tiêu như trụ hay nhà lính sớm thì chúng ta đều không ngần ngại ăn chúng, nhưng "giáo sư" Faker đã cho thấy thực tế rằng: "không phải lúc nào ăn trụ sớm cũng là điều tốt".
Ăn trụ/nhà lính sớm có thể mang lại lợi ích tức thì, với lượng tiền vàng tăng vọt và thế lính đẩy cao, nhưng trong trường hợp của T1, hay cả những tình huống đặc thù của xếp hạng đơn, thế lính cao không hẳn là dấu hiệu thuận lợi về lâu dài.
HLE vs T1 Highlights Game 2 LCK Spring 2020 W1D3 Hanwha Life Esports vs T1 LCK Highlights 2020 by On
Điểm khác biệt của một siêu sao chuyên nghiệp chính là việc tính toán chiến thuật tổng thể của cả một ván đấu, và trong ván đấu thứ 2 này, Faker cùng T1 đã làm rất tốt điều đó. Chỉ đáng tiếc rằng ngay ở ván đấu tiếp theo, họ lại mắc sai lầm trong khâu cấm/chọn để rồi phải nhận thất bại chung cuộc với tỉ số 1-2.