- Theo Trí Thức Trẻ | 12/03/2020 11:55 AM
Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, mỗi người dân đều nên tự có ý thức phòng tránh dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Để tìm hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh hiệu quả, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Khoa Công nghệ Thực Phẩm – Mổ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Theo ông Thịnh, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, mỗi cá nhân cần phải tự nâng cao ý thức bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt trong việc ăn uống hàng ngày và chế biến thực phẩm.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, việc ăn uống là qua con đường thực quản, thức ăn sẽ xuống dạ dày nên khả năng lây nhiễm COVID-19 không cao bằng việc nói chuyện, hô hấp qua con đường họng xuống phổi. Tuy nhiên không phải là không có khả năng lây nhiễm qua việc ăn uống chung.
Mâm cơm đầm ấm bên gia đình đã trở thành thói quen khó thay đổi. (Ảnh minh hoạ).
Chính vì vậy, mỗi gia đình cần phòng chống COVID-19 cũng như các loại virus, vi khuẩn khác ngay từ trước khi vào mâm cơm cùng gia đình.
"Việc cả nhà cùng ngồi ăn chung một mâm cơm với nhau thì dù có ăn riêng bát, riêng đũa, thậm chí là chia riêng thức ăn tách biệt thì khả năng lây nhiễm vẫn ở mức cao do nói chuyện và hít thở mới là con đường lây nhiễm chính", ông Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, để phòng ngừa dịch bệnh trong gia đình, mọi thành viên đều phải ý thức tự giác về nguy cơ lây nhiễm. Khi nghi ngờ hay phát hiện nguy cơ lây nhiễm từ một thành viên trong gia đình nào đó thì phải tự giác chủ động cách ly hoàn toàn, khử trùng các vật dụng các nhân, không tiếp xúc, giao tiếp với người khác trong gia đình.
Tụ tập nhậu nhẹt, "chém gió" là điều nên bỏ trong thời điểm bệnh dịch hiện nay. (Ảnh minh hoạ).
Nếu phát hiện có nguy cơ cao thì cần thông báo tình hình đến cơ quan chức năng để được cách ly an toàn.
Theo đó, các bà nội trợ và các thành viên trong gia đình cần phòng các nguy cơ lây nhiễm từ trước khi ngồi ăn cơm cùng người thân. Mỗi gia đình nên chuẩn bị một lọ dung dịch sát khuẩn tại cửa nhà, mỗi khi từ ngoài trở về, mọi người nên sát khuẩn tay trước khi vào nhà để hạn chế các loại virus, vi khuẩn.
"Ra ngoài thì tất nhiên là phải đeo khẩu trang để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng. Nên sát khuẩn, rửa tay trước khi vào nhà. Các vật dụng trong nhà hay cầm nắm như bàn ghế, cầu thang cũng cần được sát khuẩn thường xuyên để hạn chế các loại vi khuẩn tồn tại", ông Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, mọi người cần phải rửa tay thật sạch bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước khi ăn cơm: "Từ xa xưa ông cha ta đã có khuyến cáo rằng, trước khi ăn uống bất cứ thứ gì cũng cần phải rửa tay thật sạch. Không chỉ là phòng dịch COVID-19, mà còn nhiều các loại virus, vi khuẩn khác như giun sán, vi khuẩn E coli, Viêm gan B… tất cả đều có thể bị truyền từ tay qua con đường ăn uống", ông Thịnh khuyến cáo.
Việc đi siêu thị, đi chợ mua sắm thực phẩm sẽ cần tiếp xúc nơi công cộng, đông người. Chính vì vậy, mỗi bậc nội trợ cần đeo khẩu trang khi đi chợ và sát khuẩn tay khi về nhà vì nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dịch trong quá trình đi mua sắm là rất lớn.
Các bậc nội trợ cần hạn chế tối đa các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch trong khi đi mua thực phẩm tại chợ hoặc siêu thị.
Các bậc nội trợ cũng được khuyến cáo không nên ồn ào nói chuyện nhiều khi đi chợ, siêu thị mua sắm. Không nên bắt tay, hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
"Hiện nay, nhiều gia đình cũng bận công việc không thể thường xuyên đi chợ nên việc mua đồ dự trữ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, khi mua thực phẩm thì chỉ cần mua vừa đủ để bảo quản trong thời gian ngắn.
Nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước mỗi bữa ăn. (Ảnh minh hoạ).
Những gia đình do lo sợ dịch bệnh COVID-19 rồi mua quá nhiều thực phẩm tích trữ là sai lầm. Nước ta không thiếu thực phẩm, việc làm này khiến thực phẩm vừa mất giá trị dinh dưỡng lại không đảm bảo an toàn", PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Theo ông Thịnh, những loại Virus như COVID-19 thì không sống được ngoài môi trường lâu. Ngược lại, những loại vi khuẩn như E coli, dịch tả lợn… thì tồn tại trong thực phẩm, ngoài môi trường rất lâu.
Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh dịch trong thực phẩm không chỉ riêng virus COVID-19 mà còn rất nhiều các loại vi khuẩn khác cần phải đề phòng.
"Nhiều bậc nội trợ có thói quen xấu là mua đồ về rồi cho luôn vào tủ lạnh bảo quản khiến các thực phẩm nhanh hỏng và mất vệ sinh và không an toàn. Khi mang về các bậc nội trợ cần xử lý những loại thực phẩm, loại bỏ tạp chất, chất bẩn rửa sạch rồi chia từng loại rau, củ, quả, cho vào hộp để vào tủ lạnh.
Những thực phẩm sử dụng trong thời gian từ 1 – 2 ngày thì nên để ngăn mát của tủ lạnh. Còn lại những thực phẩm để lâu hơn thì nên cho vào ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản", ông Thịnh chia sẻ.
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, việc ăn uống không phải nguyên nhân chính lây nhiễm bệnh dịch COVID-19, việc lây nhiễm chủ yếu qua con đường giao tiếp, hít thở. Do vậy, việc tụ tập đông người hay ngồi ăn nhậu tiếp xúc lâu, nói nhiều là điều nên tránh.
"Tụ tập nhậu nhẹt, "chém gió" là điều nên bỏ trong thời điểm hiện nay. Đó mới là nguyên nhân chính gây lây nhiễm trong bữa ăn chứ không phải do vấn đề ăn.
Khi ngồi "chém gió" nhậu nhẹt với nhau, nước bọt, dịch cơ thể bắn ra không khí, dụng cụ rồi người khác hít phải. Chỉ cần 1 người nhiễm bệnh COVID-19 thì những người còn lại sẽ có khả năng bị lây nhiễm rất cao.
Trong thời điểm hiện nay, việc cần thiết cho mỗi người là tập thể dục, tham gia các bộ môn thể thao tuỳ theo thể trạng để rèn luyện sức khoẻ.
Mâm cơm đầm ấm bên gia đình đã trở thành thói quen khó thay đổi. (Ảnh minh hoạ).
"Người khoẻ mạnh thì khả năng miễn dịch tốt hơn, những người khoẻ thường ít bị bệnh do có sức đề kháng cao. Tập tập ít hay nhiều đều tốt hơn là không tập thể dục. Cứ vận động thì con người sẽ linh hoạt và khoẻ mạnh hơn.
Mỗi người cần tự nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Ăn chín uống chín, thực phẩm đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, ăn khoẻ ngủ khoẻ thì không cần quá lo lắng bệnh dịch", PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.