- Theo Trí Thức Trẻ | 06/06/2020 02:15 PM
Chuyện "Hoàng tử streamer" Pew Pew (Hoàng Văn Khoa) đi bán bánh mỳ, nuôi tôm luôn được công chúng quan tâm và tò mò. Dần từ bỏ công việc livestream hào nhoáng để trở về với cuộc sống lao động, kinh doanh như những người bình thường, anh cũng gặp không ít khốn khó vì Covid-19.
"Trăn trở" suốt mùa dịch
Tại workshop "Phục hồi kinh doanh trong trạng thái Bình Thường Mới", Pew Pew cho biết vốn đã ôm một cục nợ "siêu to khổng lồ" vì khởi nghiệp , dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh "tệ hơn rất nhiều". Anh đã phải hoãn và sau đó phải dừng hoàn toàn dự án khai trương khu tổ hợp cà phê – bánh mì – quán internet để cắt lỗ, nhưng dòng tiền vẫn âm nặng.
Để miêu tả tâm trạng suốt mấy tháng khi mà Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Pew Pew dùng từ "trăn trở": "Giống như rất nhiều anh chị em làm trong mảng dịch vụ và F&B, mình chỉ trăn trở để làm sao "sống" thêm một ngày, vượt qua dịch vì tại thời điểm đó không ai có thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra. Khi sống được qua tháng 4, mình cảm thấy may mắn vô cùng."
Pew Pew - Hoàng Văn Khoa
Dù phải tìm cách xoay sở bán online, cùng với việc giá thịt lợn và chi phí mặt bằng vẫn cao,… nhưng quán bánh mỳ Pew Pew không tăng hay giảm giá sản phẩm.
"Mình không tăng hay giảm giá, vì nghĩ rằng lúc làm ăn được mình không chia sẻ với ai, vẫn cố gắng làm thì lúc khó khăn cũng phải đảm bảo sự ổn định về mặt bằng chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Bởi họ cũng đang lúng túng rất nhiều điều trong cuộc sống rồi nên tối thiểu cái bánh mì là thứ mình có thể giúp họ yên tâm."
Bánh mỳ còn rất nhiều điều để khai thác
Lựa chọn mô hình kinh doanh bánh mỳ – món ăn đã quá quen thuộc và trở thành biểu tượng cho ẩm thực của Việt Nam, lại giữa lúc thị trường đã tràn ngập những thương hiệu từ nổi tiếng đến nhỏ lẻ, việc gặp phải sự cạnh tranh gay gắt là không tránh khỏi.
Nhưng "Hoàng từ streamer" sinh năm 1991 có quan điểm khác biệt: "Mình không nghĩ nhiều đến cạnh tranh. Khi mở bánh mỳ Pew Pew, rất nhiều bạn bè hỏi tại sao lại mở cửa hàng bánh mỳ khi mà thị trường đã được định hình. Nhưng quan điểm của mình trong kinh doanh, từ trước đến giờ và cả sau này, rằng đó là vì bản thân muốn bán nó, sản phẩm của mình phải khác mọi người. Đương nhiên cũng phải nghiên cứu thị trường, bỏ thời gian tâm huyết ra.
Nhưng chưa bao giờ mình nghĩ rằng phải cạnh tranh hay giành giật miếng bánh với ai. Bản thân Khoa dành rất nhiều thời gian đi ăn bánh mỳ ở những chỗ khác, để biết được sự khác biệt và học hỏi. Về sự cạnh tranh, nói cho cùng, khách hàng có quyền so sánh, đó là quyền của họ, còn việc của mình là làm thật tốt."
Đơn cử như việc sử dụng công nghệ để tối giản hóa quy trình. Từng có kinh nghiệm làm việc tại chuỗi đồ ăn nhanh McDonald nổi tiếng, Pew Pew cho biết thời gian từ lúc bấm máy order đến khi bánh ra lò tại đây chỉ mất 5 phút. Trong khi đó, cửa hàng của anh hiện vẫn cần trên 10 phút để hoàn thành một đơn hàng. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều việc phải học, phải làm và phải cải tiến.
Trong buổi trò chuyện, hot streamer cho biết với mỗi loại bánh mỳ, đội ngũ của anh thường mất từ vài tháng đến nửa năm để nghiên cứu và thử nghiệm. Pew Pew tiết lộ sắp ra mắt món mới mang tên "bánh mỳ tôm", vốn đã được lên ý tưởng và nghiên cứu từ tháng 3 năm ngoái.
"Với việc dành nhiều công sức nghiên cứu, chiếc bánh mỳ sẽ không bao giờ trở nên nhàm chán cả. Bản thân mình cũng không nhàm chán với bánh mỳ, chứ không đơn giản là menu đã đủ món, bán đã có lời thì dừng lại. Mình tin rằng còn rất nhiều thứ để khai thác và điều đó khiến khách hàng mong đợi", Pew Pew cho biết.
Về định hướng xây chuỗi, Pew Pew cho biết muốn phát triển các điểm nhượng quyền nhưng còn rất thận trọng bởi mỗi cửa hàng mở ra phải đảm bảo từ con người, quy trình và sản phẩm, chứ không chỉ đơn thuần là dựng chiếc biển "bánh mỳ Pew Pew" lên mà bán.
"Nếu một cửa hàng bị đóng cửa, mình vẫn nhận được tiền nhượng quyền nhưng đó là sự thất vọng của khách hàng. Đó là lý do các điểm bán của Bánh mỳ Pew Pew vẫn chưa được nhân rộng", Pew Pew nói.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế