Nếu nhìn vào ngành công nghiệp game từ những bước phát triển đầu tiên, bạn có thể thấy rất rõ ràng rằng JRPG (Game nhập vai Nhật Bản) và WRPG (Game nhập vai phương Tây) gần như luôn đi song hành. Việc so sánh thành công của hai trường phái này thực sự… không cần thiết cũng như rất khấp khiễng. Tuy nhiên, tôi lại thích game WRPG hơn và trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin mạn phép trình bày một vài quan điểm, suy nghĩ của cá nhân về điều đó.
Cũng như nhiều gamer Việt Nam ở thời điểm cách đây khoảng 10 năm, hệ máy đầu tiên tôi tiếp xúc là PC. Việc sở hữu một chiếc console vào thời điểm đó được coi như “xa xỉ” đối với những ai không thực sự có điều kiện về kinh tế, bởi ngay cả đối với PC thì chơi game không phải là mục đích chính. Điều này dẫn đến vấn đề là số lượng các game PC tôi biết đến nhiều hơn hẳn so với các game console, trong đó tất nhiên có cả RPG.
Các game RPG đầu tiên tôi biết đến đều là WRPG và đều có một điểm chung là sử dụng hệ thống điều khiển bằng chuột cùng bàn phím, trong đó, di chuyển bằng chuột và sử dụng kĩ năng bằng bàn phím như Diablo, Blade and Sword hay Dungeon Siege.
Do đó trải nghiệm đầu về khái niệm “game nhập vai” gần như gắn liền với hệ thống điều khiển này, khiến cho việc chơi JRPG trên console bị hạn chế đi nhiều mặc dù trong thời điểm đó, cũng có ít nhất hai JRPG nổi tiếng của Square Enix được đưa lên PC là Final Fantasy VII và Final Fantasy VIII.
Gắn bó với PC trong một thời gian dài khiến tôi trở nên “lười” khi buộc phải làm quen với hệ thống điều khiển của console, vô hình chung tạo thêm khoảng cách đối với JRPG. Cho dù thời điểm sau này, tôi cũng sở hữu một chiếc PS2 – hệ máy được cho là có nhiều đầu game JRPG xuất sắc nhất nhưng chủ yếu cũng tôi cũng chỉ dành cho các thể loại game khác chứ không phải RPG.
Về mặt nội dung cũng như gameplay, khi đi sâu tìm hiểu về cả hai trường phái, với một vốn kiến thức tương đối đầy đủ, tôi vẫn cảm thấy rằng WRPG hấp dẫn hơn theo một cách nào đó. Trên thực tế, thuật ngữ “RPG” gắn liền với tính tự do trong lối chơi cũng như nội dung bởi khởi nguồn của game nhập vai vốn là DnD (Dungeons and Dragons – một loại hình trò chơi trên bàn xuất hiện lần đầu vào khoảng những năm cuối thập niên 70 thế kỉ trước).
DnD mang nhiều tính tự do, cả về việc xây dựng nhân vật cũng như đối thoại. WRPG thường trung thành với thuật ngữ này, ngay cả đối với những game tuyến tính như thể loại RPG hack ‘n slahs (các game này thường nhấn mạnh sự tự do trong vấn đề xây dựng nhân vật hơn là nội dung).
Đối với tôi, việc chơi game không chỉ đơn thuần là ngồi vào màn hình và thưởng thức một mạch từ đầu đến cuối một sản phẩm nào đó. Như vậy giống như xem film hay đọc sách hơn. Chơi game là tương tác với thế giới trong game, thậm chí có thể có những hướng thay đổi những yếu tố trong đó. Trong lĩnh vực này, thông thường các game WRPG làm tốt hơn JRPG.
JRPG thường cho bạn một nhân vật chính duy nhất, ít khả năng tùy biến về chỉ số, xuất xứ nhân vật và có một cốt truyện gần như không thay đổi với mỗi lần chơi lại. JRPG đem lại giá trị chơi lại ở những side quests (nhiệm vụ phụ) chứ không phải ở nội dung chính của trò chơi. Trong khi đó, các game WRPG theo hướng cổ điển lại cung cấp một môi trường tự do hơn ngay từ khi bạn xây dựng nhân vật, bằng việc tùy biến các chỉ số liên quan, chọn cho mình các kiểu nhân vật khác nhau, xuất xứ khác nhau, v.v…
Các câu thoại theo hướng “branching” (phân nhánh, giống như việc một tình huống có nhiều hướng giải quyết) cũng được các nhà sản xuất phương Tây ưa chuộng hơn so với Nhật và bởi vậy, việc trải nghiệm một game WRPG đem lại cảm giác gần với “chơi game” hơn khi người chơi có được nhiều hướng phát triển, tương tác, đi đến nhiều kết cục khác nhau chứ không phải là một kết cục duy nhất.
Đối với cá nhân tôi, chơi JRPG giống như đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim hơn, và để chọn cho mình một cuốn sách hay một cuốn phim vừa ý, bạn sẽ cần phải trải nghiệm một số lượng rất lớn các đầu sản phẩm. Trong khi đó, ngay trong một game WRPG điển hình thì việc phát triển nhân vật đôi khi đã mang tính chất “cá nhân hóa” rồi.
Điều đó, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc JRPG “dở” hơn, mà chỉ là sự tuyến tính khiến cho các sản phẩm đi theo hướng này đôi khi không “hợp khẩu vị” với nhiều người, trong đó có tôi. Trên thực tế, thị trường Nhật Bản vẫn là một thị trường phục vụ cho nội địa nhiều hơn, bởi vậy các game đến từ đất nước này đôi khi không “rộng rãi” như các game đến từ phương Tây, cả về hình thức lẫn nội dung. Ngay cả vấn đề về ngôn ngữ cũng là một trở ngại khác nữa.