Phát biểu với tờ USA Today, ông Kirk Kjeldsen – giáo sư tại cục điện ảnh của đại học Virginia Commonwealth ở Richmon, Vancouver đã cố gắng giải thích vì sao các bộ phim phỏng theo cốt truyện của các trò chơi điện tử hầu như luôn luôn thất bại một cách... khủng khiếp. “Game và phim là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau” - lời khẳng định được vị giáo sư sử dụng mở đầu cho bài diễn giải bằng lý do tại sao bộ phim ăn theo
Need For Speed đã không thể làm tốt hơn tại các phòng vé mặc dù nó đã kiếm lại toàn bộ kinh phí sản xuất ngay trong tuần đầu công chiếu.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Hầu hết các câu chuyện trong phim đều được làm theo một khuôn mẫu truyền thống, đó là cấu trúc ba phần: mở đầu, thử thách và đoạn kết, trong khi các trò chơi điện tử ít khi được xây dựng một cách hoàn hảo với khuôn mẫu này. “
Đưa một kịch bản phi tuyến tính vào khuôn mẫu cố định chẳng khác nào việc viết một bài hát dựa trên một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc vậy.” - ông Kjeldsen nói.
“
Nếu có bộ phim chuyển thể từ game nào có thể đạt đến tầm gây ấn tượng tới các nhà phê bình thì đó chỉ có thể là tác phẩm được ra mắt vào năm 2010, Prince of Persia: The Sands of Time”. Bộ phim đã đạt doanh thu 90 triệu USD cùng sự khen ngợi từ một phần ba các nhà phê bình.
Theo ông Kjeldsen, bộ phim dựa trên tựa game nổi tiếng của Ubisoft này đã vạch ra con đường đúng đắn cho các sản phẩm tương tự: “
Prince of Persia có lẽ là hướng đi tốt nhất cho các bộ phim phỏng theo cốt truyện của các trò chơi điện tử, đó là giữ lại những phần hấp dẫn nhất của trò chơi và bỏ đi tất cả các thứ còn lại.”
Tuy nhiên, ông Wheeler Winston Dixon, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại đại học Nebraska – Lincoln lại có ý kiến khác. Theo ông Dixon, phần hay nhất ở một trò chơi đó là việc nó có thể... chơi được: “Một lý do đơn giản khiến hầu như các bộ phim phỏng theo cốt truyện game đều thất bại đó là chúng không phải là thứ có thể tương tác được.”
“Trong game, người chơi thực sự là ngôi sao của buổi diễn. Họ chỉ đạo các diễn viên, quyết định hướng phát triển của cốt truyện và quan trọng nhất, quyết định sẽ hạ gục kẻ nào để đi đến màn chơi tiếp theo. Khi khía cạnh này của game bị loại bỏ, người xem không còn cảm thấy mình là một phần của những gì đang diễn ra trên màn hình.”
Ông Dixon còn cho biết thêm một nhận định khá thú vị: “
Có thể trong tương lai gần thôi khi công nghệ phát triển, các trò chơi điện tử sẽ bắt đầu chơi được bởi chính các khác giả đang ngồi trong rạp chiếu phim. Nhưng trước khi thời điểm đó xảy ra, các bộ phim không bao giờ có thể thay thế được các trải nghiệm trong game.”
Ngoài ra còn một yếu tố mà các chuyên gia ở trên chưa đề cập đến nhưng đa số những người chơi game như chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, đó là thời lượng của phim kể cả khi dài nhất lên tới 3 tiếng cũng chưa thấm tháp gì so với những tựa game ngắn nhất. Chính vì phải cố gắng gói gọn nội dung game trong khoảng thời gian hạn hẹp như vậy nên thật sự rất khó để các nhà đạo diễn có thể tạo ra sản phẩm làm hài lòng cả fan hâm mộ trò chơi lẫn bộ phận khán giả thông thường.
Vậy theo bạn liệu rằng tất cả các bộ phim ăn theo game đều rất tệ? Liệu rằng các bộ phim phỏng theo cốt truyện của Assassin Creed, World of Warcraft và Angry Bird sắp ra mắt rồi sẽ lại thất bại? Hãy cùng chờ đợi và hy vọng điều đó không xảy ra.