Tương lai của game là thế giới mở?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 23/06/2013 0:00 AM

Một điểm nổi bật tại E3 là rất nhiều tựa game đã lựa chọn hướng đi thế giới mở.

Nếu như theo dõi diễn biến của hội chợ E3 2013 diễn ra tuần trước, có thể bạn đã nhận ra được một điểm khá nổi bật đó chính là rất nhiều tựa game dành cho thế hệ console mới đã chọn phong cách thế giới mở. Chúng hứa hẹn sẽ vừa cho người chơi sự tự do nhưng cũng mang lại những kịch bản, cốt truyện, tình tiết hoàn toàn rõ ràng.
 
Mad Max, phát triển bởi Avalanche Studios; The Witcher 3 đến từ CD Projekt, Metal Gear Solid 5 của Hideo Kojima hay DayZ - bản mod cực kỳ nổi tiếng của game ARMA II do Dean Hall thiết kế là một số ví dụ điển hình của việc lựa chọn thế giới mở để làm tiền đề phát triển. Chưa hết, ngay cả một số tựa game như Dragon Age: Inquisition và có lẽ cả Mass Effect 4 (nếu sản phẩm này tồn tại) của hãng phát hành EA cũng sẽ chuyển sang phương hướng tương tự.
 
Nhưng có lẽ đội hình game thế giới mở hùng hậu nhất chính là của Ubisoft với Assassin’s Creed 4, Watch Dogs, The Division và The Crew.
 
Tương lai của game là thế giới mở? 1
 
Sự chuyển hướng phát triển từ phong cách thế giới đóng và tuyến tính sang thể loại thế giới mở một cách ồ ạt như vậy sẽ khiến cho người ta có rất nhiều câu hỏi như: chuyện gì đã xảy ra? Tại sao đến bây giờ các hãng phát triển mới đầu tư vào game thế giới mở? Và điều gì ở thế hệ console mới này sẽ làm cho những tựa game này khác biệt với những tựa game thế giới mở trước đây?
 
Giám đốc Ubisoft Châu Âu – Alain Corre – hé lộ rằng hãng phát hành này đang chuyển hướng tất cả các nhà phát triển phụ trách những tựa game quan trọng nhất của Ubisoft sang phong cách mới. Ông cũng đề cập đến việc ba tựa game Rayman, Rabbids và Just Dance không thuộc trong danh sách này. Quyết định táo bạo này đã cho chúng ta được thưởng thức những đoạn demo từ The Division của studio Massive, The Crew - sản phẩm được thai nghén bởi hai studio Ivory Tower và Ubisoft Reflections. Cả hai sản phẩm này đều trình diễn thế giới mở và hoàn toàn cho phép người chơi khám phá mọi ngóc ngách một cách tự do tuyệt đối. Chính sự tự do này là điều cuốn hút người chơi nhất.
 
Corre chia sẻ thêm: “Chúng tôi có niềm tin rất lớn vào game thế giới mở. Sự tự do trong thế giới ảo và những chế độ multiplayer được tích hợp một cách cực kỳ tự nhiên là những điều sẽ lại những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn hơn hẳn những tựa game tuyến tính. Đương nhiên người chơi đã từng trải nghiệm những tựa game thế giới mở nhưng tôi nghĩ rằng cảm giác bạn sẽ có khi chơi những tựa game của chúng tôi sẽ hoàn toàn khác biệt. Chính vì vậy chúng tôi đang thúc đẩy các nhà phát triển chuyển hướng.”
 
Nhắc đến những tựa game thế giới mở từ trước đến nay, bạn có thể kể ra hàng tá tựa game tên tuổi đã tạo nên thành công vang dội những năm vừa qua như Skyrim, GTA IV, L.A. Noire, Red Dead Redemption, Far Cry 3... Và chính những sự thành công này có lẽ đã trở thành động lực mạnh mẽ đối với toàn bộ ngành công nghiệp game thế giới.
 
Tương lai của game là thế giới mở? 2
Skyrim – tượng đài game thế giới mở của thế hệ cũ có thể đã là động lực chính giúp các hãng game chuyển đổi.
 
Nhưng những tựa game trên chỉ đem đến những trải nghiểm mạng tính chất cá nhân. Chuyến phiêu lưu của người chơi sẽ không có bất cứ sự tham dự nào từ một người chơi khác ngoại trừ những nhân vật NPC và đối thủ máy với trí thông minh nhân tạo AI (đa phần) khá hạn chế.
 
Đối với game thế giới mở cho thế hệ next-gen thì lại khác. Thế giới mở là phải có sự tương tác và kết nối giữa người với người.
 
The Division E3 Gameplay.
 
Bạn có thể lấy The Division ra làm ví dụ. Nó hoàn toàn có những điểm tương đồng với những tựa game MMO thứ thiệt nhưng nó lại không được xếp vào thể loại đó. Nhà sản xuất đã thiết kế một thế giới riêng cho người chơi nhưng họ cũng đồng thời khuyến khích người chơi khám phá cùng với bạn bè.
 
Next-gen cho chúng ta được thưởng thức những trải nghiệm một cách hoàn toàn liên tục. Như đã được thể hiện trong đoạn trailer về phần chơi mạng của Watch Dogs, bạn bè có thể gia nhập vào thế giới riêng của người chơi và giúp đỡ hoặc trở thành kẻ địch bất cứ khi nào. Đó là những đặc tính mà chưa từng tồn tại trong những tựa game trước đây. Trong Watch Dogs, bạn có khả năng kết nối vào thế giới của người khác và giúp đỡ họ bằng cách sử dụng máy tính bảng và điện thoại để cứu nguy khi họ bị cảnh sát truy đuổi.
 
Hoặc, bạn cũng có thể gây rối cho chủ nhân của thế giới đó bằng cách cản trở để chặn đường tẩu thoát của họ. Đó là những thứ mà trước đây không hề có hoặc nếu có thì cũng mang yếu tố tuyến tính cao. Nhưng với những gì các nhà phát triển đã thể hiện ở đây thì trong tương lai những sự can thiệp từ thế giới bên ngoài sẽ hoàn toàn tự do và ngẫu nhiên. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn, bạn có thể chơi mạng bất cứ khi nào bạn thích.
 
Watch Dogs Open World Preview Eurogamer.
 
Với những gì Corre mô tả thì chúng ta có thể thấy được một thể loại game hoàn toàn mới. Một thế giới mở luôn được kết nối qua mạng internet nhưng lại không phải MMO mà để hiểu được đúng tính chất của nó ta có thể phải coi đó là một “thế giới thực”. Không như game online bình thường, bạn có toàn quyền quyết định sẽ chơi một mình hay cùng bạn bè. Hơn thế nữa, khi thế giới của bạn luôn luôn được kết nối vào mạng internet, những sự kiện trong game sẽ vẫn liên tục xảy ra bất kể bạn có trong game hay không. Ngoài ra, bạn còn có khả năng tham gia vào những sự kiện, phát triển nhân vật và hỗ trợ bạn bè trong game bằng máy tính bảng hoặc điện thoại di động.
 
The Witcher 3 Gameplay Trailer.
 
Không giống với những tựa game thế giới mở của Ubisoft, The Witcher 3 là một tựa game không hỗ trợ chơi mạng nhưng nó cũng sẽ tận đụng được tính năng mạng của thế hệ console mới. CD Projekt sẽ tích hợp rất nhiều tính năng từ các mạng xã hội như Facebook để giúp người chơi có thể cập nhật những thành quả mới đạt được của mình. Với bản đồ rộng lớn cùng với cách xây dựng nhiệm vụ hoàn toàn mới theo phong cách sự kiện ngẫu nhiên sẽ đem đến một thế giới sống động cho người chơi. Những fan hâm mộ của series này chắc chắn sẽ tiêu tốn quãng thời gian không chỉ bằng chục mà phải đến cả trăm tiếng để khám phá và hoàn thành game.
 
Mad Max E3 Trailer.
 
Mad Max, từ studio Avalanche, cũng là một tựa game thế giới mở nhưng chỉ có chế độ chơi đơn nhưng cũng được hứa hẹn sẽ được tích hợp thêm những tính năng mới để tận dụng triệt để khả năng kết nối mạnh mẽ của thế hệ console mới. Sundberg, chuyên viên thiết kế của tựa game này, người đã từng phát triển Just Cause 2, có nhận xét rằng: “Tôi chỉ có thể coi Just Cause là một tựa game sandbox. Nó không thể hiện được yếu tố cốt truyện rõ ràng. Đối với Mad Max thì lại khác, đó là một tựa game thế giới mở với cốt truyện rất được đề cao.”
 
Tương lai của game là thế giới mở? 3
 
Đó có lẽ cũng là lý do tại sao huyền thoại Hideo Kojima đã xuât hiện tại gian hàng của Warner Bros để có thể chơi thứ Mad Max. Metal Gear Solid 5 cũng đã được cải tiến theo xu hướng mới với những hình ảnh Snake cưỡi ngựa rong duổi khắp thế giới trong game và tiếp cận những mục tiêu của mình từ nhiều phương hướng và theo nhiều cách. Chưa bao giờ người hâm mộ dòng game Metal Gear Solid được Hideo Kojima ưu ái đến như thế khi trao tận tay người chơi sự tự do chứ không chỉ đơn thuần là một tựa game.
 
Metal Gear Solid V E3 2013 Trailer.
 
Đương nhiên, để chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng, các nhà phát triển sẽ cố gắng lồng ghép yếu tố mới mẻ này vào game của mình và tự nhận rằng sản phẩm của mình chính là một game thế giới mở. Chúng ta cũng không thể phủ nhận những lựa chọn đó và có thể thấy ngay được rằng, thể loại này sẽ được phân nhánh ra nhiều hướng khác nhau từ “thế giới mở một phần” đến “thế giới mở toàn phần”.
 
Mặc dù những tính năng của những tựa game next gen hoàn toàn ấn tượng, việc bắt buộc phải kết nối với mạng internet 24/7 nếu như muốn trải nghiệm tất cả những điểm ưu việt trên không phải là điều gì hấp dẫn cho lắm. Chính vì yếu tố này, những tựa game trên sẽ cần phải có một sức hút thật sự mạnh mẽ để đủ sức thuyết phục hoàn toàn người chơi.
 
Tham khảo: Eurogamer