- Theo Trí Thức Trẻ | 12/11/2015 03:20 PM
Hiện tại đã là ngày thứ ba Fallout 4 mở cửa. Và thú thật với các bạn, tôi phải rất cố gắng mới có thể cưỡng lại được sự quyến rũ của việc crafting trong game để ra ngoài desktop bật Word lên chia sẻ vài dòng với các bạn về mức độ gây nghiện của tựa game này. Bethesda vài năm trước đã cuốn hút cậu học trò, là tôi, với Skyrim, và bây giờ, một lần nữa họ lại làm điều tương tự dù rằng tôi đã trưởng thành, đi làm với Fallout 4. Trải nghiệm những đêm thức trắng không ngủ để đắm mình trong thế giới ảo của game thực sự quá tuyệt vời, và… mệt mỏi nữa.
Đã 5 năm kể từ cái ngày Fallout chuyển mình, từ một tựa game nhập vai góc nhìn thứ ba từ trên xuống trở thành một game nhập vai với phong cách bắn súng những vẫn giữ được hệ thống S.P.E.C.I.A.L. cùng những “perk” vừa hài hước khi đọc mô tả, những lại vô cùng hiệu quả trong thế giới đổ nát hậu tận thế của game. Tất cả tạo ra một Fallout khác hẳn so với những tựa game nhập vai khác.
Hẳn các bạn biết Borderlands chứ? Cũng bắn súng góc nhìn người thứ nhất, cũng sở hữu hệ thống vũ khí và chỉ số nhân vật đa dạng, nhiều lựa chọn, và cũng có những chỉ số nhân vật riêng. Nếu so sánh cụ thể thì Borderlands rốt cuộc chỉ là phiên bản casual của Fallout mà thôi. Thế nhưng Fallout 3 tuy thay đổi lối chơi nhưng lại có cơ chế chiến đấu hơi dở một chút. Nếu các bạn chơi qua tựa game này sẽ hiểu điều tôi đang nói tới. May mắn cho người chơi là họ có hệ thống V.A.T.S., hệ thống tự động ngắm bắn của game, sử dụng AP, một dạng action point của riêng Fallout.
Nhưng đến Fallout 4, học tập từ những trận đấu nghẹt thở của Borderlands, combat đã trở nên cuốn hút và vui nhộn hơn bao giờ hết. Có những tên Ghoul, Mirelurk hay những gã đột biến gen cầm quả bom to như trái bóng lao về phía bạn, chứ không chỉ núp sau cover và tìm cơ hội tấn công bạn nữa.
Chính chiến thuật có phần đa dạng, kết hợp với không gian nơi nhưng “trận thư hùng” giữa bạn và những kẻ khát máu trong game không lúc nào giống lúc nào cả. So sánh với Fallout 3 và New Vegas, combat trong Fallout 4 là một bước tiến bộ quá lớn. Nó không khiến bạn sợ hãi tránh né những con quái vật gớm ghiếc nữa. Một khi vũ khí đủ mạnh, đạn đủ nhiều, bạn sẽ tự tìm đến chúng chứ không còn “vô tình” chạm trán giữa wasteland đầy những mối nguy.
Hai ngày liên tục, tôi bỏ qua những thứ cuốn hút mình trong thế giới của Fallout, từ việc craft đồ, tạo ra những nơi sinh sống an toàn cho những settler, những kẻ còn sống sót sau thảm họa và đang cố gắng tìm một nơi an cư. Chính cốt truyện chính của game với nhiều nút thắt, những hướng rẽ bất ngờ với sự hiện diện của ba faction lớn cùng những thành phố nhỏ giữa lòng Boston đã tạo ra một tựa game với chiều sâu khó cưỡng nổi, cùng cả trăm nhiệm vụ phụ từ lớn đến nhỏ giúp “con người 200 tuổi” (phải, chính là bạn) có được một cái nhìn hoàn chỉnh về thế giới mới sau khi tỉnh dậy.
Một điều rất hay mà Todd Howard đã làm chính là cho phép bạn tiếp tục phiêu lưu trong thế giới của game, làm những nhiệm vụ phụ sau khi kết thúc chuỗi nhiệm vụ chính. Vì sao? Họ muốn bạn sống cùng với những lựa chọn mình đã đưa ra ở kết thúc của game. Chính bạn chứ không phải ai khác sẽ là người quyết định sự tồn vong của khu “Thịnh vượng chung”, nơi mình tỉnh dậy.
Đoạn trailer trước ngày game ra mắt đã nói rất rõ ràng tình thế của chúng ta: “Đây không phải thế giới tôi muốn, nhưng tôi lại rơi vào nó khi tỉnh dậy”. Fallout 4 tạo ra một trải nghiệm với nguyên nhân, con đường, với hành động và hệ quả, và bạn buộc phải sống cùng với những hệ quả đó, trừ phi bạn load file save cũ để khám phá những con đường trước đây bạn đã bỏ qua.
Đó là về cốt truyện. Có thể khẳng định Fallout 4 là một trong số những trải nghiệm chơi đơn đáng chú ý nhất trong năm 2015, bên cạnh những cái tên lớn như Witcher 3 vào đầu năm, hay Metal Gear Solid V vào tháng 09 vừa qua. Nhưng thứ thật sự níu chân tôi lại với Fallout 4, thứ biến vài tiếng đồng hồ chơi game thư giãn trở thành cả những đêm không ngủ lại chính là cơ chế craft đồ.
Trong thế giới của Fallout, chắc hẳn bạn sẽ thấy những món đồ rác rưởi hay những đống đổ nát do bom nguyên tử tạo ra và để lại đó suốt vài trăm năm. Trong những tựa game khác, chúng là những thứ đảm bảo cho bầu không khí trong game. Còn gì mô tả một thế giới hậu tận thế tuyệt vời hơn những tàn tích của thời đại hoàng kim cũ cơ chứ?
Nhưng trong Fallout 4, những đống đổ nát đó sẽ là nền tảng để bạn craft nên những căn nhà, những chiếc giường hay những chiếc turret cực nguy hiểm để bảo vệ họ trong trường hợp khu vực của bạn trở nên sầm uất với hàng chục, thậm chí hàng trăm người tìm đến sinh sống, cùng những lái buôn chở hàng qua giao thương, tạo ra cơ hội cho bạn mua những món đồ “xịn”, nhưng cùng lúc lại biến khu vực bạn sống trở thành mục tiêu béo bở trong mắt đám raider tham lam quỷ quyệt…
Tính ra, sau khi kết thúc phần chơi đơn, tôi đã tỷ mẩn gần 8 tiếng đồng hồ chỉ để ngồi xây dựng được nơi sinh sống ưng ý nhất. Đó là chưa kể việc phải ra ngoài nhặt rác rưởi, những nguyên liệu không thể nào có tại Sanctuary để hoàn thành nhiệm vụ chính mình đặt ra. Nhưng những khó khăn đó chỉ khiến cho bản thân tôi bị cuốn hút mãnh liệt hơn với cơ chế gameplay độc đáo chưa từng thấy này.
Khi đã chán craft đồ, nâng cấp súng và power armor, PipBoy tiếp tục thúc giục tôi hoàn thành những nhiệm vụ phụ… Trong Fallout 4, có thể khẳng định bạn không thiếu việc để làm. Sẽ không có những khoảng thời gian chết trong game ngay cả khi bạn đã hoàn thành phần chơi đơn. Vấn đề chỉ là, liệu bạn có một vị cấp trên thông cảm cho những đêm không ngủ của bạn, vì họ cũng rất mê Fallout 4 giống như tôi và bạn hay không mà thôi. Khi vào game, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ, vì đơn giản những thứ Fallout 4 đem tới cho chúng ta thực sự quá sức ấn tượng và gây nghiện theo đúng nghĩa đen.