Trung Quốc ra sao sau khi dỡ bỏ lệnh cấm game console?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 05/05/2014 04:20 PM

Cơ hội nào cho những nhà sản xuất console như Microsoft, Sony, Nintendo tại Trung Quốc?

Sau 14 năm, cuối cùng thì Trung Quốc cũng đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm mà nước này áp đặt lên hệ máy chơi game console. Quyết định này đã mở ra một thị trường mới vô cùng quan trọng cho Microsoft, Nintendo, Sony và cả những nhà sản xuất điện tử nội địa.

Nhà sản xuất nội địa, ai có khả năng?

Sau khi luật cấm lưu hành máy chơi game console (như PS3, PS4, Xbox 360, Xbox One, Wii, Wii U...) được dỡ bỏ tại Trung Quốc sau 14 năm, đề tài được bàn tán nhiều nhất là các “ông lớn” trong ngành như Sony, Microsoft và Nintendo sẽ làm gì với thị trường béo bở hàng đầu thế giới này.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm không kém: Giờ đây các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đã được tự do chế tạo máy console của riêng mình, và có ai sẽ tưởng tượng được họ sẽ làm ra loại console gì?  

Trung Quốc ra sao sau khi dỡ bỏ lệnh cấm game console? 1
Khó có thể tưởng tượng được Trung Quốc sẽ chế tạo ra máy console gì.

Hiện tại ở Trung Quốc có kha khá công ty đủ kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để đeo bám một dự án vừa đắt đỏ vừa mạo hiểm như vậy.  

- Tencent: Tên tuổi lớn nhất trong ngành game Trung Quốc, Tencent có thể tập trung nguồn lực từ các mảng kinh doanh khác - đặc biệt là quyền thống trị mảng xã hội Trung Quốc. Tuy có thể còn khá xa lạ trong việc sản xuất phần cứng console chơi game, nhưng rõ ràng Tencent có thể mạnh rất lớn ở các công cụ marketing.

- Lenovo: Gã khổng lồ của ngành IT Trung Quốc rõ ràng là có thừa tiền cũng như kinh nghiệm bề dày đã cho ra đời vô số máy móc tối tân. Thậm chí từ trước khi dự luật cấm console được dỡ bỏ.

- Netease: Đây cũng là một hãng phát hành game lớn và có mặt trong nhiều ngành kinh doanh khác, đủ tiềm lực để phát triển một dự án phần cứng trên diện rộng. Tuy vậy, cũng như Tencent, Netease chưa có nhiều kinh nghiệm trong mảng thao tác chế tạo phần cứng.

Đó chính là 3 cái tên khả dĩ nhất có thể tự chế tạo những chiếc máy chơi game console của Trung Quốc. Và nếu Trung Quốc thực sự có một máy console "cây nhà lá vườn" đúng nghĩa (không tính hàng nhái), thì chiếc máy đó sẽ có những tính năng đặc biệt gì?

Thị trường game console Trung Quốc: Những tiêu chí hàng đầu

Thị trường game Trung Quốc đã mang về đến 13 tỉ USD trong năm 2013, và nơi đây, thị hiếu người chơi cũng tương đối khác biệt với thế giới. Trong số đó, có những khác biệt có thể sẽ khiến những nhà sản xuất máy - game console phải đau đầu khi thâm nhập thị trường này. 

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất: game thủ Trung Quốc không thích việc phải trả tiền trước. Mô hình game F2P (Free to play – chơi miễn phí) có thể còn tương đối mới mẻ với thế giới, nhưng đối với ngành công nghiệp game Trung Quốc thì điều này đã thành một "nguyên tắc vàng" bất di bất dịch. Và hiển nhiên một hệ thống không thể đáp ứng được yêu cầu này sẽ "chết ngay từ trong trứng nước".

Trung Quốc ra sao sau khi dỡ bỏ lệnh cấm game console? 2

Kế tiếp, giá bán của các loại thiết bị và game tại Trung Quốc chắc chắn phải thấp. Lấy ví dụ trên lĩnh vực smartphone, con số 2.000 nhân dân tệ (khoảng 320 USD) đã là một con số chỉ có trong mơ mới mong người Trung Quốc móc hầu bao ra chi trả. Giá tốt cũng là một hướng đi hợp lý cho thị phần console tại Trung Quốc, bởi lẽ game thủ tại đây không mấy quan tâm đến những thế mạnh đồ họa khủng bố như của PlayStation 4 và Xbox One.

Thứ ba, các máy console phải hỗ trợ các phần mềm mạng xã hội Trung Quốc: Game thủ Trung Quốc rất thích chat, phát ảnh phim, cũng như mua sắm qua mạng. Một hãng console tinh ý sẽ phải tích hợp những phần mềm cho phép người chơi làm tất cả những điều đó qua TV. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có một webcam gắn trong máy, và lập đối tác với các công ty lớn có liên quan: Youku cho việc phát video, Alibaba cho thương mại điện tử, hay Tencent và Sina cho mạng xã hội…

Quy định kiểm duyệt "trăm điều khó"

Tiếp sau quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 1.2014, Trung Quốc đã vừa công bố hướng dẫn kiểm duyệt phần mềm mới trong tháng 4, buộc các nhà phát triển phải tuân theo nếu muốn được Bộ Văn hóa Trung Quốc chấp thuận cho phát hành trong nước. Giả sử các game tránh được những quy định khắc khe được liệt kê dưới đây, nó sẽ có thể nhận được cấp phép phát hành chỉ trong vòng 20 ngày. Dưới đây là một số điều cấm trong hướng dẫn kiểm duyệt tại Trung Quốc:

- Nội dung hay tính năng trong game có liên quan đến cờ bạc.

- Bất cứ điều gì vi phạm Hiến pháp của Trung Quốc.

- Bất cứ điều gì đe dọa sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc.

- Bất cứ điều gì gây tổn hại đến uy tín, an ninh, lợi ích quốc gia.

- Bất cứ điều gì gây hận thù chủng tộc/dân tộc, truyền thống dân tộc hoặc gây hại và các nền văn hóa.

- Bất cứ điều gì vi phạm chính sách của Trung Quốc về tôn giáo, bằng cách thúc đẩy các giáo phái hay mê tín dị đoan.

- Bất cứ điều gì thúc đẩy hoặc xúi giục khiêu dâm, sử dụng ma túy, bạo lực, hoặc cờ bạc.

- Bất cứ điều gì gây tổn hại đến đạo đức công cộng hoặc văn hóa và truyền thống của Trung Quốc.

- Bất cứ điều gì xúc phạm, vu khống, hoặc vi phạm quyền của những người khác.

- Nội dung khác vi phạm pháp luật.

Rất nhiều trong số các quy tắc này khá đơn giản và phổ quát. Các hình thức game cờ bạc thực tế và sử dụng tiền thật đang bị cấm ở nhiều nơi. Trong khi đó, chắc chắn không có game nào có thể vi phạm Hiến pháp tại nơi mà nó đang được phát hành. Tuy nhiên, vẫn có những quy định thật sự rất mơ hồ. 

Một trong những quy định mơ hồ nhất được liệt kê là lệnh cấm "Bất cứ điều gì gây tổn hại đến đạo đức công cộng hoặc văn hóa và truyền thống của Trung Quốc". Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đó có thể là bất cứ thứ gì. Những lưu ý về việc không cho phép "bất cứ điều gì thúc đẩy hoặc xúi giục khiêu dâm, sử dụng ma túy, bạo lực, hoặc cờ bạc" cũng gây ra nhiều mối quan ngại cho các nhà phát triển game phương Tây trong hy vọng sẽ mang tựa game của mình đến với Trung Quốc. Một game như Grand Theft Auto V chẳng hạn - vốn là game bán chạy nhất thế giới năm 2013 - chắc chắn thất bại trong tất cả các lần nó được nộp lên bàn của các quan chức quản lý văn hóa Trung Quốc.

Microsoft, Nintendo, Sony: Trung Quốc là miếng bánh "khó xơi" nhưng cực kỳ béo bở

Mặc dù vướng phải rất nhiều hạn chế, nhưng thị trường game trị giá 13 tỉ đô của Trung Quốc đơn giản là một miếng bánh quá "béo" cho các nhà phát triển và phát hành. Microsoft đã công bố kế hoạch chính thức phân phối Xbox One tại Trung Quốc, Sony gần đây đã mở hẳn một bộ phận có tên gọi Phòng chiến lược Trung Quốc (China Stategy Department). Nintendo có thể sẽ giành nhiều lợi thế hơn bởi hãng này và máy console của nó đang có rất nhiều tựa game dành cho gia đình - chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong việc xin cấp phép.

Trung Quốc ra sao sau khi dỡ bỏ lệnh cấm game console? 3

Ngược lại, Cả Sony và Microsoft đều đang có những ảnh hưởng về thương hiệu tại Trung Quốc do các sản phẩm không liên quan đến game của họ; trong khi Nintendo sẽ phải xây dựng từ đầu trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc.

Khi nói đến các game được phát hành theo hướng dẫn của Trung Quốc, các nhà phát triển - phát hành có thể lựa chọn để tạo ra các nội dung độc quyền cho thị trường này. Tuy vậy, điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể cho quá trình phát triển. Ngoài ra, họ còn phải cố gắng tạo ra các phiên bản game khác, cắt bỏ những nội dung không phù hợp với quy định phát hành tại nơi đây. Những điều này chính là "ngọn núi Thái Sơn" trước mắt rất nhiều tựa game đang có hiện nay. 

Tất nhiên, các nhà phát triển và phát hành luôn có thể cố gắng thay đổi để "đánh chiếm" các thị trường , khán giả và người chơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, thị hiếu của thị trường phương Tây và phương Đông luôn luôn rất khác biệt. Ngoài sự khác biệt văn hóa trong bản thân các trò chơi, thì lựa chọn hàng đầu (và có thể là duy nhất được chấp nhận) của game thủ Trung Quốc hiện nay chính là mô hình free-to-play. 

Hãng Activision gần đây đã được cấp phép phát hành một game Call of Duty ở Trung Quốc, với "gã khổng lồ" Tencent sẽ lo việc phát hành, tiếp thị và phân phối. Và thay vì port một trong những phiên bản CoD hiện tại, game này sẽ được phát hành tại Trung Quốc với tên gọi Call of Duty online - "xào" lại rất nhiều bản đồ cũ trong các phiên bản trước, phát hành độc quyền tại Trung Quốc và... free-to-play. 

Trung Quốc ra sao sau khi dỡ bỏ lệnh cấm game console? 4

Tại thời điểm này rất ít, người chơi tại Trung Quốc sẽ bắt đầu học cách "ôm ấp" chiếc máy console. Họ sẽ thích nó hay không thích nó, giờ vẫn chưa biết, và khả năng nào cũng có thể xảy ra. Nhưng nếu họ thích, nó sẽ mở ra một biên giới mới cho ngành công nghiệp game console.

Theo PC World