Total War Rome II: Thỏa lòng mong đợi

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 07/09/2013 0:00 AM

Creative Assembly như thường lệ không làm cho các fan hâm mộ phải thất vọng.

Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng các game thủ đam mê thể loại chiến thuật đã có dịp được chạm tay vào phiên bản tiếp theo của series kinh điển Total War: Rome II - tựa game mà từ trước khi phát hành chính thức đã được nhiều tạp chí game nổi tiếng đánh giá rất cao. Total War: Rome II sở hữu khá nhiều thay đổi so với người anh em trước đó, nhưng dù thế nào đi nữa, nó chắc chắn vẫn giữ nguyên những được những điểm mạnh làm nên tên tuổi cho dòng game này.
 
Total War: Rome II Trailer.
 
Được phát triển từ Rome: Total War (ra mắt năm 2005) nên bối cảnh của Total War: Rome II không có gì thay đổi so với phiên bản cũ, game sẽ đưa các bạn trở về giai đoạn thời kì cổ đại bắt đầu từ năm 272 trước CN đến năm 476 sau CN. Đây là thời kì được các nhà sử học coi là sự trỗi dậy của các thành bang thuộc La Mã, cụ thể là từ một quốc gia nhỏ bé ở Châu Âu đã phát triển thành một vương quốc có diện tích rộng lớn với nhiều vùng đất, thành phố lớn trải dài phần lớn châu Âu, Á và Trung Đông.
 
Tuy nhiên khác với người anh em Rome Total War, Total War: Rome II đã có một sự thay đổi nhỏ: thay vì chỉ tập trung vào sự phát triển của Đế Chế La Mã thì Total War: Rome II lại cho phép người chơi có thể chơi nhiều quốc gia cổ đại khác. Ngoài La Mã, người chơi có thể chọn 8 quốc gia nổi tiếng trong giai đoạn này như Makedonia, Ai Cập, Carthage, Hi Lạp và một vài nền văn minh khác. Tất nhiên mỗi quốc gia lại có điểm mạnh yếu khác nhau cũng như độ khó khác nhau.
 
Nhiệm vụ trong game vẫn vậy, Bạn phải lãnh đạo quốc gia của mình mở rộng lãnh thổ bằng nhiều cách như ngoại giao hoặc quân sự, phát triển kinh tế, sử dụng gián điệp để ám sát hoặc giết phá hoạt nền kinh tế các quốc gia khác, và mục tiêu cuối cùng là đưa quốc gia của mình trở thành thế lực mạnh nhất.
 
Total War Rome II: Thỏa lòng mong đợi 1
Không như phiên bản trước, Hải quân trong Rome: Total War có nhiều đất dụng võ hơn.
 
Đồ họa và giao điện game trong Total War: Rome II có sự thay đổi rõ rệt. Hình ảnh trông thật và thực tế hơn rất nhiều so với phiên bản trước, dễ nhận nhất là trong các trận chiến với các yếu tố như mô hình binh lính di chuyển rất nhịp nhàng lúc tiến về phía quân địch hoặc di chuyển nhanh khi xung trận. Động tác khi chiến đấu cũng được thể hiện một cách chi tiết, và nếu zoom lại gần sẽ có cảm giác như đang xem một bộ phim lấy đề tài chiến tranh cổ đại. 
 
Thêm vào đó, giao diện Total War: Rome II  được Creative Assembly thiết kế lại hoàn toàn và tập trung sao cho giống với phong cách hội họa thời kì cổ đại mà cụ thể là nên văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại. Bạn có thể thấy ở các biểu tượng đơn vị quân đội rất giống với hình chiến binh trong các bình gốm được làm thời kì này. Ngoài ra, còn các icon kiến trúc để xây dựng, hay hình ảnh những người phụ nữ để ban thưởng cho các vị tướng của bạn cũng vậy... Đội ngũ phát triển có vẻ muốn tạo cho người chơi có cảm giác giống như là mình đang được sống trong đúng thời kì này.
 
Total War Rome II: Thỏa lòng mong đợi 2
Giao diện của Rome: Total War II được chịu ảnh hưởng nghệ thuật văn hóa Hi Lạp-La Mã cổ đại.
 
Chiến trận trong Total War: Rome II cũng có nhiều yếu tố mới, đầu tiên là việc game cung cấp cho bạn gần 700 chủng loại quân khác nhau. Từ voi chiến, kị binh cưỡi lạc đà, đội quân lê dương La Mã, giáo binh xứ Macedonia và nhiều binh chủng nổi tiếng khác, mỗi đơn vị đều có thế mạnh và yếu riêng và ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ như sử dụng những vị kị binh cơ động có thể là nỗi ác mộng với các đơn vị cung thủ, nhưng nếu gặp quân đoàn voi hoặc lính giáo dài Macedonia thì chỉ có nước chạy... mất dép.
 
Điều đặc biệt nữa ở phiên bản này là thủy quân có đất dụng võ nhiều hơn trước. Nếu như ở Rome: Total War và các phiên bản Totall War khác, người chơi không thể tham gia thể hiện tài cầm quân của mình trong các cuộc giao chiến chiến trên biển mà phải để AI tự đánh và chỉ được thông báo kết quả thì trong Rome: Total War II, bạn có thể trực tiếp điều khiển đội tàu chiến của mình tham gia các trận hải chiến. Thêm vào đó, bạn còn có thể sử dụng thủy quân chở bộ binh để cùng tham gia tấn công và đổ bộ vào thành phố của địch ngay trong lúc giao tranh, hoặc sử dụng các đơn vị hải quân như một đơn vị hỗ trợ bộ binh trên đất liền... Rất đa dạng và hữu ích.
 
Total War Rome II: Thỏa lòng mong đợi 3
Đồ họa trong game đã có sự nâng cấp rõ rệt so với phiên bản trước đó.
 
Ngoài ra, nhằm giúp người chơi có thể dễ dàng điều khiển quân đội hơn, game còn cho phép bạn ra lệnh cho AI đảm nhiệm một số đơn vị của mình. Bạn cũng có thể tạo một nhóm quân bao gồm nhiều đơn vị lại với nhau nhằm dễ bề thao tác trên chiến trường. Thêm vào đó, Total War: Rome II còn có thêm khả năng chuyển sang chế độ Tactical Mode, cho phép người chơi chuyển địa 3D thành bản đồ 2D nhìn từ trên xuống để dễ chỉ huy và tác chiến trên chiến trường. 
 
Kinh tế trong game được thể hiện tốt hơn phiên bản trước, vì người chơi sẽ cần phải chú tâm theo dõi sát sao hơn. Ngoài tiền và trình độ văn hóa là 2 yếu tố đã có mặt trước đó thì Total War: Rome II còn có thêm 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia bạn, đó là lương thược và dân số.
 
Lương thực được sử dụng để nuôi quân đội cũng như người dân. Dân số là yếu tố quyết định đến việc phát triển thành phố, xây dựng các công trình cấp cao. Ngoài ra, các thành bang cần phải có dân số đông thì bạn mới có thể mở rộng chúng. Các yếu tố này tuy có vẻ rời rạc nhưng lại có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một yếu trong 4 yếu tố giảm mạnh sẽ tạo ra hiệu ứng domilo làm sụp đổ nền kinh tế của bạn. Vì thế bạn sẽ cần phải chú ý nhiều hơn.
 
Total War Rome II: Thỏa lòng mong đợi 4
Một nhược điểm là game có thời gian nạp màn khá lâu.
 
Ngoài nhiều ưu điểm kể trên, ở Total War: Rome II vẫn tồn tại một số lỗi không đáng có như việc bổ sung thêm nhiều phe phái và quốc gia mới đã khiến cho quá trình chờ chuyển lượt hoặc nạp màn khi chuyển sang chiến trường rất lâu bất kể thiết lập cấu hình ra sao. Ngoài ra, chế độ AI hỗ trợ người chơi trong giao tranh vẫn còn một số lỗi nghiêm trọng như trong khi giao chiến.
 
Bản thân người viết đã gặp phải trường hợp sau khi thiết lập cho AI điều khiển một đơn vị quân kị binh sau khi tiêu diệt quân địch xong lại "ngồi chơi xơi nước" thay vì tiếp tục chiến đấu, trong khi đó các nhóm quân khác trực tiếp điều khiển lại đang bị quân địch đánh cho tơi bời. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những bản cập nhật khắc phục những hạn chế này.
 
Đúng như những gì mà các trang tin tức và các diễn đàn dự đoán, Creative Assembly đã mang lại cho các fan dòng game chiến thuật một sản phẩm game chiến thuật có chất lượng cao với những yếu tố mới trong gameplay. Bỏ qua những hạn chế không đáng có thì Total War: Rome II rất có thể sẽ trở thành một trong những tựa game đạt giải thưởng lớn trong năm nay. Chúng ta hãy cùng chờ xem.