Top tựa game “đẫm máu” nhất làng game (Phần cuối)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 18/10/2012 0:00 AM

Manhunt và Mortal Kombat sẽ là những cái tên dẫn đầu bảng danh sách tiếp theo này.

Mortal Kombat
 
Mortal Kombat về cơ bản là dòng sản phẩm game được công nhận và nổi tiếng đầu tiên lấy tính bạo lực làm tiền đề. Mặc dù những pha đấm đá thuần túy của Mortal Kombat vốn đã nổi bật hơn nhiều các sản phẩm khác về độ dã man nhưng chính những chiêu Fatality mới là thứ đánh dấu sự đặc biệt và đem chất bạo lực của series lên tới đỉnh cao. 
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Một trong những người có công tạo ra Mortal Kombat là Ed Boon đã nói về ý tưởng khai sinh cho Fatality: “Ý tưởng đầu tiên của chúng tôi là sử dụng chúng dưới dạng chiêu kết thúc cho trùm cuối Shang Tsung khi nhân vật này rút kiếm và lấy thủ cấp của đối phương. Nhưng rồi chúng tôi nghĩ rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi để người chơi có khả năng làm được điều này với chính đối thủ của mình. Và khi được chứng kiến sự phản ứng từ phía người chơi với Fatality, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là mang tới họ nhiều hơn nữa.”
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Game thủ gắn bó với dòng game Mortal Kombat chắc không thể quên được hình ảnh Sub Zero “nhổ” đầu đối thủ đi cùng cả đoạn xương cột sống nhưng thay vào đó cũng là cảm giác bực mình khi không đủ nhanh nhẹn để xử đẹp bại binh khi màn hình hét vang tiếng: “FINISH HIM!”. Từ treo đối thủ lên bàn chông với một cú đấm móc tới “nướng” kẻ địch thành tro, Mortal Kombat đã thay đổi thế giới game với những chiêu thức kết liễu đối thủ của mình cũng như góp phần đưa bản thân nó vào danh sách đen của một số quốc gia.
 
Thrill Kill
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Danh sách này chứng kiến rất nhiều cái tên thành công trên thị trường game thế giới nhưng Thill Kill ở đây thậm chí còn chưa chính thức tới tay game thủ. Thrill Kill thời điểm dự kiến phát hành vào 98 đã được kỳ vọng là truyền nhân xứng đáng của Mortal Kombat khi mang tới vô số cảnh bạo lực giữa 4 chiến binh trong một đấu trường, cùng với đó là những yếu tố trưởng thành cực kỳ táo bạo.
 
Nhưng đó cũng lại là những điều gây rất nhiều tranh cãi ngay từ thời điểm game đang phát triển mà sau này dẫn tới hãng phát hành là Electronic Arts hủy bỏ dự án với lý do không muốn làm mất hình ảnh công ty với một sản phẩm “bạo lực vô nghĩa”. Nhưng cuối cùng thì sản phẩm đã hoàn thiện này vẫn tới tới được tay game thủ qua một nhân viên tham gia vào dự án phát triển game. Cộng đồng thế giới sau đó cũng đã sớm thấy được tại sao EA lại hủy bỏ sản phẩm này ngay cả khi dự án chỉ còn chờ ngày cập bến.
 
Gears of War Series
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Gears of War và các hậu bản sau này được coi là những người tiên phong thành công và mở rộng trào lưu “bắn nấp” trong làng game thế giới. Cốt truyện kịch tính, hào hùng của một cuộc chiến chống ngoại lai kết hợp với lối chơi có chiều sâu, căng thẳng đã mang tới một Gears of War huyền thoại. Nhưng để đạt được những thành công đó còn phải kể tới phong cách đồ họa gây dựng bởi Unreal Engine 3 - yếu tố đã mang tới vô số cảnh bạo lực cho cộng đồng game thủ. Những trường đoạn đẫm máu trong game đóng vai trò rất quan trong trọng việc thể hiện tính khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh, cũng như mang yếu tố hành động lên một tầm mới.
 
Bất cứ ai ai thần tượng Marcus Fenix cũng không thể quên trường đoạn lưỡi cưa máy từ khẩu Lancer vốn đã rất nổi tiếng trong kho tàng vũ khí của làng game "bổ đôi" một tên Locust. Hoặc chưa thỏa mãn với một màn hình đẫm máu, người chơi vẫn có thể chiêm ngưỡng vô số mảnh vụn bay tứ tung của kẻ địch khi dính lựu đạn, hứng cả một loạt Shotgun tầm gần hay đầu bay chục mảnh khi nhận một viên kẹo đồng qua tâm não.
 
Postal Series
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Nhà phát triển “Running with Scissors” mang tựa game gốc Postal cập bến PC vào cuối những năm 90 và chịu trách nhiệm sản xuất hậu bối đi theo phong cách FPS của nó vào năm 2003. Tựa game lấy phong cách “lố bịch” và bạo lực này là một sản phẩm được đánh giá thấp và nhận được vô số lời phê bình trên toàn thế giới. Chủ yếu đều nói tới tính bạo lực không chủ đích và vô hồn của game bất chấp nỗ lực từ nhà sản xuất khi lồng tuyến cốt truyện không có chiều sâu vào gameplay của Postal.
 
Người chơi sẽ vào vai môt nhân vật mang tên “Postal Dude” thực hiện một loạt những nhiệm vụ với mác công việc hàng ngày như mua sữa, đi nhà thờ...nhưng thực tế là cái vỏ bọc cho vô số tình tiết vô nghĩa không có liên kết và sử dụng tính bạo lực như là một thú vui thỏa mãn. Một số nhà chuyên môn đem Postal ra so sánh với dòng Grand Theft Auto vì cả hai cùng sở hữu yếu tố bạo lực và trưởng thành, nhưng ở dòng GTA những đặc điểm này đều mang một ý nghĩa nhất định và được kiềm chế một phần nào đó, trong khi Postal mang tới chất bạo lực được cho là quá mức, vô hồn và không có ý nghĩa. New Zealand là quốc gia cấm phát hành Postal đầu tiên trên thế giới với mức tội cho những ai sở hữu tựa game này lên tới 10 năm tù giam và phạt tiền $250.000.
 
God of War Series
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Dòng game độc quyền cho các hệ máy của Sony này là sản phẩm đã quá nổi tiếng về mức độ cuồng loạn và bạo lực trong lối chơi kể từ phiên bản đầu tiên phát hành năm 2005. Trải qua 6 phiên bản chính và phụ, dòng sản phẩm này vẫn không hề làm mất đi những trường đoạn đẫm máu mà thậm chí còn có đôi phần phát triển hơn về sau. Cũng như Mortal Kombat, các sản phẩm God of War mang tới cho người chơi những chiêu thức kết liễu vô cùng tàn bạo qua các Quick Time Event khác nhau.
 
Mặc dù vào những ngày đầu tiên của hệ máy PS2 khi công nghệ đồ họa bấy giờ còn chưa thể hiện được hết cái tính chân thực của các pha bạo lực, nhưng God of War vẫn bất chấp những mặt yếu đó mà mang tới những pha chiến đấu "ép phê" nhất. Từ cắm đầu thủy quái Hydra qua cọc, móc mắt Cyclop tới những trò tra tấn thần linh, tất cả để lại những ấn tượng khó quên cho những ai trót dõi theo bước chân diệt thần của Kratos.
 
Manhunt Series
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Manhunt - tựa game gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử được phát triển bởi Rockstar – hãng game đã quá nổi tiếng khi nắm giữ rất nhiều cái tên mang chất bạo lực nhất thì thế giới giải trí tương tác. Không như các sản phẩm đi theo lối hành động thuần túy ở trên, Manhunt là dòng game lấy phong cách “hành động lén lút kết hợp kinh dị tâm lý”. Manhunt mang người chơi tới một môi trường đen tối và ám ảnh, nơi nhân vật điều khiển dùng mọi cách, mọi thứ để có thể hành hình kẻ địch trong game theo những lối tàn ác và bạo lực nhất có thể. Phần thưởng cho game thủ là mức thang đánh giá từ 1 tới 5 sao dựa trên cách thức thực hiện và tốc độ hoàn thành của người chơi.
 
Manhunt không đơn giản chỉ là một tựa game bạo lực đơn thuần với game thủ mà nó còn là một sự ám ảnh hơn ngay cả với những người đã tạo ra nó. Jeff Williams, người đứng trong đội ngũ sản xuất game đã viết trên Blog cá nhân của mình rằng: “Trong công ty thậm chí còn suýt xảy ra một cuộc nổi loạn. Nó làm tất cả chúng tôi cảm thấy ghê tởm, khó chịu. Tất cả chỉ là bạo lực và bạo lực một cách quá chân thật. Chúng tôi biết rằng chúng tôi không có lý gì để biện cớ, không có lý gì để giải thích. Chúng tôi chỉ biết chúng tôi đã vượt quá giới hạn.”
 
top-tua-game-dam-mau-nhat-lang-game-phan-cuoi
 
Cái tên Manhunt sau ngày phát hành còn được nhắc tới trong vụ án mạng của cậu bé Stefan Pakeerah, 14 tuổi, tại Anh Quốc, bị giết hại bởi người bạn Warren Leblanc vào ngày 28 tháng 6 năm 2004. Mẹ của nạn nhân đã cáo buộc rằng chính Warren Leblanc đã bị “ám ảnh” với tựa game và cũng chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết của Stefan Pakeerah. Ngay sau đó Manhunt nhận được vô số phản ứng từ giới truyền thông và một số nhà bán lẻ game trên thế giới đã lập tức loại Manhunt ra khỏi danh sách cung cấp sản phẩm.
 
Mặc dù mọi người đều tin Manhunt đóng vai trò nào đó trong việc này nhưng cảnh sát vẫn bác bỏ mọi sự liên kiết từ vụ án mạng tới tựa game và thông báo rằng đây chỉ là một tội ác với mục đích là cướp của và ma túy. Manhunt 2 sau này khi ra mắt trên Wii cũng bị phản đối rất mãnh liệt khi khuyến khích việc giết người với những hành động thật hơn qua việc mô phỏng chuyển động. Mọi thứ vẫn chưa có câu trả lời cho tới nay nhưng nó cũng đã đem lại rất nhiều tai tiếng cho dòng game trên toàn thế giới và chứng minh chất bạo lực trong Series Manhunt đã đạt tới cái tầm mà không một sản phẩm nào trong thế giới game có thể hay muốn đạt được.
Xem thêm:

top list