- Theo Trí Thức Trẻ | 07/03/2016 05:41 PM
Mấy ngày vừa rồi, ở công ty của tôi anh em nào cũng kêu ca phàn nàn, hoặc đôi khi thậm chí còn nóng nảy đến mức cáu bẳn. Lý do lại chẳng phải những thay đổi của thời tiết, khi những cơn mưa phùn đầu xuân bất chợt ập đến, xua tan những ngày nóng nực như mùa hè. Thay vào đó, chính việc cáp quang được bảo trì, sửa chữa đã tạo ra một trải nghiệm internet đáng sợ, đúng như những lần trước khi AAG gặp sự cố.
YouTube thì chậm, mail thậm chí còn chẳng thèm load, chúng tôi làm việc trong mệt mỏi và bực bội khi những dịch vụ tải với tốc độ chú rùa đáng yêu trong cuộc chạy đua với thỏ ở câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng xưa kia. Thà rằng, mạng internet mấy ngày vừa qua giống như chú thỏ, chạy nhanh 1 chút rồi lại nghỉ giải lao, thì chúng tôi còn có thể "ướm" theo để hoàn thành công việc, đằng này nó lại chậm rãi một cách rất đều đặn, giống như cái kim đồng hồ nhích từng tý, từng tý một.
Tương tự như vậy, đi làm đã khổ, tối về nhà chơi DOTA 2 còn khổ sở hơn. Ping không cao, nhưng loss và choke xảy ra liên tục, đặc biệt là khi vào combat. Tôi hỏi thử các bạn, một trận DOTA 2 khi bạn cầm hero có skill AoE, muốn vào mở combat mà đối phương cứ 2 giây lại teleport 1 lần, di chuyển thì lại có đà thì làm sao mà chơi game được? Vậy là trong vài ngày, tôi phải ngậm ngùi tắt game, nghỉ chơi 1 thời gian, bật Twitch lên xem giải đấu, mà dĩ nhiên server nước ngoài thì không xem được source, cứ được 5 phút là lại load vì băng thông không kịp tải.
Chán nản, tôi bèn dẹp hết game gủng trên máy tính, mà buồn thay, hầu hết toàn là game online phải có internet mới chơi nổi. Tôi mới nhớ lại quá khứ, những ngày chẳng cần có internet mà vẫn được chơi game cùng bạn bè ngoài quán, với những trận CS 1.1 vui long trời lở đất. Thế nhưng đối với những game thủ thông thường, để chơi game on LAN đúng nghĩa với những tựa game hiện nay, họ buộc phải làm rất nhiều thứ, trong đó có cả những đoạn code console phức tạp chỉ để chơi game cùng nhau.
Rốt cuộc, giờ đây để thưởng thức những tựa game với mạng LAN theo đúng nghĩa, game thủ buộc phải chịu cảnh... đứt mạng. Khi đó game online không vào được, người chơi game sẽ buộc phải quay trở về với "mái nhà xưa", với những trận đấu game tuy khó lòng so bì được với những game đình đám gần đây, nhưng lại rất vui nhộn vì những người bạn có thể thưởng thức game một cách trực tiếp với nhau.
Rồi chợt nhớ ra, tôi bèn chạy lên kho, cái tầng thượng ẩm thấp đầy đồ cũ và lôi từ trong đó ra cỗ máy PS2 đã từng gắn liền với nhiều năm liền ngồi trên ghế nhà trường. Một chiếc đĩa đầy bụi rơi từ trong túi ra, với dòng chữ nguệch ngoạc "Shadow of the Colossus", mua ngoài tiệm đĩa ở Bách Khoa rất nhiều năm về trước. Tôi nhanh chóng bê cả bộ xuống lúi húi cắm vào cái TV ở phòng ngủ và bật lên chơi.
Cảm giác vẫn như thuở xưa. Khung cảnh mà game do người Nhật làm quả có sự quyến rũ khó lòng dứt ra nổi. Phải công nhận một điều, từ khi đi làm, về nhà chỉ có chơi game mobile với đánh DOTA, tôi đã gần như quên bẵng đi nét đẹp đầy tính nghệ thuật của những tựa game offline đẹp lung linh huyền ảo.
Có những đêm cày cả đêm chỉ để hoàn thành vài nhiệm vụ lấy đồ xịn, hay những ngày không phải đi học, đi làm, được ngồi chơi game cả ngày đến mức mắt mờ chân tay run rẩy nhưng vẫn muốn chơi tiếp, hại sức khỏe kinh khủng. Rồi những ngày phát điên lên đúng nghĩa đen khi gặp hack cheat trong game. Ai cũng cáu, cũng dành những lời lẽ thô tục nhất dành cho kẻ xấu tính muốn chiến thắng trong game bằng mọi giá. Tâm lý thoải mái khi chơi game để giải trí cũng mất đi là vì thế.
Sau nhiều năm sống cùng game online, có lẽ đã đến lúc ngừng lại, sống chậm lại một chút thay vì ngày ngày đua top và cày cuốc đến mệt nhoài. Trở về với game offline, tôi mới nhớ lại lý do những ngày đầu tiên vì sao tôi đến với game: Những giây phút thư giãn đúng nghĩa đen, khi bạn có thể làm mọi điều mình thích mà không bị bất kỳ ai ngăn trở trong thế giới ảo.