Vào cuối tháng 02 vừa qua, GameK đã gửi tới các bạn độc giả bài
đánh giá sơ bộ phiên bản beta của
Titanfall, tựa game bắn súng được nhào nặn từ bàn tay của cha đẻ series
Modern Warfare thuộc dòng game bắn súng đình đám
Call of Duty. Còn ở thời điểm hiện tại,
Titanfall đã chính thức ra mắt trên hai nền tảng PC, Xbox One và nói không ngoa, sản phẩm đầu tay của Respawn Entertainment là một bom tấn đúng nghĩa của tháng 03. Thậm chí, với những gì đã làm được,
Titanfall hoàn toàn có cơ hội trở thành tựa game bắn súng hay nhất năm 2014.
Vẫn là chiến tranh vì dầu
Nếu như trong phiên bản beta, cốt truyện của game không được mô tả một cách cụ thể, thì ở phiên bản chính thức, chính những trận đấu ở phần Campaign cũng như đoạn phim Intro sẽ lần lượt đưa game thủ trải qua những sự kiện mấu chốt đáng chú ý trong cuộc chiến tranh giành dầu mỏ giữa một bên là IMC, tập đoàn nắm giữ quyền lực quân đội trên trái đất, và Militia, những kẻ nổi loạn, trước sự khai thác đến cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá kể trên.
Xét riêng đoạn phim intro khá dài của Titanfall, người chơi sẽ nắm được phần nào những thứ dẫn tới cuộc chiến của hai phe đối nghịch trên. Có một chi tiết khá hài hước và thú vị đó là, ở những giây đầu tiên của đoạn phim mà rất có thể bạn sẽ bỏ qua này, hình ảnh con phố… Chả Cá tại Hà Nội với dòng xe cộ đông đúc qua lại cũng góp mặt như một ví dụ về sự cần thiết của dầu mỏ đối với đời sống con người hiện nay.
Quay trở lại với tựa game, Titanfall là một tựa game thuần online, nghĩa là để thưởng thức game thủ buộc phải có kết nối internet để trải nghiệm những trận đấu. Chính vì vậy, tuy mang danh Campaign, nhưng những trận đấu trong phần chiến dịch này cũng là những màn chơi online với 12 game thủ tham gia trên những bản đồ đã có sẵn.
Tuy nhiên chính vì việc campaign chính là một mục chơi mạng riêng nên những trận đấu cũng diễn ra vô cùng đa dạng, khi phần thắng có thể thuộc về bất kỳ phe nào.
Tự do trong di chuyển
Gần như không có bất kỳ thay đổi quá lớn nào trong lối chơi của Titanfall từ phiên bản beta đến khi được ra mắt chính thức. Người chơi sẽ vào vai những “phi công” tham gia vào cuộc chiến. Ban đầu, những món vũ khí, kỹ năng chiến đấu cùng với khả năng di chuyển của game thủ sẽ góp phần quyết định điểm số của họ cao hay thấp. Sở dĩ cần phải nhắc tới khả năng di chuyển của game thủ là do Titanfall không hề bắt người chơi phải chạy bộ cả trận đấu như những tựa FPS thông thường.
Với bộ phản lực hỗ trợ, người chơi có thể trở thành những siêu nhân parkour theo đúng nghĩa đen, khi chỉ cần nhảy hai lần để có thể leo lên nóc một tòa nhà nhằm mục đích chiếm lấy ưu thế trong trận đấu. Hoặc thậm chí, để có thể trốn thoát một đợt tấn công mạnh của đối phương, người chơi hoàn toàn có thể tận dụng kĩ năng chạy bộ trên tường có phần còn ghê gớm hơn chàng hoàng tử Ba Tư ngày nào.
Điều này có nghĩa là, nếu bạn có thể lợi dụng địa hình để giành lấy lợi thế trong những cuộc đấu súng, thì những game thủ khác hoàn toàn có thể làm được điều tương tự. Thậm chí, với hệ thống vũ khí từ tầm gần cho tới tầm xa, từ shotgun, khẩu súng lục “aimbot” bá đạo đến cây sniper rifle hạng nặng, kết hợp với kỹ năng di chuyển, những “pilot” trong game có rất nhiều lựa chọn để tham gia cuộc chiến.
Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, Titanfall sẽ chỉ là một đứa con lai có phần méo mó giữa Call of Duty và Mirror’s Edge. Chính vì vậy, cái “chất” của Titanfall cũng được thể hiện ở một khía cạnh khác.
Titan – Gia vị của mỗi trận đấu
Mỗi game thủ sẽ được sở hữu một cỗ máy khổng lồ được gọi là Titan. Cái tên của tựa game cũng bắt nguồn từ chính thứ tạo nên chiều sâu gameplay. Khi gọi Titan, trong vòng 5 giây một trong ba mẫu Titan được lựa chọn trước sẽ được thả vào đúng vị trí đã định. Quá trình này gọi là Titanfall. Nếu không điều khiển mech, nó sẽ được AI tự điều khiển để tấn công hoặc phòng thủ phụ thuộc vào khả năng chính của cỗ máy.
Hoặc người chơi có thể và gần như trong đa số trường hợp lựa chọn "làm trùm' khi bước vào Titan với những món vũ khí khổng lồ đầy uy lực. Ba loại Titan được chia thành Atlas, cân bằng giữa sức mạnh và giáp, Orge, tanker đúng nghĩa và Stryder, những sát thủ trên chiến trường.
Nhờ vào khả năng của Titan, người chơi có thể dễ dàng hạ gục những kẻ địch là người (pilot) hoặc AI điều khiển như Spectre hay Grunt. Tuy nhiên sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác khi hai Titan đối đầu với nhau. Với giáp khủng, máu dày, chưa kể những kỹ năng unlock sau khi lên level Titan khó lòng có thể bị hạ gục bởi những trận chiến giáp lá cà. Khi đó, người chơi buộc phải sử dụng những chiến thuật riêng để hạ gục Titan đối phương.
Những chiến thuật này cũng biến đổi một cách vô cùng đa dạng phụ thuộc vào kỹ năng và địa hình màn chơi. Một hoặc nhiều Titan có thể dụ những Titan đối phương để những pilot dưới mặt đất tiếp cận lõi lò phản ứng của Titan thông qua khả năng tàng hình. Một khi đã bám được lên Titan ở sau lưng, chú robot khổng lồ sẽ trở nên vô hại và để cho bạn mặc sức nã đạn vào chừng nào đối phương chưa quyết định nhảy ra ngoài và tự tay triệt hạ gã "kí sinh" đáng ghét.
Thêm vào đó những người chơi khác hoàn toàn có thể cứu đồng đội bằng cách tiêu diệt người chơi đeo bám ở sau lưng Titan. Điều này khiến cho game dễ tiếp cận nhưng để có thể "bá đạo" thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Gameplay cũng lắm chiêu trò
Dĩ nhiên, ngay cả khi Titan có trở thành một trong hai điểm nhấn của cơ chế gameplay Titanfall, thì sự thiếu hụt những món vũ khí cũng như những yếu tố mới lạ dành riêng cho người chơi vẫn sẽ biến Titanfall trở thành một sản phẩm thường thường bậc trung. Chính vì thế, xuyên suốt quá trình chơi game, người chơi sẽ dần dần góp nhặt điểm kinh nghiệm và lên level, từ đó cho phép mở khóa những món vũ khí, lựu đạn, Kit và Abilities mới để tạo sự đa dạng trong mỗi nhân vật.
Có khoảng hơn 20 món vũ khí cho các pilot, trong khi đó những Titan cũng sở hữu 10 món vũ khí hạng nặng với sức mạnh và tầm tấn công khác nhau.
Những Kit hay Ability này có thể giúp game thủ có lợi thế rõ rệt trong những màn chơi, ví dụ như khả năng tàng hình, di chuyển nhanh nhẹn hơn hay thậm chí là tăng tốc độ... hack, giúp những trụ tên lửa hay những tên robot Spectre nguy hiểm trở thành đồng minh của người chơi.
Chưa dừng lại ở đó, Burn Cards cũng là một trong những yếu tố thú vị của Titanfall. Mở khóa lần lượt ở level 7, 9 và 11, người chơi sẽ lần lượt được trang bị 3 trong số hơn 50 loại burn cards khác nhau với những chức năng thú vị như giảm thời gian chờ đợi trước khi có Titan, những mẫu vũ khí mạnh hơn hoặc những khả năng bá đạo mà chỉ họ sở hữu...
Bom tấn đã bùng nổ
Có thể nói, hai khuyết điểm đáng chú ý duy nhất của Titanfall chính là dung lượng lên tới 50 GB và đồ họa ở ngoài trời chưa thực sự mãn nhãn trong những trận đấu. Được dựng trên nền Source Engine, Titanfall yêu cầu cấu hình tương đối nhẹ nhàng, đổi lại texture của vật thể khá sơ sài đến mức độ đập ngay vào mắt chứ chẳng cần tới con mắt săm soi của những gamer khó tính. Khuyết điểm này đặc biệt rõ ràng khi bạn đang ở bên trong buồng lái Titan.
Bỏ qua hai vấn đề như vậy, Titanfall có khởi đầu tương đối thành công khi một tựa game thuần online lại không khiến game thủ phải chịu đựng nhiều lỗi đứt kết nối từ server (kể từ sau bản patch đầu tiên), khác hẳn so với tình trạng của Battlefield 4 ra mắt hồi cuối năm ngoái. Đây cũng là một nỗ lực xứng đáng khen ngợi cho Respawn Entertainment và EA.
Trải qua 15 màn chơi với đủ khung cảnh, cùng 5 chế độ chơi khác biệt, từ Attrition (Team DeathMatch), Last Titan Standing hay Hardpoint Domination, kết hợp với lối chơi đa dạng như được mô tả ở trên, Titanfall xứng đáng là sản phẩm có trong bộ sưu tập của những game thủ đam mê game bắn súng trong năm 2014.