Nếu là một fan cuồng của CS:GO, chắc chắn bạn sẽ biết một trong số những mẫu skin có giá trị cao nhất trong game chính là những mẫu Karambit cong nhưng lại có nét đẹp khó lòng cưỡng lại nổi. Trong khi đó, cách đây ít năm, cũng có một tựa game xuất hiện Karambit, đó là Splinter Cell: Blacklist. Chiếc Karambit nhìn chẳng khác gì... transformer của siêu điệp viên Sam Fisher này là món quà của người đồng đội vào sinh ra tử với anh tặng cho, và nó cũng đi cùng anh gần hết cả tựa game.
Từng xuất hiện nhiều trong điện ảnh, game hiện đại… nhưng sự thật con dao huyền thoại này là một vũ khí cổ điển của người Đông Nam Á, được tìm thấy trong nhiều tài liệu văn hóa – lịch sử của Indonesia, Malaysia và Philippines.
Tuy đôi khi được gọi là dao “móng hổ”, “cựa gà” trong tiếng Anh hay tiếng Việt, nhưng giả thiết được ủng hộ nhiều nhất, đó là con dao này được thiết kế dựa trên hình ảnh móng vuốt của những con mèo lớn.
Hầu hết các tài liệu đều công nhận Karambit vốn là một nông cụ có cách thức hoạt động như một chiếc liềm nhỏ, thế nhưng khi được luyện tập như một vũ khí chiến đấu, sức mạnh tiềm ẩn của dao Karambit chính “bùng nổ” và trở thành một trong những biểu tượng của lối đánh cận chiến đầy hiểm hóc.
Được luyện tập trong các môn võ thuật Philippines như Silat, Kali… Karambit nhanh chóng có cơ hội chứng tỏ được sự đáng sợ của mình, được lan truyền và cải tiến tại phương Tây và có được hình dáng như ngày hôm nay.
Với khả năng tạo được những vết thương “lai” giữa đòn đâm và cắt, khả năng sát thương của Karambit là không thể bàn cãi – và sự thực rằng con dao này bị cấm ở rất nhiều nước.. Thế nhưng, vì lối chơi cận chiến lắt léo và khó lường, người sử dụng dao Karambit cũng cần rất nhiều thời gian luyện tập để có thể sử dụng một cách thành thục, chính xác, chứ không chỉ đơn thuần... "múa múa" như trong CS:GO.