Tìm hiểu sự kì công trong khâu thiết kế nhân vật game

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2015 03:00 AM

Để có được mô hình nhân vật chân thực nhất trong Hellblade, hãng game Ninja Theory đã phải lặn lội tới Serbia để tận dụng công nghệ quét 3D hiện đại.

Công nghệ đồ họa ngày càng phát triển, game thủ ngày càng khó tính đòi hỏi các hãng phát triển game luôn phải đau đầu về việc làm sao để tạo nên một thế giới cùng những nhân vật chân thực nhất có thể. Yếu tố khó khăn nhất để truyền tải được đến khán giả một cách thật thuyết phục có lẽ là vấn đề biểu cảm gương mặt trên mô hình nhân vật.

Trong khi con người chúng ta sở hữu hàng trăm bó cơ lớn nhỏ khác nhau mới biểu lộ được cảm xúc một cách sống động như vậy, các nhà làm game lại bị bó hẹp bởi sự giới hạn về mặt công nghệ. Giải pháp phổ biến nhất hiện nay trong việc thể hiện khuôn mặt nhân vật game đó là "Motion Capture", kĩ thuật sử dụng diễn viên thật để diễn các cảnh cần thiết trong khi đội ngũ kĩ thuật thu lại một hình chiếu 3D của họ bằng nhiều công nghệ quét hiện đại sau đó áp bộ khung này cho nhân vật ảo.

Kinh phí phát triển những tựa game bom tấn thường lên tới cả chục triệu USD và lý do chủ yếu nằm ở các công đoạn được đầu tư kì công như Motion Capture. Mới đây trong series video xoay quanh việc phát triển tựa game Hellblade của mình, studio Ninja Theory đã chia sẻ một cái nhìn rất thú vị về quy trình họ đã truyền tải những biểu cảm nhân vật của người thật sang cho nhân vật game như thế nào. Mời các bạn cùng theo dõi phía trên đầu bài viết.

Nhắc lại một chút về Hellblade, đây là tựa game được Ninja Theory giới thiệu lần đầu tiên tại hội chợ Gamescom 2014. Hellblade đưa người chơi theo chân Senua - nữ nhân vật được mô tả là một chiến binh Celtic gặp phải chấn thương tâm lý sau khi trải qua cuộc xâm lược của người Viking. Dị tật này khiến Senua rơi vào trạng thái hoang tưởng, thường xuyên hình dung ra đủ thứ kì dị và bắt đầu dấn thân vào cuộc hành trình xuống Địa Ngục trong trí tưởng tượng của mình.

Để phát triển game về đề tài phức tạp như trí óc con người, Ninja Theory cho biết họ đã mời hẳn một tiến sĩ thần kinh học đến từ đại học Cambridge cùng nhiều bệnh nhân từng mắc phải những căn bệnh về tâm thần làm cố vấn nhằm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho người chơi. Studio nổi tiếng qua những tựa game như Heavenly Sword, Enslaved, DmC còn mạnh dạn khẳng định Hellblade là thành quả tích lũy của 14 năm kinh nghiệm thiết kế game hành động của họ.

Ấn tượng đầu tiên của nhiều game thủ khi lần đầu tiên thấy Hellblade lộ diện là một hậu bản không chính thức của Heavenly Sword khi nhân vật chính có diện mạo khá giống với Nariko - "Kratos phiên bản nữ" của Heavenly Sword.

Qua đoạn gameplay ngắn được công bố hồi tháng 8 sau khi sự kiện E3 2015 diễn ra, Hellblade cho thấy cơ chế chiến đấu khá lạ lẫm với góc nhìn ngang vai và người chơi có xu hướng phải né tránh và phản đòn thay vì lao vào chặt chém giống như các tựa game khác của Ninja Theory. Nếu phải so sánh, xem ra Hellblade có phần giống với series game hành động ăn khách Infinity Blade trên di động nhưng nhân vật vẫn được phép di chuyển chứ không chỉ đứng yên một vị trí.

 

Hellblade 6 minutes Gameplay - Eurogamer.

Hellblade dự tính sẽ được phát hành vào năm 2016 trên PS4 và PC.

>> Kì quặc công nghệ giúp nhân vật game... mặc quần