Ngày nay, nhắc đến Capcom là người ta nghĩ ngay đến một trong những ông lớn trong làng giải trí ảo quốc tế. Trưởng thành từ thời kì 2D còn tung hoành trên khắp các hệ máy home console, đến nay, trải qua 3 thập kỉ phát triển cùng những thăng trầm và sóng gió, nhà sản xuất game Nhật Bản này vẫn đứng vững và tiếp tục chinh phục con tim của hàng ngàn game thủ trên thế giới với những sản phẩm mới của họ.
Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại một số cột mốc lịch sử quan trọng của hãng game giàu truyền thống này..
Little League
Tập đoàn I.R.M một tập doàn chuyên kinh doanh phần mềm và vi tính của Nhật Bản thành lập đầu tiên vào năm 1979 tại Matsubara, Osaka. Đầu những năm 80, họ mở một chi nhánh công ty con mang tên CAPCOM – là tên viết tắt của Capsule Computer. Khi mới thành lập, công ty chỉ tập trung vào mảng tiêu thụ phần mềm và sản xuất những game arcade. Sản phẩm đáng nhớ đầu tiên của họ mang tên Little League.
Little League là tựa game mô phỏng bộ môn thể thao bóng chày rất được ưa chuộng tại Nhật. Game thuộc thể loại coin-ops, giống như các máy chơi game Pinball cổ xưa, không thực sự có yếu tố can thiệp của phần mềm hay màn hình đồ họa. Phải đến những năm sau này, chính xác là vào tháng bảy năm 1984, họ mới cho ra đời sản phẩm ảo đầu tiên mang tên Vulgus. Suốt những năm sau đó, Capcom tiếp tục cho ra lò những sản phẩm mới trên nền arcade và hệ máy home console Nintendo Entertainment System.
Mega Man
Trước thời điểm người hung Mega Man chào đời, Capcom vẫn chỉ được biết đến nhiều ở những tựa game “phần cứng” thay vì game “phần mềm”. Những game họ phát hành trên home console hầu hết cũng chỉ là chuyển thể từ những tựa game arcade phát hành trước đó. Nhằm thay đổi chiến lược phát triển, năm 1987 họ cho ra đời tựa game thuần ảo đầu tiên mang tên Mega Man, hay còn được biết đến với cái tên Rock Man ở thị trường Nhật Bản.
Tựa game ra mắt lần đầu tiên trên hệ máy Nintendo Entertainment System cổ điển. Tuy thành công bước đầu không phải là lớn nhưng nó cũng đủ để thôi thúc nhóm làm game cho ra lò sản phẩn thức hai.
Mega Man 2 thành công ngoài sức tưởng tưởng, với doanh thu lớn cộng thêm số lượng người chơi đông đảo, nó trở thành cột mốc đầu tiên đánh dấu Capcom trên bản đồ game thế giới
Bionic Commando
Sau màn ra mắt ấn tượng cùng Mega Man, Capcom tiếp tục phát hành một tựa khác mang tên Bionic Commando trên hệ máy arcade. Đây là tựa game phiêu lưu hành động 2 chiều, và một điều khá bất ngờ tạo nên thành công của nó đó là tựa game thậm chí không hề có nút nhảy, thay vào đó người chơi phải tìm cách di chuyển khôn ngoan nhất và sử dụng khẩu súng trường trong tay để tiêu diệt kẻ thù.
Strider
Bước vào thời kì cuối thập kỉ 80, Capcom đón nhận một luồng gió mới từ giám đốc phát triển Akio Sakai. Ông mang đến cho công ty rất nhiều ý tưởng và góc nhìn mới mẻ.
Một trong những đóng góp đáng nhớ của ông là “đem về" họa sĩ manga tài năng Motomiya Kikaku. Hai người này cộng thêm một họa sĩ khác là Kikaku cùng chụm đầu vào tạo nên một sản phẩm game mới mang hơi hướng ninja Nhật Bản mang tên Strider. Mặc dù nó không phải là một thành công lớn nhưng lại thể hiện khả năng tỏa sáng của những cá nhân xuất sắc, đây là cột mốc quan trọng chuẩn bị cho những bước tiến lớn trong những giai đoạn tiếp sau.
Street Fighter
Một trong những sản phẩm tiếp sau mà tôi muốn đề cập ở trên, một trong số đó chính là Street Fighter. Chỉ với một hình ngang, hai đối thủ ở 2 bên màn hình nhưng game lại có một sức gây nghiện vô cùng lớn. Thậm chí nó còn được coi là người khai sáng cho thể loại game đối kháng, mặc dù trên thực tế cũng không hẳn là như vậy.
Sau đó, phiên bản game tiếp theo Street Fighter II: The World Warrior tiếp tục tạo nên một cú híc lớn. Tựa game thành công đến nỗi thậm chí cho đến ngày hôm nay, mỗi khi nhắc tới Capcom là người ta nghĩ ngay tới thương hiệu Street Fighter huyền thoại.