Như chúng tôi đã từng đưa tin, tựa game sinh tồn 2D cực kỳ ấn tượng lấy bối cảnh cuộc vây ráp thành phố Sarajevo, Liên bang Nam Tư từ năm 1992 đến 1996, This War of Mine đang được nhóm Việt hóa game RomhackingVN tiến hành chuyển ngữ. Tuy nhiên mới đây chính nhóm Việt hóa này đã công bố một tin tức rất đáng mừng trên trang fanpage Facebook của họ:
"Nhóm Romhackingvn biết rằng đây là dự án được rất rất nhiều người mong chờ, và nếu không có biến cố liên quan đến vấn đề bản quyền thì có lẽ giờ này, các bạn đã được thưởng thức bản dịch của nhóm rồi.
Sau sự việc đó, nhóm đã email liên hệ với 11bits studio đề nghị họ cho phép nhóm Việt hóa game này và xuất bản nó một cách chính thức để giải quyết vấn đề bản quyền (...).
Có nghĩa là, 11bits studio đang phát triển một tool để giúp mọi người có thể dịch game của họ ra nhiều thứ tiếng khác nhau, và tool đó sẽ dc xuất bản trong khoảng 1 tháng nữa. Chính vì thế mà việc phát hành patch của nhóm đã bị hoãn lại.
Đây là tín hiệu đáng mừng, ít nhất là với nhóm Việt hóa như Romhackingvn. Nhưng nó lại khiến các bạn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa... Nhóm đang xem xét một số phương án ưu tiên cho các bạn đã donate cho dự án này. Cụ thể sẽ có thông báo trong vài ngày tới nhé."
Điều này có nghĩa, bản thân 11Bit Studio, đơn vị phát triển tựa game indie rất được quan tâm này đang tự mình phát triển công cụ cho phép chính bản thân game thủ chúng ta chuyển ngữ This War of Mine sang những ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của những game thủ đó. Một tin mừng đối với những người đam mê tựa game vô cùng độc đáo này.
Quay trở lại với tựa game, nếu như ban ngày là thời điểm bạn tạo ra những bữa ăn, những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, từ chiếc giường ngủ để nhân vật không bị cảm lạnh giữa mùa đông buốt giá, cho tới những công cụ phục vụ cho việc thu thập đồ đạc trong game như công cụ cậy khóa hay xà beng, thì ban đêm lại là khi This War of Mine trở thành một tựa game survival đúng chất, khi bạn phải cẩn thận trong từng bước chân để vừa sống sót vừa có thể đem những thứ cần thiết về cho “gia đình” của mình.
Mỗi nhân vật trong game đều có những kỹ năng riêng, ví dụ như chạy nhanh, có khả năng nấu ăn hoặc khả năng thu thập nhu yếu phẩm tốt. Công việc của bạn sẽ là tập hợp họ lại và phân chia công việc một cách hợp lý để không có chuyện người thì kiệt sức vì làm mọi việc, người thì nhởn nhơ “há miệng chờ sung”.
Gần như không có khái niệm “dư dả” trong This War of Mine. Không giống như Don’t Starve, một tựa game lấy phong cách survival điển hình. Bạn sẽ phải dùng những công cụ thiết yếu trong game để tạo ra những đồ đạc cần thiết. Tương tự như vậy, khả năng “vác đồ” của các nhân vật trong game cũng không hề cao. Họ không thể mang cả một cái rương đi thu thập nhu yếu phẩm được. Chính vì thế từ nguồn nguyên liệu, thực phẩm, thuốc men, nước uống, tất cả đều cần sự phân bổ hợp lý nếu người chơi không muốn kết thúc game quá sớm.
Ấy là chưa kể, bạn không hề đơn độc trong game. Những gã hàng xóm đôi khi có thể rất “ngoan”, đem đồ của họ để đổi lấy những thứ họ cần. Thế nhưng đôi khi, họ có thể trở thành những gã máu lạnh, ngang nhiên cướp nhà của bạn, làm hại những người canh gác ở nhà trong khi bạn còn đang bận đi tìm kiếm những món đồ cần thiết.
Dĩ nhiên, nhân vật máy làm được gì, bạn cũng có thể làm y hệt, hoặc thậm chí là tàn bạo hơn, ví như hạ gục hai vợ chồng già đang trú ẩn trong căn nhà nhiều tài nguyên để chiếm đoạt tài sản của họ. Đó là khi game bắt người chơi phải lựa chọn giữa phần "con" và phần "người", giữa khát vọng sinh tồn và lương tâm của một cá nhân.
Đồ họa của This War of Mine không có gì nổi bật nếu xét tới tổng quan đồ họa trong game nói chung. Tuy nhiên những nét vẽ, những hình thù người rệu rã, mệt mỏi sau một ngày canh gác mà không được ngủ, những cột khói ở nền màn hình, hay những nét vẽ chì nguệch ngoạc lại tạo ra một bầu không khí cực kỳ u ám trong game.