5 năm sau khi ra mắt trên PS3, God of War 3 một lần nữa xuất hiện với phiên bản remastered trên PS4. Ngoài một vài cải tiến nhỏ về đồ họa, God of War 3 Remastered giống hệt phiên bản gốc. Không có chế độ chơi hay tính năng nào mới ngoài độ phân giải cao hơn và tốc độ khung hình được cải thiện. Dù vậy God of War vẫn giữ được đồ họa ấn tượng lẫn hệ thống combat với combo điên cuồng và rất đã tay. Tuy nhiên khi so sánh với các bom tấn khác đang đổ bộ lên PS4 như The Witcher 3 hay Batman: Arkham Knight, God of War 3 trở nên thật nhỏ bé, hay thậm chí là tù túng.
Dù có bối cảnh thần thoại Hy Lạp rất hoành tráng, những màn chơi của God of War 3 lại không rộng cho lắm. Hầu hết thời gian người chơi chỉ chạy dọc theo các hành lang, không gian đôi lúc mới mở rộng ra khi có combat. Những cảnh leo trèo trên các Titan dù nhìn rất ngoạn mục nhưng rốt cục người chơi vẫn chỉ đi theo một lộ trình nhất định có sẵn. Tuy nhiên sự tù túng không hẳn xuất phát từ những màn chơi thiếu tự do mà chủ yếu bắt nguồn từ nhân vật chính: Chiến thần Kratos.
Không giống những tựa game thế giới mở với vô vàn lựa chọn và hướng đi, mọi vấn đề trong God of War 3 đều được Kratos giải quyết bằng bạo lực. Ví dụ như trong đoạn video dưới đây, Kratos đi men theo bờ tường và vướng phải một người đàn ông đang sợ hãi. Biểu tượng nút tròn của tay cầm dualshock xuất hiện trên đầu nhân vật này khi Kratos tiến lại gần, và đây cũng là cách duy nhất để “tương tác” với ông ta. Những người đã quen thuộc với dòng game God of War sẽ nhận ra ngay đây chính là nút bấm quen thuộc để kết liễu kẻ thù. Kratos có nhất thiết phải lấy mạng người đàn ông vô tội để đi tiếp? Có lẽ là không, nhưng game không cho ta lựa chọn nào khác.
Kratos Is A Real Jerk.
Những tình huống bạo lực như trên có thể gặp ở mọi lúc mọi nơi trong God of War 3. Dù ở hai phiên bản đầu tiên cách giải quyết mọi vấn đề bằng cú đấm vẫn còn thú vị và phá cách, nhưng đến phần thứ 3 mọi thứ đã trở nên gượng ép. Game chỉ cho người chơi một lựa chọn duy nhất là bấm “O”.
Kratos vốn luôn là một nhân vật phản diện sẵn sàng lấy mạng người vô tội. Nhưng khi God of War lần đầu xuất hiện trên PS2, người chơi vẫn còn có thể thông cảm cho gã. Kratos bị thần chiến tranh Ares làm mất trí và giết chết vợ con và sau đó truy lùng Ares để trả thù. Tuy nhiên tới God of War 3 lý do cho sự khát máu của Kratos dần trở nên nhảm nhí. Mở đầu game, Kratos cưỡi trên lưng Gaia leo lên đỉnh Olympus, đòi trả thù Zeus và các vị thần. Nhưng trả thù cái gì mới được chứ?
Nhìn lại God of War 2, sự xúc phạm duy nhất mà Zeus gây ra cho Kratos là ngăn gã cùng đồng bọn Spartan tấn công thành Rhodes. Mặc dù giết chết Kratos lẫn lấy đi sức mạnh của gã, hành động của Zeus nằm bảo vệ hòa bình hoàn toàn hợp lý. Trong khi đó, lý do Kratos vẫn tiếp tục tàn sát và gây ra chiến tranh sau khi báo thù được là vì vẫn bị dày vò với tội ác giết cả gia đình. Zeus đã chọc tức Kratos vì ngăn cản gã thỏa mãn cơn khát máu và giết chóc, việc duy nhất gã còn có thể làm.
Mặc dù là phô trương về sức mạnh, nhưng trên thực tế cốt truyện God of War 3 lại lột tả được trần trụi sự yếu đuối của con người. Lý do Kratos không ngừng giết chóc thoạt nghe có vẻ ngu ngốc, nhưng nếu nhìn ở góc độ khác ta sẽ thấy được bi kịch của nhân vật này. Kể cả sau khi đã báo thù, Kratos vẫn không thể thanh thản và trở về con người bình thường trước kia. Sau khi yêu cầu các vị thần xóa bỏ kí ức không thành, Kratos quyết định sẽ tiếp tục giết chóc với hy vọng sẽ chấp nhận được con người tàn bạo của bản thân. Rốt cục gã vẫn bị mắc kẹt trong nỗi đau và sự ghê tởm chính mình.
Mặc dù Kratos đã hoàn toàn trở thành nhân vật phản diện trong God of War 3 nhưng nhà sản xuất vẫn cố gắng chối bỏ sự thật này với việc giới thiệu nhân vật Pandora. Cô gái nhỏ bé này nhắc tới “hy vọng” như là sự cứu rỗi đối với Kratos, và sự thật là cho tới kết game, “hy vọng” đã cho gã sức mạnh để tiêu diệt các vị thần, cũng như giải phóng loài người khỏi sự cai trị của thần linh. Tuy nhiên khó mà chấp nhận được thông điệp cảm động này một cách nghiêm túc sau hàng giờ chứng kiến từng vị thần bị Kratos kết liễu một cách tàn bạo, như móc mắt Poseidon hay bứt đầu Helios.
Mỗi cuộc hành hình đều khiến thế giới đảo lộn, cái chết của Poseidon làm nước biển dâng lên nhấn chìm cả Địa Cầu, trong khi thần mặt trời bị giết khiến thế giới chìm trong bóng tối vĩnh viễn. Dù nhận thức được rõ đang gây đau khổ cho chính mình cũng như toàn bộ loài người, Kratos không thể dừng lại vì gã đã đi quá xa trong việc tự hủy hoại bản thân.
Trận đấu cuối cùng vói Zeus cũng không hề có chỗ cho thương lượng hay cầu xin, chỉ có một kí hiệu nút “O” trên màn hình. Nhưng đến đây game tiến xa hơn một bước nữa, cho phép người chơi đấm Zeus thỏa thích. Game thủ có thể kéo dài trường đoạn này từ 5 phút tới vô cùng, với màn hình che phủ toàn bộ bởi máu trong khi tiếng nắm đấm của Kratos nện vào cơ thể đã nát bét của Zeus. Một số game như BioShock hay Spec Ops: The Line cũng xoáy vào đề tài cái ác trong mỗi con người, nhưng God of War 3 còn làm hơn thế. Game chờ tới tận những phút giây cuối cùng để đẩy sức chịu đựng của game thủ tới giới hạn. Người chơi không chỉ nghe hay chứng kiến, mà tự tay mình thực hiện hành vị bạo lực dã man.
Đến cuối game, Kratos tự sát, giải phóng sức mạnh của “hy vọng” cho loài người, món quà đẹp đẽ như ngọn lửa của thần Prometheus. Nhưng ai sẽ đón nhận món quà này? Chính Kratos khi nhìn xuống thế giới cũng thừa nhận chỉ còn lại những đống tro tàn. Cảm giác hắn ta tự kết liễu đời mình vì không còn ai để giết thì đúng hơn.
Sau hai phần game cuốn hút với lối chơi đầy bạo lực, God of War 3 chuyển hướng tập trung vào Kratos và khắc họa rõ nét sự suy đồi của nhân vật này. Hắn không còn là một con người, mà là hiện thân của nỗi giận dữ. Chưa có game nào đủ can đảm để lột tả hậu quả của bạo lực một cách trần trụi như thế, cũng như đẩy người chơi tới giới hạn chịu đựng xem bản thân họ có thể dã man tới mức nào. Dù có nhiều dự đoán về tương lai dòng game God of War trên PS4, nhưng hy vọng câu chuyện Kratos sẽ chỉ dừng lại ở God of War 3, với sự yên bình cuối cùng cũng tìm thấy trong cái chết.
>> Hình ảnh đầu tiên về God of War trên PS4