Sumioni - "Họa quỷ" của Vita

PV  | 02/03/2012 0:00 AM

Một trong những trò chơi đáng chú ý nhất trong đợt phát hành của Vita với phong cách đồ họa độc đáo, đáng tiếc là nó chưa đủ tầm để được so sánh với Okami.

Sumioni là một trong những tựa game mở màn cho đợt ra mắt của PlayStation Vita tại thị trường quốc tế. Trong số các trò chơi được giới thiệu cho hệ máy cầm tay mới Sony, Sumioni là một trong số ít những gương mặt được đặc biệt chú ý bởi phong cách tựa như một bức tranh Sumie Nhật Bản. Trước đây, tựa game huyền thoại của Clover Studios - Okami - cũng được xây dựng dựa trên phong cách này và đã gặt hái được thành công vượt trội. Tuy nhiên Sumioni lại không được may mắn như vậy.

 
Sumioni là một tựa game được xây dựng dựa trên phong cách 2D platformer đơn giản. Trong đó, người chơi sẽ chạm và quẹt tay trên màn hình Vita để điều khiển nhân vật chính - một chú quỷ Oni. Bạn sẽ chạm để tấn công và quẹt để dùng mực vẽ những cây cầu để con quỷ có thể leo lên. Việc triệu hồi những con linh thú với sức mạnh siêu phàm cũng được thực hiện trên màn hình cảm ứng chạm của Vita. Ban đầu yếu tố này mang lại sự hứng khởi cho người chơi nhưng càng về sau, khi độ khó của game tăng dần thì nó lại bộc lộ nhiều điểm yếu.

Một trong những chi tiết đặc biệt nhất của Sumioni là độ khó của nó sẽ phát triển cùng với kĩ năng của người chơi. Bình thường, bất kỳ game thủ nào cũng có thể hoàn tất game trong khoảng thời gian hơn nửa tiếng. Tuy nhiên, khi bạn có thể vượt qua các màn chơi với thời gian nhanh hơn và ít bị trúng đòn hơn thì game bắt đầu mang đến nhiều thách thức mới. Khi đó, số lượng kẻ thù sẽ ngày càng dày đặc trên màn hình và những con trùm cũng dai máu hơn. Đây chính là lúc mà hệ thống của Sumioni bộc lộ những điểm khó chịu đầu tiên của mình.

 
Về cuối game, một số con quái vật sẽ phát nổ khi bị tấn công. Ở độ khó bình thường thì thách thức này không hề có gì đáng ngại. Thế nhưng khi màn hình tràn ngập kẻ địch với mưa tên thì trong lúc tập trung vẽ cầu tránh đòn, bạn sẽ rất nhiều lần chẳng may chạm vào màn hình khiến con quỷ tấn công. Những vụ nổ ngoài ý muốn sẽ rút cạn dần thanh máu của người chơi và về lâu dài đây là một trong những điểm khó chịu nhất của Sumioni.

Các màn chơi trong tựa game này được xây dựng theo 3 mô tuýp chính: chạy trốn khỏi một con quái vật khổng lồ, cố gắng sống sót và tiêu diệt nhiều kẻ thù nhất có thể trong một khoảng thời gian giới hạn và cuối cùng là chạy về một phía màn hình và đánh chiếm một tòa thành. Các màn chơi này không có nhiều sự khác biệt ngoại trừ việc chúng sẽ bắn ra nhiều viên đạn và tên hơn khi độ khó của game tăng dần.

 
So với những trò chơi được khơi nguồn cảm hứng từ phong cách của tranh Sumie, điển hình là OkamiOkamiden, Sumioni “nhạt nhòa” hơn rất nhiều. So với tông màu phong phú của Sumie thì Sumioni chỉ là một bức tranh đơn điệu với nhiều tông màu tối và thiếu mất những sắc sáng làm điểm nhấn cho cả một bức tranh. Thật khó để có thể trách được nhà sản xuất trong trường hợp này nhưng dù sao thì sản phẩm của họ vẫn kém xa so với Okami.

Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều trò chơi được xây dựng trên phong cách đồ họa đặc biệt này. Với trường hợp của Sumioni, không phải chất Sumie làm nó mất hay mà là trò chơi này không đủ để thể hiện được sự tuyệt vời của Sumie.
Xem thêm:

game nhập vai