Nói tới Việt Hóa cách đây vài năm chúng ta thường nghĩ ngay tới các tựa game online mà xuất xứ chủ yếu là từ Trung Quốc với chất lượng thì vô cùng nhưng luôn đảm bảo độ “háu ăn” của mình với hầu bao game thủ. Và ở Việt Nam, cũng như bất cứ loại sản phẩm nào khác, từ ảo cho tới thật, câu nói “đồng tiền bát gạo” cũng chỉ có nửa cái nghĩa khi mà tiền thì vẫn tốn nhưng những cái nhận lại không hề xứng đáng chút nào. Một phần ở bản thân chất lượng game từ các khía cạnh như đồ họa, lối chơi, cốt truyện, âm thanh... Phần khác là khi về đất nước hình chữ S, qua quy trình Việt Hóa không cẩn thận, một sản phẩm vốn làm ra chỉ vì một mục đích lấy tiền thiên hạ nay lại càng trở nên đi xuống hơn nữa.
Khái niệm “Việt Hóa” cho nhưng game offline xuất hiện khá hiếm trong cộng đồng game thủ.
Trước đây, khi mà các sản phẩm offline trên thế giới đã phát triển dưới đầy đủ các kiểu hình, phong cách, lối chơi, thì cụm từ “Việt Hóa” dường như là một cái gì đó chưa hề xuất hiện trong tiềm thức của game thủ. Nguyên nhân một phần cũng là do game có khó hiểu đến mấy đi nữa thì vẫn có thể mò ra được cách chơi, và phong cách mì ăn liền cũng khiến nhiều người chẳng hề quan tâm gì tới cốt truyện mà chỉ cần và lao vào chém giết. Nhưng hiện nay ở các diễn đàn game có thể thấy bất cứ tựa game nào khi ra mắt đều có những topic bàn luận rất sôi nổi, vì vậy mà lối chơi game theo kiểu thưởng thức cũng dần dần chiếm ưu thế.
Khổ nỗi đối với những người có vốn tiếng Anh hạn chế thì những cái hay ho này khi truyền đến tai, đến mắt họ lại chẳng khác nào "vịt nghe sấm, nước đổ lá khoai". Mặc dù có thể họ rất muốn từ từ cảm nhận nhưng chẳng còn cách nào khác là phải skip và tiếp tục chơi mà chẳng hiểu gì. Điều này lại càng đặc biệt đúng đối với những trò chơi có khối lượng chữ nghĩa nhiều cũng như cần phải hiểu để thấy được cái hay. Nhu cầu Việt hóa cùng từ đó mà ra đời, đi đầu là thể loại tiểu thuyết ảo hay visual novel.
Khó mà thấy hay khi chẳng hiểu nhân vật đang nói gì.
Và tới năm 2011, một năm mà dường như game thủ yêu thích game offline lần đầu hiểu được thế nào là “bão game”, đã chứng kiến sự khai sinh của The Elder Scrolls V: Skyrim – một trong những tựa RPG được vinh danh huyền thoại trong lịch sử làng game thế giới. Skyrim với môi trường cực kỳ rộng lớn, cốt truyện có chiều sâu cũng như tính văn hóa chứa đựng rất đa dạng trong nội dung, đã khiến biết bao game thủ say mê trong một quãng thời gian rất dài.
The Elder Scrolls V: Skyrim đã trở thành một huyền thoại trong làng RPG thế giới.
Thế giới rộng lớn và vô cùng sâu sắc đó đã khiến Skyrim trở thành một kho tàng văn hóa ảo hơn là một sản phẩm giải trí, là nơi chứa đựng vô số câu chuyện, truyền thuyết, sách vở, tàng thư cũng như số lượng câu thoại khổng lồ giữa các nhân vật. Tuy nhiên, thật không may là những điểm mạnh này lại chính là điều gây bất lợi ít nhiều cho game thủ Việt Nam, đặc biệt cho những bạn với vốn Tiếng Anh chưa cao khi mà khó cảm nhận hết được cái chất Skyrim và thế giới của nó qua các câu chữ nước ngoài.
Skyrim sở hữu một môi trường với những giá trị rất sâu sắc khiến game thủ Việt Nam một phần khó tiếp cận
qua ngôn ngữ nước ngoài.
Hiểu được điều đó, một dự án “Việt Hóa Skyrim” được quyết tâm gây dựng và phát triển bởi một cộng đồng bao gồm những thành viên trên các diễn đàn công nghệ và game lớn như Voz hay Gamevn, những game thủ mà khởi đầu dự án bằng tất cả sự đam mê, tình yêu game đơn thuần mà không màng lợi ích cá nhân. Mang tính tự phát, nhưng thực tế dự án Việt Hóa Skyrim có một khâu chuẩn bị, tổ chức hết sức quy củ và dễ nắm bắt. Mọi thông tin để hỗ trợ từ bản update yêu cầu cho game, các chú ý, nội quy, cho tới phần mềm phụ trợ hay các trang web tham khảo đều được những người tổ chức giải thích rõ ràng cho những game thủ muốn đóng góp sức mình vào việc dịch và biên tập câu thoại, sách vở...
Những game thủ đứng lên để kêu gọi thực hiện dự án Việt Hóa Skyrim.
Nhưng “Việt Hóa Skyrim” không phải là không gặp những khó khăn của mình. Bên cạnh một quá trình đòi hỏi công sức cũng như qua nhiều lớp khác nhau như dịch, biên tập, và phát hành Patch, khó khăn dễ nhận thấy nhất là quỹ thời gian của những người tham gia, hay thậm chí còn là các bất lợi riêng của họ mà có lẽ chúng ta không bao giờ biết đến. Điều này không khỏi làm chính những game thủ Việt Nam đang theo dõi sát sao dự án lo lắng rằng liệu một Skyrim Việt Hóa có đi được tới cuối con đường.
Nhưng bất chấp những nghi ngại, những khó khăn gặp phải đó, nhóm phát triển cùng những game thủ đang chung tay vào dự án đã cho thấy tiến triển và sự thành công ngày một rõ hơn qua những bước tiến đáng kể của từ bản Patch, mà mới đây nhất là bản Patch 0.6 – phiên bản sở hữu 92% phần hội thoại nhân vật trong game hoàn thành dưới ngôn ngữ Tiếng Việt.
Nhóm làm việc đã đổ rất nhiều công sức vào dự án cũng như hỗ trợ tận tình cho mọi người muốn cùng tham gia.
Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng game thủ Việt Nam cũng như chứng minh một bước tiến gần hơn cho việc ra đời tựa game offline lớn đầu tiên được Việt Hóa trong lịch sử. Và mặc dù vẫn còn một chặng đường nữa để đi tiếp khi ngoài phần hội thoại vẫn còn một số nội dung khác cần hoàn thiện, nhưng việc đạt được cột mốc này thật sự vẫn là một điều vô cùng đáng nể, một dấu ấn đáng nhớ với cộng đồng game thủ Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là cộng đồng game thủ chúng phải gửi lời cảm ơn đến tất cả đội ngũ đứng sau dự án cùng rất nhiều những cá nhân hỗ trợ khi đã bỏ biết bao công sức, tâm huyết và thời gian mà không cần lợi ích cho bản thân.
Hãy cùng chúc và cảm ơn họ, những game thủ giờ phút này vẫn đang hết sức mình để đưa chất Việt vào trong The Elder Scrolls V: Skyrim những bước tiến, thành công mới trong tương lai để mở đường cho những tựa game khác sau này.