Rango – Xóa nhòa định kiến game ăn theo phim là dở

Truật Xích  | 24/03/2011 02:00 PM

Vượt qua những định kiến xấu về “game ăn theo phim”, Rango đã chứng tỏ được giá trị của mình.

Tựa phim hoạt hình với nhân vật chính là chú tắc kè xanh Rango do nam tài tử Hollywood Johnny Depp lồng tiếng đang gây được nhiều tiếng vang trong cộng đồng phim ảnh thế giới. Và với EA – hãng game “trùm” với đủ các chiêu kiếm tiền từ những “phi vụ” như thế này thì rõ ràng, Rango là một cái tên không thể bỏ qua. Do đó, tựa game cùng tên đã chính thức ra mắt trên các hệ máy Xbox 360, PS3, Wii và DS.
 
 
Dù thế nào đi chăng nữa, cái “tiếng xấu” rằng game ăn theo phim chỉ toàn là “hàng thải” chưa thể bị dẹp bỏ một sớm một chiều được. Đặc biệt là khi EA cũng rất tai tiếng với truyền thống đẩy quá nhanh tốc độ làm game khiến cho sản phẩm khi ra mắt luôn tồn tại nhiều lỗi không đáng có. Thế nhưng, chúng ta cũng từng chứng kiến những cái tên khác biệt với số còn lại, ví dụ như Batman: Arkham Asylum – một trong những tựa game hay nhất năm 2009 hay Wolverine: Origins thậm chí còn được khen nhiều hơn cả bộ phim cùng tên. Và một lần nữa, chúng ta có thể gọi tên Rango như một sản phẩm vượt qua những điều tiếng.
 
Rango không đi theo cốt truyện của bộ phim cùng tên, Thay vào đó, nó mở đầu ngay bằng việc người anh hùng bò sát đã nghiễm nhiên giữ chức cảnh sát trưởng thị trấn bụi bặm Dirt rồi. Câu truyện trở nên rắc rối khi người bạn của Rango, Bean thông báo cha của anh ta biến mất một cách bí ẩn và vụ mất tích này có liên quan đến những viên đá kỳ lạ. Người chơi sẽ vào vai Rango, phiêu lưu qua biết bao những phi vụ dở khóc dở cười để giúp Bean và giải thích vụ án những viên đá thần kia.
 

Tựa game Rango nhìn chung được sử dụng các yếu tố chính của dòng game platform giả 3D, quen thuộc với tất cả những ai đã từng trót yêu dòng game này. Về cơ bản, gameplay vẫn chỉ xoay quanh những pha chạy nhảy, leo tường vượt chướng ngại vật trong lúc vẫn phải tìm cách đánh bại kẻ xấu của Rango trong từng màn chơi. Trong quá trình chơi game, Rango có thể thu thập cho mình những ngôi sao cảnh sát trưởng – được coi như đơn vị tiền tệ chính trong game. Sử dụng những ngôi sao này, Rango có thể nâng cấp vật phẩm hoặc các kỹ năng chính của mình.
  
Điểm đáng khen nhất ở Rango đó chính là kỹ năng ra đòn của nhân vật chính. Vì là một chú tắc kè nên các đòn thế của Rango luôn đậm chất “bò sát”, bên cạnh những pha đấm bốc theo kiểu gangster thì Rango còn có thể tung ra các chiêu thức quái dị bằng... lưỡi của mình. Tốc độ của game rất nhanh theo diễn tiến của màn chơi và còn theo cách thức ra đòn của chàng tắc kè xanh này nữa.
 

Vì là một tựa game thuộc thể loại platform, việc tìm ra cách để biến Rango trở nên “đặc biệt” so với những người anh em cùng dòng trở nên khó khăn hơn bình thường. Tuy nhiên, Paramount – hãng phát triển Rango đã chứng tỏ họ không phải là tay mơ. Các màn chơi không chỉ giới hạn quanh những pha hành động của chàng tắc kè mà nó còn tỏ ra biến hóa với nhiều vật dụng khác nữa. 

Ví dụ như Rango có thể điều khiển một chú gà lôi đuôi dài (loài chim cu chạy cực nhanh ở Bắc Mỹ và Mexico) lạng lách tránh vật cản, đồng thời sử dụng súng bắn hạ những kẻ thù đang đuổi theo rất vui nhộn. Không chỉ thế, game còn có cả những màn chơi đòi hỏi người chơi phải thực hiện lối hành động ẩn nấp theo kiểu Metal Gear Solid.
  

Môi trường trong game tỏ ra thân thiện với người chơi, lối hành động vui nhộn của Rango phụ thuộc rất nhiều vào tính năng điều khiển trơn tru của game. Xét về điều này, Paramount đã thực sự thành công. Có thể nói, Rango rất phù hợp với những ai muốn trải nghiệm sự vui nhộn trong gameplay của dòng game platform, vốn đã bị phai nhòa nhiều trong những năm gần đây. Một lần nữa, game đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng không phải sản phẩm ăn theo phim nào cũng dở tệ.