Quarrel - học mà chơi, chơi mà học

Kiss  | 12/02/2012 02:00 PM

Một tựa game thử thách trí não của bạn qua những trận đấu trí yêu cầu sử dụng cả chiến thuật lẫn vốn từ vựng phong phú...

Người ta vẫn nói rằng: “Học ra học, chơi ra chơi!”. Thế nhưng có vẻ như những trò chơi theo kiểu “vừa chơi vừa học” lại có vẻ đang trở nên ngày càng hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 1 vừa qua, hãng Denki đã cho ra mắt một tựa game thuộc dạng này mang tên: Quarrel. Đây là một cuộc thi từ vựng được dựng lên dưới dạng các trận chiến vô cùng ngộ nghĩnh và đầy màu sắc.



Dù bạn chọn chế độ chơi nào thì một màn đấu trong Quarrel cũng luôn bắt đầu theo một cách tương tự nhau. Người chơi được cung cấp 1 mảnh ghép nhỏ trong nhiều mảnh ghép trên bản đồ. Sau đó máy tính sẽ phân bố một vài tên lính vào mỗi vùng đất và lựa chọn ngẫu nhiên người chơi nào được đi trước. Khi tới lượt của mình, bạn có thể di chuyển lính từ nơi này tới nơi khác hoặc ra lệnh tấn công.

Một khi lệnh tấn công đã được đưa ra, game ngay lập tức chuyển sang một chế độ khác. Hai bên, tấn công và phòng thủ, sẽ được cung cấp một lượng chữ cái giống hệt nhau và mỗi chữ cái lại mang cho mình một số điểm riêng biệt tùy vào độ xuất hiện phổ biến hay không trong Anh ngữ. Nhiệm vụ của người chơi là đưa ra một từ có nghĩa với tổng số điểm của các chữ cái lớn hơn từ của đối phương. Cái khó của trò chơi nằm ở chỗ mỗi từ đưa ra phải có số chữ cái tương ứng với số lượng lính nằm trong mảnh bản đồ tham gia trận chiến.


Nếu chiến thắng, người tấn công sẽ giành được mảnh bản đồ đó và bỏ lại một tên lính ở mảnh trước. Nếu phòng thủ thành công thì người chơi tấn công sẽ chỉ còn lại một tên lính duy nhất ở mảnh bản đồ trước. Bên cạnh đó, nếu giành chiến thắng với quân số ít hơn thì bạn sẽ được quyền bắt một vài “tù nhân” để sử dụng trong những trận đấu sau với khả năng bổ sung thêm chữ cái. Sau mỗi lượt đi, người chơi sẽ nhận thêm “viện binh” với số lượng tương ứng số mảnh bản đồ người chơi đó sở hữu.


Một khi đã bắt đầu trận đấu, game thủ sẽ phải vô cùng cẩn thận với từng đường đi nước bước của mình để có được chiến thuật hoàn hảo nhất. Những quy luật đơn giản như không nên để một lượng quân quá ít ở mảnh nằm cạnh một đối thủ có quân số dồi dào sẽ luôn là điều mà những “chiến lược gia” cần quan tâm. Nếu định tấn công một đối thủ với quân số đông hơn, bạn hãy chú ý và tự đánh giá khả năng từ vựng của người đó so với mình. Việc phân bố quân số luôn là thứ khiến người chơi đau đầu trong Quarrel.


Luật chơi của Quarrel tuân thủ rất chặt chẽ một quy tắc: “Được ăn cả, ngã về không!”. Kẻ thua cuộc luôn bị mất hết tất cả số quân tham gia trận chiến, trừ phi là người tấn công thì được giữ lại một tên lính duy nhất, trong khi bên thắng không hề chịu bất kỳ tổn thất gì. Bên cạnh đó, khi trận chiến kết thúc với số điểm bằng nhau thì bên nào đưa ra đáp án nhanh hơn sẽ chiến thắng. Điều này nghe qua thì có vẻ công bằng, nhưng thực ra nếu bạn chơi với A.I thì tất nhiên thắng cuộc trong trường hợp này mãi mãi là một điều mơ tưởng.

Như đã nhắc đến ở trên, dù bạn chọn chế độ chơi nào thì cơ chế của các trận đấu trong game vẫn không thay đổi gì nhiều. Với chế độ chơi đơn, người chơi có thể chơi dạng Quick match hoặc chơi với độ khó của A.I tăng dần theo từng màn. Với một đối thủ có trình độ ngang bằng thì trận đấu có thể kéo dài tới khi nào bạn chán thì thôi. Ngoài một vài chế độ chơi có giới hạn thời gian thì phần lớn các màn chơi đều có kết cấu tương tự nhau.


Là một game rất vui để chơi với bạn bè, tuy vậy tiếc rằng Quarrel không phải là một game có thể chơi trên cùng một màn hình ( bởi bạn hoàn toàn có thể copy từ của đối phương ). Dù sao thì chế độ chơi online cũng phần nào đáp ứng được yêu cầu của game thủ. Với một lượng người chơi chưa nhiều, có lẽ chế độ quick match vẫn là một lựa chọn thích hợp nếu bạn muốn thi đấu với game thủ khác.


Vốn là một game chạy trên nền iOS, chắc chắn rằng Quarrel vốn thích hợp để chơi với một màn hình cảm ứng hơn là tay cầm. Tuy nhiên, khi được chuyển sang Xbox 360, tựa game này cũng có nhiều điểm hấp dẫn của mình như đồ họa bóng bẩy, âm nhạc vô cùng vui nhộn và phần điều khiển cũng không đến nỗi tệ. Sau mỗi trận đấu, game sẽ đưa ra những thông tin ngẫu nhiên về từ vựng cũng như ý nghĩa của các từ ngữ. 

Đối với những game yêu cầu nhiều trí não như Quarrel thì việc kén chọn người chơi là điều không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên nếu muốn một tựa game giải trí nhẹ nhàng sau nhiều giờ bắn giết căng thẳng thì Quarrel là một lựa chọn không tồi, đặc biệt là bạn còn có cơ hội để nâng cao vốn tiếng Anh của mình trong quá trình chơi nữa. Với đồ họa ngộ nghĩnh đầy màu sắc, âm thanh vui nhộn Quarrel sẽ rất phù hợp với các bạn nữ, và còn gì vui hơn khi được chơi game cùng với bạn gái của mình đúng không nào? 
 
Tham khảo: CheatCC