Portal 2 - Tựa game hoàn hảo của năm 2011

Chíp Ly  | 21/04/2011 12:08 AM

Giữ chắc ghế, bởi người viết xin khẳng định Portal 2 là một trong những tựa game hay nhất năm 2011, nếu không muốn nói là game hoàn hảo của năm nay.

Trong ngành công nghiệp phim ảnh, một người đạo diễn được coi là thành công nếu ông ta bắt kịp được tần suất cứ một thập kỉ thì lại làm được một bộ phim lớn. Với ngành công nghiệp game, tần suất ấy không thể cách 10 năm được, một hãng game chỉ có thể coi là thành công nếu như họ ra đời liên tiếp những sản phẩm chất lượng tốt, và nếu chẳng may ra đời một tựa game không xứng tầm tên tuổi, một khả năng cao tên tuổi studio sẽ bị một vết nhơ và bị các chính các fan quay lưng thất vọng.


Với Valve, một studio với tên tuổi được xây dựng bởi những sản phẩm thành công liên tiếp, thật vậy, bạn hãy thử lên Wikipedia và xem có game nào bị các nhà phê bình chê trách, một sản phẩm tồi sẽ làm hỏng tất cả những tiếng tăm mà Valve từng bước xây dựng suốt hơn một thập kỉ qua. Sản phẩm gần đây nhất của studio, Portal 2, một thương hiệu khá mới mẻ, lại thuộc thể loại kén người chơi - giải đố, liệu có thể ít nhất thu hút được người chơi không?

Thật vui mừng, khi câu trả lời là có. Thậm chí dù bạn là bất cứ ai, bạn sẽ có thể tận hưởng được Portal 2.

Nếu bạn đã chơi Portal 1, về cốt lõi, cách chơi của Portal 2 không có thay đổi gì đáng kể. Người chơi vào vai Chell, một cô gái cứng đầu (và cũng ít nói như chàng Gordon Freeman), sử dụng khẩu súng gọi tắt là Portal gun để giải những câu đố trong màn chơi, cụ thể là tìm cách mở được cánh cửa Exit. Điểm đặc biệt của Portal chính là khẩu súng bắn cổng không gian vàng / xanh trên những bức tường trắng. Với hai cổng không gian này, Chell có thể bước vào một cổng và thoát ra ở cổng kia, cho dù hai bức tường trắng ấy ở cách nhau bao xa.


Tuy nhiên, đã là game giải đố thì phải có những thử thách. Qua từng màn chơi, người chơi được giới thiệu thêm một chức năng mới, cũng như những thử thách của nó. Với độ khó tăng dần, từ rất đơn giản khi người chơi mới lần đầu gặp chiếc ván lò xo chẳng hạn, cho tới khá phức tạp khi phải kết hợp với những kĩ năng người chơi có từ những màn chơi trước trong những câu đố tiếp theo. Portal 2 giới thiệu thêm khá nhiều yếu tố mới hoàn toàn so với phần 1, như cầu Hard-light bridge để người chơi kết hợp với súng Portal để bắc cầu; các tấm ván lò xo cực mạnh Aerial fate plate; và thú vị nhất là 3 loại gel xanh, cam và trắng với 3 chức năng khác nhau.

Nếu bạn cảm thấy ngại khó, thì đừng lo, bởi Portal 2 đã chứng tỏ được sự tài tình và chuyên nghiệp trong cách thiết kế màn chơi của Valve. Dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng không thể bị bí trong một câu đố của Portal 2. Vì chúng quá dễ ư? Không phải vậy, nhiều câu đố phải nói thật là khá thử thách, nhưng chỉ cần có yếu tố thời gian, bất cứ người chơi nào cũng có thể giải được câu đố ấy. 


Valve luôn biết cách gợi ý ngầm người chơi, bằng cách gây sự chú ý của người chơi tới điểm gợi ý với các hiệu ứng như âm thanh, những chuyển động và thú vị nhất là ánh sáng. Một gợi ý cho những ai đang chơi Portal 2: hãy chú ý quan sát tất cả mọi thứ trong màn chơi trước khi bắt tay vào giải đố. Và đừng nản lòng với bất cứ màn chơi nào.

Valve luôn được nhiều người ví von như là Pixar của thế giới game. Hàm ý này có thể hiểu như ám chỉ sự bất bại của Valve khi chưa có sản phẩm nào là không chinh phục đựơc game thủ, cũng như chưa có bộ phim Pixar nào là không làm rung động trái tim của bất cứ người xem nào. Nhưng cá nhân người viết thích hiểu hàm ý này theo một cách khác: Valve, cũng như Pixar, biết cách thổi hồn vào sản phẩm của mình.
Cũng như phần đầu, xuyên suốt Portal 2 bạn sẽ không bắt gặp một bóng người nào trong game (ngoại trừ bạn – cô gái Chell với tung tích bí ẩn và luôn câm như hến). 


Những gì còn lại của con người chỉ là những nhà máy, những văn phòng và đồ dùng. Tuy nhiên, dù thiếu vắng bóng người trong những căn phòng ấy, nhưng hầu như không có căn phòng nào là thực sự lạnh lẽo cả. Để ý những đồ nội thất, người chơi cũng có thể đoán được phòng này trước kia là gì, đọc những tờ báo còn sót lại trên bàn để biết thêm về công ty Aperture, cũng như cảm nhận được văn phòng này được xây dựng thời kì nào, những năm 50, 70 hay 80-90 chỉ bằng cách nhìn vào đồ nội thất. Bạn không tin ư? Cứ thử  chơi đến tầm chương 6 trở đi!

Đó là những cái hồn của vật tĩnh, còn cái hồn của vật động thì sao? Vì bạn sẽ không gặp ai trong game cả, nhưng thay vào đó, bạn sẽ gặp những robot và máy tính của phòng thí nghiệm Aperture. Và phải thán phục với tài năng của Valve, vì cho dù những robot ấy có hình dáng như thế nào, bạn vẫn cảm nhận được sức sống trong chuyển động của chúng, thậm chí đoán được cảm xúc qua những cử chỉ. 


Nhưng nếu đề cập tới phần hồn của game mà không đề cập tới sự hài hước của game thì thật thiếu sót. Đã từ lâu lắm rồi, có lẽ từ sau bản remake Monkey Island 2: LeChuck’s Revenge, người chơi mới được cười nhiều với một tựa game như vậy. Lời thoại của Portal 2 thật sự xuất sắc, cảm tưởng như cứ tầm 3 câu thoại, bạn sẽ phải bật cười một lần.
 
Những câu nói ngờ nghệch và thật sự có hồn của Wheatley khiến ta có cảm tưởng mình đang song hành cùng một anh chàng người Anh ngố ngố hơn là một chiếc lõi AI. Đặc biệt là những lời thoại ngàn vàng của GLaDOS, không ngớ ngẩn như Wheatley nhưng lại mang sắc thái mỉa mai sẽ khiến bạn vừa rùng mình, vừa bật cười. 

Xin tiện không trích dẫn một vài ví dụ, bởi khả năng sẽ làm bạn mất bất ngờ. Đỉnh cao của những cuộc đối đáp, theo người viết, có lẽ là Chapter 9 của game: This is the part where he kills you.

Và xin bật mí, Portal 2 sẽ có màn chơi đấu trùm hay và độc đáo nhất với tất cả mọi người. Chỉ trong dưới 5 phút, bạn sẽ rơi vào trạng thái cảm xúc khá phức tạp: vừa gấp rút suy nghĩ, vừa cười sái miệng, và vừa há hốc miệng ngạc nhiên. Tin tôi đi.


Nhiều người nói với độ tuổi 7-8 năm, có lẽ Source Engine đã quá già cỗi. Nhưng với Portal 2, điều đó khẳng định ngược lại. Với nhiều hiệu ứng ánh sáng – bóng tối ấn tượng hơn, có thể thấy Source engine đã được nâng cấp để bắt kịp thời đại. Chưa kể những hiệu ứng vật lí khá phức tạp, với quy mô lên tới cả màn chơi rộng lớn.

Phần âm thanh của Portal 2 cũng là một điểm ngàn vang của game. Các bản nhạc và hiệu ứng âm thanh họat động rất ổn với nhau, tới mức trong một số đoạn, những hành động của Chell như nhảy, cũng tạo thành một nốt nhạc làm điểm nhấn cho bản nhạc đang sôi động, tăng sự phấn khích của người chơi lên cực độ. Và một điểm thưởng tới dàn nhạc cuối game, cũng như bài hát Want you gone do Ellen McLane / GLaDOS trình bày.


Phần chơi co-op của Portal 2 cũng là một phần chơi thú vị không kém phần chơi đơn, dù không dài bằng. Sự thú vị của phần chơi co-op này nằm ở độ khó hơn hẳn so với chơi đơn, và ở chính sự tương tác giữa người chơi với người chơi. Phần chơi co-op yêu cầu cả hai người chơi phải làm việc nhóm lẫn làm việc độc lập thật tốt để qua được những màn chơi. Phần thưởng sau khi cả hai người chơi giải đố đôi khi là những cử động của hai chú robot, từ cười, nhảy cho tới đập tay và… oẳn tù tì ngộ nghĩnh.

Đã lâu lắm rồi, kể từ khi sau Red Dead Redemption, người viết mới cảm thấy thực sự thỏa mãn, tới độ hơi “phê phê” khi kết thúc game Portal 2. Hoàn hảo trong mọi mặt, Portal 2 sẽ còn được game thủ nhắc đến không chỉ năm 2011, mà còn 2012 và lâu hơn thế nữa. 

(Tổng hợp)