Giới thiệu khái quát
Pillars of Eternity được phát triển bởi studio Obsidian Entertainment (KOTOR II, Neverwinter Night 2). Sản phẩm này được coi là người kế nhiệm tinh thần của những series game CRPG kinh điển ở những năm 90’ như Baldur’s Gate hay Icewind Dale. Được công bố lần đầu tiên từ năm 2012 và thu hút nhiều sự chú ý với chiến dịch gây quỹ cộng đồng lên tới hơn 4 triệu USD, Pillars of Eternity đến nay vẫn là một trong những dự án gây quỹ thành công nhất trên nền tảng Kickstarter.
Bối cảnh diễn ra câu chuyện chính của game sẽ đưa người chơi tới vương quốc Dyrwood ở thế giới đậm chất fantasy và rộng lớn có tên Eora.
Giao diện
Phần giao diện khi mới khởi động game được thiết kế đơn giản và trực quan. Người chơi có thể tự do tùy chỉnh cách thức thiết lập âm thanh và đồ họa để phù hợp sở thích bản thân, ví dụ như chế độ “đầu to” kiểu chibi khiến nhân vật có hình dáng rất ngộ nghĩnh và đáng yêu. Quan trọng nhất, ta có thể điều chỉnh luật chơi và chế độ tự động tạm dừng trong từng tình huống, ví như khi bắt đầu giao chiến với kẻ địch, sử dụng phép thuật hay có nhân vật bị chết.
Đối với thể loại CRPG, độ khó của game luôn được xây dựng theo nhiều mức khác nhau để thỏa mãn trải nghiệm cho từng tầng lớp người chơi. Pillars of Eternity có thiết lập 4 cấp độ khó dễ cơ bản, trong đó, 3 cấp độ “Easy – Nornal – Hard” sẽ chỉ ảnh hưởng tới lượng quái vật xuất hiện trong game cùng số lượt “nghỉ” hồi phục mà thôi, còn riêng “Path of the Damned” sẽ khiến quái vật mạnh hơn hẳn và không thể tự ý thay đổi trong suốt quá trình chơi. Nếu muốn thử thách hơn nữa, người chơi có thể lựa chọn “Expert Mode” để loại bỏ các chỉ dẫn hữu ích hoặc chế độ chết là kết thúc game với “Trial of Iron”.
Tạo nhân vật và nghề nghiệp
Về phương diện tạo nhân vật và hệ thống nghề nghiệp, Pillars of Eternity đưa ra tổng cộng 6 chủng tộc bao gồm Human, Aumaua, Dwarf, Elf, Orlan và Godlike, cùng với 11 lớp nghề nghiệp để người chơi lựa chọn gồm Barbarian, Chanter, Cipher, Druid, Fighter, Monk, Paladin, Priest, Ranger, Rogue và Wizard.
Mỗi nghề nghiệp trong game đều được xây dựng rất chi tiết về phương diện kỹ năng lẫn vai trò chiến đấu, đảm bảo tính “đa biến” cần thiết ở thể loại nhập vai, ví dụ: Wizard sẽ chỉ sử dụng được các phép thuật trong cuốn sách grimoire, Chanter lại có khả năng liên tục “niệm chú” để đem lại nhiều dạng hiệu quả khác nhau, còn Ranger thì luôn có một con thú đi theo hỗ trợ... Có thể nói rằng, đội ngũ phát triển đã rất tận tâm và thiết kế một hệ thống nghề nghiệp ấn tượng để người chơi trải nghiệm, gia tăng tính chiến thuật rất hợp lý thường thấy ở thể loại CRPG.
Ngoài việc lựa chọn chủng tộc và nghề nghiệp, người chơi sẽ còn tiến hành phân phối một số điểm thuộc tính, lựa chọn bối cảnh xuất thân và một số chi tiết về diện mạo bên ngoài như khuôn mặt, kiểu tóc. Cần lưu ý rằng, các chỉ số thuộc tính không đơn thuần chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng chiến đấu của nhân vật mà còn có liên quan tới cả những lựa chọn khi đối thoại với NPC nữa.
Cốt truyện và hệ thống nhiệm vụ
Tương đồng với nhiều game nhập vai truyền thống, cốt truyện chính của Pillars of Eternity vẫn được xây dựng theo kiểu bạn là "người được lựa chọn" cổ điển. Ban đầu, nhân vật chính chỉ có thân phận bình thường trong vai một nước ngoài mới đặt chân tới Dyrwood. Nhưng sau khi trải qua một biến cố bất thường, anh ta đã trở thành một “Watcher”, người có khả năng nhìn thấy quá khứ và giao tiếp với các linh hồn.
Toàn bộ cốt truyện chính trong game được phân chia làm 4 chương và tập trung nhiều nội dung hấp dẫn hơn ở Act 2 và 3. Bên cạnh các nhiệm vụ chính xoay quanh việc tìm hiểu nguyên nhân sâu sa của “The Watcher” và những sự kiện bí ẩn liên quan sức mạnh “linh hồn” trong mỗi con người, trò chơi cũng có xây dựng vô số chuỗi nhiệm vụ phụ hấp dẫn.
Thực hiện nhiệm vụ là phương thức hữu hiệu nhất để người chơi tích lũy điểm kinh nghiệm, tiền bạc và trang bị. Trong suốt quá trình phiêu lưu, người chơi sẽ gặp gỡ và thu phục nhiều nhân vật làm “bạn đồng hành”. Mỗi người trong bọn họ sẽ có nghề nghiệp, cá tính và một câu chuyện xuất thân riêng biệt và thú vị, đem lại thêm nhiệm vụ cho người chơi.
Tuy nhiên, ta nên chú ý rằng với hình thức “phi tuyến tính” điển hình ở CRPG, mọi nhiệm vụ đều có nhiều hướng phát triển dẫn tới những kết cục và phần thưởng khác nhau, do đó người chơi cần tiêu tốn nhiều thời gian để đọc câu thoại nhân vật, tìm hiểu về lịch sử thế giới Eora... Phải để ý tới từng chi tiết nhỏ, người chơi mới có thể giải quyết hết các vấn đề.
Ngoài ra, người chơi có thể sử dụng chế độ “lén lút” để tránh bị phát hiện bởi kẻ khác, khám phá ra vật phẩm ẩn hay cạm bẫy. Đừng ngần ngại bỏ qua một số đoạn khó rồi quay lại sau hay lợi dụng chiêu bài “save đi, load lại” để xem hướng thực hiện nhiệm vụ nào là có lợi nhất.
Cơ chế chiến đấu
Với những ai đã có kinh nghiệm qua các sản phẩm kinh điển như dòng Baldur’s Gate, Icewind Dale hay gần đây hơn là Neverwinter Night, họ không mất nhiều thời gian để làm quen với hệ thống chiến đấu trong Pillars of Eternity. Về cơ bản, trò chơi sử dụng cơ chế chiến đấu tổ đội thời gian thực kết hợp kiểu tạm từng mang tính chiến thuật, nhưng nhiều chỉ số thuộc tính đã được tinh giản đi so với những sản phẩm thế hệ trước vốn tương đối phức tạp để nắm bắt.
Người chơi có thể có tối đa 6 thành viên trong đội ngũ, qua đó đảm bảo tính đa dạng tùy theo sở thích chơi của mỗi người, bạn có thể có một đội ngũ có sự cân bằng giữa Tanker - DPS - Healer hoặc một đội ngũ toàn cận chiến trâu bò cũng không vấn đề, miễn sao nó hợp với phong cách chơi của bạn là được. Số lượng kỹ năng chiến đấu được xây dựng phong phú với đủ dạng hiệu ứng khác nhau, ta có thể chia kỹ năng thành hai loại chính là loại hồi phục sao mỗi trận đánh và loại hồi phục sau mỗi lần sử dụng tính năng “nghỉ”.
Người chơi cũng cần lưu ý rằng, mỗi nghề nghiệp sẽ lại có cách thức sử dụng kỹ năng khác nhau và có các chiêu AOE có thể gây sát thương lên cả đồng đội nên cần phải tìm hiểu kỹ trước khi dùng. Hơn nữa, mỗi loại trang bị và kỹ năng sẽ chỉ có thể thực hiện một số dạng sát thương nhất định, nên người chơi cần tùy cơ ứng biến mỗi khi đương đầu với từng loại kẻ địch.
Trong khi chiến đấu, người chơi sẽ thường xuyên phải sử dụng tính năng “pause” hoặc chuyển sang chế độ chậm (Slow Motion) để tiện thao tác từng nhân vật, nếu không sẽ rất dễ thất bại hoặc lâm vào những tình huống khó. Một trong những chiến thuật tỏ ra rất hữu ích khi chơi ở mức khó cao là nên dụ kẻ địch tới các khoảng không gian hẹp rồi đưa tanker lên phía trước và tiêu diệt từng tên một, tránh trường hợp bị bao vây rất nguy hiểm. Sau mỗi trận đấu, người chơi tất nhiên cũng có thể tiến hành "lột đồ" kẻ địch.
Có một điểm độc đáo đáng nhắc tới trong cơ chế chiến đấu của Pillars of Eternity chính là cách thức gây sát thương của kẻ địch lên các nhân vật của người chơi. Mỗi nhân vật đều có hai đại lượng máu phân chia thành “endurance” và “HP”. Trong khi “Endurance” có thể phục hồi nhanh chóng sau mỗi trận đấu, thì “HP” chỉ có thể phục hồi bằng phương pháp “nghỉ ngơi”. Nếu nhân vật bị hết “Endurance”, họ sẽ bị ngất cho đến hết trận đấu, còn nếu HP tụt về 0 thì họ có thể bị “tàn tật” hoặc chết hẳn dựa trên độ khó mà người chơi lựa chọn ban đầu.
Nhìn chung, cơ chế chiến đấu của Pillars of Eternity không quá khó nhưng cũng phải có tính toán chứ không thể thoải mái xông pha chặt chém mà chẳng cần suy nghĩ.
Các tính năng khác
Mỗi khi tích lũy đủ điểm kinh nghiệm, người chơi có thể tiến hành thăng cấp cho nhân vật. Mỗi khi thăng cấp, ngoài việc được tăng thêm “Endurance” và “HP”, người chơi sẽ nhận được một số điểm để tăng vào 5 kỹ năng cơ bản gồm Stealth, Athletics, Lore, Mechanics và Survival, bên cạnh đó là lựa chọn thêm một số kỹ năng đặc biệt tùy theo từng nghề nghiệp.
Trò chơi có một hệ thống trang bị và vật phẩm phong phú. Tuy không có sự giới hạn về khả năng mặc trang bị cho từng nghề nghiệp nhưng người chơi nên căn cứ theo vai trò từng nhân vật mà trang bị chứ không nên lắp bừa bãi khiến nhân vật bị giảm sức mạnh. Bên cạnh đó, người chơi còn có thể sử dụng tính năng “Enchant” để gia tăng thêm sức mạnh cho vũ khí và giáp trụ, hoặc sử dụng tính năng Crafting để chế ra các loại thức ăn tăng lực, dược phẩm hay cuộn giấy phép.
Đi theo dòng nhiệm chính đến một giai đoạn nhất định, người chơi sẽ có được một thành lũy của riêng mình và bắt đầu sử dụng hệ thống “Stronghold”. Thông qua “Stronghold”, người chơi sẽ dùng tiền bạc để xây dựng nên một căn cứ với đầy đủ tiện nghi, cho các nhân vật phụ thực hiện một số nhiệm vụ ngoài lề, hay chinh phục địa điểm “endless path” đầy thử thách…
Đồ họa và âm thanh
Đồ họa theo kiểu bom tấn bóng bảy chưa bao giờ là thế mạnh của các sản phẩm thể loại CRPG. Nói như vậy không có nghĩa Pillars of Eternity có đồ họa xấu tệ hại. Game được xây bằng dựa trên một phiên bản Unity Engine có chỉnh sửa, kết hợp các mô hình nhân vật 3D di chuyển trên những môi trường 2D với một phong cách thiết kế có phần u tối và độc đáo.
So sánh với khâu hình ảnh có chút lỗi thời, phần âm thanh và âm nhạc trong game lại được thực hiện rất tốt. Các bản nhạc bối cảnh có lúc du dương, có lúc lại rất kịch tính để phù hợp với từng bối cảnh hay chiến đấu. Các đoạn hội thoại được thể hiện hay, có cảm xúc và lôi cuốn người chơi.
Kết
Tổng thể mà nói, Pillars of Eternity xứng đáng là một trong những sản phẩm RPG xuất sắc nhất năm 2015. Trò chơi xây dựng nên một thế giới kỳ ảo rộng lớn với biết bao bí ẩn chờ người khám phá, sở hữu hệ thống chiến đấu đậm tính chiến thuật và nhiều tính năng gameplay rất có chiều sâu, khiến người chơi có thể tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm mà không hề nhận ra.
Mặc dù có khiếm khuyết về phương diện đồ họa và tồn tại một số lỗi nhỏ, nó là một người kế nhiệm tuyệt vời cho những tên tuổi kinh điển ở thế hệ trước, là một món ngon dành cho cả những người chơi thế hệ mới lẫn người chơi thích “hoài cổ”.
>> Resident Evil Revelations 2 Review: Ông vua kinh dị thức tỉnh