- Theo Trí Thức Trẻ | 09/03/2015 0:00 AM
Dịch câu chữ tiếng Anh sao cho thật thoát ý, làm việc với khối lượng text lớn kết hợp cùng rất nhiều công đoạn kĩ thuật diễn ra trước và sau đòi hỏi am hiểu về phần mềm máy tính – Đó là những lý do vì sao Việt hóa trò chơi điện tử không phải công việc đơn giản. Thế nhưng hàng ngày vẫn có những nhóm game thủ đang âm thầm thực hiện công việc ấy, với mục đích duy nhất là phá bỏ rào cản ngôn ngữ giữa những tựa game hấp dẫn và cộng đồng người chơi trong nước.
Gần đây, nếu theo dõi thường xuyên chắc các bạn cũng đã biết tới một số dự án game Việt hóa thực hiện bởi nhóm RomHackingVN được giới thiệu trên GameK, bao gồm Resident Evil 6, Life is Strange. Phần vì tò mò về hoạt động, mục tiêu, phương hướng của nhóm, phần vì muốn mang đến cho độc giả cái nhìn sơ qua về công việc Việt hóa game, chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn với trưởng nhóm – anh Trần Bảo Quốc.
PV: Xin chào, anh có thể giới thiệu sơ qua về bản thân mình được không ạ?
Mình tên đầy đủ là Trần Bảo Quốc, sinh năm 1989 hiện đang phụ trách việc biên tập cho một công ty chuyên về quảng cáo truyền hình.
PV: Anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh đến với công việc Việt hóa game không?
Vốn ưa thích tìm tòi khám phá, mình coi Việt hóa game giống như một thú vui để kích thích đầu óc. Ban đầu là những tựa game mà mình ưa thích, sau đó mở rộng dần ra. Mục đích của nhóm là muốn tất cả mọi người đều có cơ hội thưởng thức các tựa game hay dù không biết tiếng Anh.
Ngoài ra, Anh Quốc còn chia sẻ ước mơ thời nhỏ là học lập trình để xây dựng game dành cho người Việt, dù vậy như bao người trong số chúng ta, thực tế lại đưa anh đến với một công việc không hề dính dáng gì tới trò chơi điện tử.
PV: Hiện tại nhóm dịch bao gồm bao nhiêu thành viên và mất trung bình khoảng bao lâu để thực hiện một dự án?
Có khoảng 10 thành viên chủ chốt, đến với nhau hoàn toàn vì đam mê, thậm chí còn chưa hề gặp mặt nhau ngoài đời. Bản thân mình phụ trách tất cả mảng kĩ thuật trong khi các bạn còn lại lo việc dịch, kêu gọi thêm người cộng tác và tổ chức nhóm. Mỗi tựa game mất từ 3 tháng tới nửa năm tùy vào mức độ phức tạp.
PV: Nhóm ngại nhất là thể loại game nào?
Khó khăn nhất là các tựa game phi tuyến tính với cốt truyện rẽ nhánh khiến cho việc dịch gặp khó khăn vì không có ngữ cảnh để đối chiếu câu thoại, chưa kể khối lượng text cũng rất nhiều.
PV: Anh có thể nói qua về các công đoạn cơ bản trong việc Việt hóa một tựa game được không?
Đầu tiên người phụ trách kĩ thuật cần phải tìm đến vị trí chứa text và font chứa trong hệ thống file của game, tiếp đến là giải mã, cài đặt thêm font chữ tiếng Việt. Tiếp đến, các câu thoại cần phải được sắp xếp theo trình tự hợp lý để sau nay thuận tiện cho việc ghép trở lại, xong xuôi mới giao phần văn bản cho nhóm dịch thuật. Sau khi kiểm tra và biên tập nội dung, bước cuối cùng là đóng gói để đăng tải bản patch tiếng Việt lên.
PV: Xem chừng rất công phu và tốn thời gian. Việc Việt hóa đã bao giờ ảnh hưởng tới công việc hay cuộc sống của anh hay chưa?
Đúng là kể từ khi bắt đầu Việt hóa game, mình đã không còn thời gian để mà chơi game nữa. Sau khi kết thúc công việc vào ban ngày là lập tức lại tiếp tục với những dự án dịch. Ngoài việc hay bị vợ cằn nhằn vì suốt ngày ngồi máy tính ra thì cũng không có vấn đề nào cả [Cười].
PV: Anh còn nhớ tựa game đầu tiên mà nhóm thực hiện không?
Là LEGO the Movie. Tựa game này có phong cách ngộ nghĩnh và rất gần gũi, nó cũng là tựa game mà em trai mình ưa thích.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Trần Bảo Quốc cho biết anh muốn hướng dẫn các thành viên hiện tại trong nhóm có thể tự mình phụ trách những dự án riêng biệt để giảm bớt cường độ công việc, đồng thời đẩy năng suất thực hiện những tựa game Việt hóa lên cao hơn.
PV: Được biết nhóm RomHackingVN còn nhận tiền quyên góp từ phía cộng đồng game thủ. Vậy anh đánh giá thế nào về mức độ ủng hộ đối với các dự án của mình?
Thành thật mà nói số tiền quyên góp mà nhóm nhận được không nhiều, có lẽ chỉ đủ ăn vặt [Cười]. Dù vậy, việc Việt hóa vốn xuất phát từ đam mê nên mình cũng không quan trọng việc này, toàn bộ tiền nhận được từ Donate mình thường trao cho các thành viên tích cực, hoặc sử dụng để mua tài khoản trên các trang lưu trữ online.
Một chi tiết thú vị khác mà anh tiết lộ, đó là logo của nhóm RomHackingVN trên Facebook mang ý nghĩa khá đặc biệt chứ không chỉ để cho vui. Hình người nông dân tay cầm controller tượng trưng cho mong muốn biến các tựa game hay trở nên gần gũi hơn với người Việt, đặc biệt là bộ phận những người dân nơi thôn quê. Đó cũng là lý do tại sao anh Quốc nhất định lựa chọn cung cấp tấm hình có nền là đồng lúa phía sau cho chúng tôi, mặc dù có nhiều ảnh khác trông “ngầu” hơn.
PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian và chúc nhóm RomHackingVN ngày càng phát triển với nhiều dự án game Việt hóa hơn để mang tới cộng đồng game thủ nước nhà!
Hy vọng qua cuộc phỏng vấn với anh Trần Bảo Quốc – trưởng nhóm RomHackingVN, các bạn đã hiểu được phần nào đam mê mà anh cùng những thành viên khác dành cho game. Quyên góp, tham gia vào đội ngũ dịch, ủng hộ bằng những lời động viên hay đơn giản là giới thiệu sản phẩm của họ tới bạn bè, đó là những cách thiết thực mà bạn có thể nghĩ tới để giúp cho nhóm Việt hóa tiếp tục phát triển.
>> Trải nghiệm Life is Strange với cốt truyện Việt hóa