Thành công vừa qua của
Darksiders II có một phần không nhỏ nhờ có sự xuất hiện của hệ thống lên cấp, cây kĩ năng, đồ đạc cũng như một thế giới mở rộng lớn, những yếu tố khiến nó được đánh giá cao hơn người tiền nhiệm vốn chỉ là một tựa game thuần hành động.
Điều đó khiến tôi chợt băn khoăn rằng, tại sao những tựa game hiện đại ngày nay, dù là bắn súng, hành động hay chiến thuật, dù ít hay nhiều cũng đều có sự hiện hiện của những yếu tố thuộc thể loại nhập vai? Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất game lại làm như vậy. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số lợi thế mà việc pha trộn này mang lại cho một trò chơi.
Tạo sự đa dạng trong gameplay
Đã qua rồi cái thời mà game vẫn còn được thiết kế và sản xuất theo kiểu "của ai người ấy dùng". Bắn súng thì chỉ có run and gun, chiến thuật thì xây nhà đẻ quân, phiêu lưu bắt người chơi gãi cằm giải đố,... Những tựa game chuyên biệt như thế nếu như không thực sự xuất sắc trong lĩnh vực của mình (như những tựa game esport chẳng hạn) xếp sẽ khó lòng mà giữ chân được người chơi bởi đã là người thì ăn một món mãi kiểu gì rồi cũng sẽ nhàm, mà món càng chán thì quá trình này diễn ra lại càng nhanh hơn.
Hệ thống perk trong các game FPS mang lại nhiều lựa chọn hơn trong lối chơi.
Vậy nên các nhà sản xuất đã nghĩ ra một cách đơn giản để khắc phục điều đó: pha trộn yếu tố của thể loại nhập vai. Bằng việc thêm vào hệ thống kĩ năng cho một tựa game bắn súng, người chơi sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong lối chơi: tốc độ hoặc chậm rãi, tấn công hay hỗ trợ,.. Đó chính xác là những gì mà các tựa game bắn súng ngày nay đã làm như Call of Duty hay Battlefield.
Một tựa game chiến thuật vốn đa dạng trong lối đánh, nhưng sẽ ra sao nếu thêm vào cho mỗi bên một hero với các kĩ năng có khả năng xoay chuyển thế trận? Hãy nhìn vào Warcraft III và bạn sẽ có câu trả lời. Ngay cả những tựa game thể thao như PES hay FIFA cũng đã học tập từ xu hướng này và cho phép người chơi vào vai một cầu thủ yếu ớt vô danh và rèn luyện anh ta "bá đạo" dần theo thời gian bằng việc tăng các chỉ số thích hợp trong chế độ Become a Legend hay Be A Pro.
Warcraft III đã rất thành công với ý tưởng thêm vào các hero trong trận chiến.
Nâng cao giá trị chơi lại
Không thể phủ nhận là trong tất cả các thể loại game thì nhập vai là dòng game luôn tiêu tốn của của người chơi một lượng thời gian khá lớn để có thể hoàn thành. Tất nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ khác, nhưng không nhiều. Dù là JRPG hay WRPG, gần như lúc nào bạn cũng sẽ phải bỏ ra vài chục tiếng đồng hồ cho một tựa game nhập vai. Một phần nguyên nhân đó là do giá trị chơi lại của thể loại này rất cao. Có thể bạn muốn đưa các nhân vật của mình lên cấp độ cao nhất, tìm được những item "khủng" nhất hay lay hoay tìm cách tiêu diệt một con boss nào đó... Tất cả những điều đó khiến cho người chơi luôn có lý do để bật máy lên và dán mắt vào màn hình nhiều giờ liền mà không cần phải suy nghĩ, mặc dù có thể họ đã tìm hiểu hết cốt truyện chính của trò chơi.
Thế giới rộng lớn của Darksiders II khiến người chơi nán lại để khám phá.
Và các nhà sản xuất game ngày nay cũng đã rất tinh ý và áp dụng ngay điều này vào mọi thể loại chứ không riêng gì RPG. Lấy một ví dụ như Borderlands chẳng hạn, nếu như là một tựa game bắn súng bình thường, chắc chắn nó sẽ không thể đạt được thành công như vậy với một cốt truyện khá mờ nhạt. Thế nhưng bù lại thế giới rộng lớn cùng với hệ thống súng ống đa dạng đã làm rất tốt trong việc giữ chân người chơi, thôi thúc họ tiếp tục cày cuốc để đạt được những item mạnh nhất cho nhân vật. Hoặc nếu mới chỉ chơi qua một lần, họ sẽ tò mò và thử hết các class còn lại để xem các lớp nhân vật kia có gì "hot".
Thử các class khác hoặc theo đường build mới.
Tạo chiều sâu cho cốt truyện
Một ưu điểm rất hay của WRPG so với JRPG đó là sự ảnh hưởng đến cốt truyện từ những hành động của chính người chơi. Quyết định giúp một NPC nào đó, phiêu lưu đến địa danh X hay giữ lại theo mình item Y chứ không bán... Tất cả những điều bạn làm sẽ phản ánh lên nhân vật mà mình đang điều khiển, và cuối cùng dẫn đến những kết cục khác nhau. Không giống như JRPG, bạn không còn bị bắt buộc lúc nào cũng phải đóng vai một anh hùng tốt long lanh óng ánh mà có thể cư xử như là chính mình, một tên bịp bợm đê tiện, CDSHT chẳng hạn. Nó giúp cho người chơi cảm thấy họ thật sự đang "chơi" chứ không phải "diễn" một vai nào đó.
Được phép lựa chọn những gì mình làm - đi đến kết cục tương ứng.
Áp dụng rất thành công yếu tố này có lẽ phải nhắc đến Deus Ex: Human Revolution - tựa game hành động góc nhìn người thứ nhất của Eidos. Một cốt truyện dài hơi với nhiều lựa chọn, dẫn đến những kết thúc khác nhau cùng với sự sống chết của các nhân vật. Người chơi sẽ có cơ hội tìm hiểu về những nhân vật mà mình gặp trên đường đi, dù quyết định giúp đỡ hay từ chối, họ cũng đều có cảm giác nhân vật mình đang điều khiển là một con người chứ không phải là một cỗ máy chỉ biết bắn và giết.
Trên đây là những gì mà bản thân người viết đưa ra để giải thích vì sao xu hướng làm game ngày nay thường chứa đựng một chút gì đó của thể loại nhập vai. Có thể bạn đọc cảm thấy những điều nêu trên là không chính xác, và điều đó cũng rất có thể xảy ra vì bản thân tôi là một fan của RPG nên nhìn đâu cũng thấy "nhập vai". Vì vậy nếu có ý kiến gì, dù là khen hay chê đi chăng nữa, hãy đóng góp cho bài viết bằng những bình luận bên dưới.