Việc thu lợi nhuận từ việc bán các bản mod, skin hay vật phẩm tự tạo trong các sản phẩm do Valve phát triển như Team Fortress 2, DOTA 2, Counter Strike: Global Offensive đã không còn là điều gì xa lạ, nhưng mới đây Valve vừa cho phép game thủ có thể thực hiện điều tương tự với bất kì tựa game nào có trên hệ thống Steam, khởi đầu bằng cái tên rất phổ biến khi nhắc đến mod - The Elder Scrolls V: Skyrim.
Theo thống kê của Valve, kể từ năm 2011 đến nay đã có hơn 24.000 bản mod miễn phí được cộng đồng phát triển dành cho Skyrim, đồng thời số lượt tải về chúng lên tới 170 triệu. "Chúng tôi nghĩ rằng việc ủng hộ game thủ phát huy sức sáng tạo là điều đúng đắn cần làm đối với Steam Workshop. Những nội dung do người dùng tự phát triển đang ngày càng chiếm phần quan trọng trong tất cả các tựa game ngày nay, và việc hỗ trợ về mặt tài chính nhiều khả năng sẽ đưa lĩnh vực này lên một tầm cao mới. " - đại diện Valve cho biết.
Vào đầu năm nay, Valve cũng tiết lộ rằng họ đã chi trả hơn 57 triệu USD chỉ để dành cho các nội dung do cộng đồng phát triển trên Steam Workshop như item trong DOTA 2, CS:GO. Ngay sau khi luật lệ mới được áp dụng, trên Steam cũng lập tức xuất hiện các bản mod tính phí dành cho Skyrim với mức giá phải chăng từ 0.25 đến 6 USD, thậm chí một số còn cho phép người dùng tự trả giá.
Ngược lại với những ảnh hưởng tích cực dễ thấy, việc cho phép thương mại hóa các nội dung tự tạo trên Steam cũng đi kèm một số bất cập tiềm ẩn. Ví dụ như chỉ sau ngày đầu tiên ra mắt, Valve đã phải xử lý trường hợp một game thủ lấy cắp sản phẩm của người khác và đem bán trên Steam Workshop. Như đề cập ở trên, chỉ tính riêng tựa game Skyrim đã có tới hơn 24.000 bản mod, vì vậy mà việc quản lý, kiểm soát những nội dung bày bán sắp tới chắc chắn sẽ là một bài toán đau đầu dành cho Valve.
>> Steam lập kỉ lục khủng về số lượng người dùng