Với một thời đại có giới truyền thông khó tính và hay soi mói như hiện tại, hầu như tựa game mới nào được tung ra đều có thể bị đánh giá là sao chép, là bắt chước một cách trắng trợn những tựa game khác trong quá khứ. Nhưng dù sao cũng phải công nhận một điều, một ý tưởng tốt không phải bao giờ cũng dễ dàng xuất hiện và đôi khi những cái tên có nhiều thâm niên trong làng game cũng phải “học hỏi” ý tưởng các đối thủ cạnh tranh của mình.
Sự sao chép không phải bao giờ cũng xấu. Đôi khi, những tựa game “bắt chước” này lại có thể thừa hưởng và hoàn thiện được những gì mà người tiền nhiệm không thể làm được. Sau đây là danh sách những game như vậy.
Sleeping Dogs dựa trên GTA IV
Sự giống nhau: Một game là tượng đài của thể loại sandbox thế giới mở, game kia là một kẻ cạnh tranh đáng gớm với bối cảnh là thế giới tội ác ở Hong Koong. Cả 2 đều cho người chơi khả năng roaming cực tự do cùng với ngôn ngữ tục tĩu và đều rất bạo lực. Tuy vậy, GTA IV và Sleeping Dogs không mang đến cho người chơi cảm giác tùy tiện, bốc đồng như series Saints Row, mà thay vào đó là một sự nghiêm túc trong các nhiệm vụ cũng như triết lý của game.
Sự tiến bộ: Sleeping Dogs tuy ra đời chậm hơn đối thủ của mình tận 4 năm, nhưng cũng đồng thời mang đến những luồng gió mới rất tuyệt vời, những ý tưởng mà thậm chí cho đến bây giờ vẫn chưa có game nào có thể thực hiện một cách hoàn thiện hơn (bao gồm cả “anh đại” GTA V). Sleeping Dogs đã giới thiệu một hệ thống checkpoint không thể hoàn hảo hơn, khả năng restart dễ dàng cùng một hệ thống combat được học hỏi từ hệ thống chiến đấu không thể chê vào đâu được của series Arkham. Ngoài ra, nhân vật chính Wei Shen của game cũng có thể hoạt động một cách thoải mái, tự do hơn bộ 3 Niko, Luis và Johnny, nhờ vào hệ thống free-running đơn giản cùng cơ chế cướp xe mang tính giải trí khá cao.
Socnic Racing Transformed lấy ý tưởng từ Mario Kart 7
Sự giống nhau: 2 game này đều là những tựa platform rất nổi tiếng, và cùng nhau bước lên đường đua với những chiếc xe tí hon màu sắc sặc sỡ. Cả 2 game đều sử dụng một hệ thống drift được xây dựng dựa vào boost, và rất nhiều loại vũ khí khác nhau. Tất cả các nhân vật nổi bật của cả 2 thương hiệu đều có mặt, không phân biệt bạn hay thù, chỉ hướng tới một mục tiêu duy nhất: Vị trí dẫn đầu trong cuộc đua.
Sự phát triển: Mặc dù không có vẻ ngoài bóng bẩy như người anh em của mình nhưng Sonic & SEGA All-stars Racing: Transformed vẫn có nhiều cải tiến đáng nhắc đến. Từ một hệ thống minigame đa dạng, hấp dẫn đến sự xuất hiện của các power-up mới lạ, độc đáo. Không chỉ vậy, nhìn vào cái tựa dài ngoằng của game, bạn có thể nhận ra game còn mang đến một bất ngờ thú vị: mỗi chiếc xe có thể biến hình thành 3 loại hình vận chuyển khác nhau, cho phép người chơi vừa có thể bay lượn trên bầu trời, vừa có thể lướt vi vu trên mặt nước.
Mortal Kombat 9 phát triển từ Street Fighter 4
Sự giống nhau: 2 tựa game đánh nhau hạng nặng này đều nổi lên từ hồi đầu những năm 90. Nhìn chung, Street Fighter có nhiều thử thách về kỹ năng hơn so với Mortal Kombat. Bù lại, dòng MK lại dựa vào những pha đánh nhau đẫm máu thuần chất bạo lực để thu hút fan. Mặc dù 2 series này hướng đến những mục tiêu rất khác nhau nhưng có vẻ như MK đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách với những ưu điểm của SF.
Sự phát triển: Ở thời điểm hiện tại, thì MK vẫn còn phải làm rất nhiều điều mới có thể trở thành đối thủ xứng đáng của Street Fighter. Tuy nhiên, có một bộ phận của series này mà gần như không thể bị đánh bại: cốt truyện. Trong khi hầu hết các đối thủ cạnh thường tìm cách pha trộn một cách vội vã những tiểu sử của từng nhân vật khác nhau để tạo thành cốt truyện, thì MK (2011) lại đưa ra một kịch bản riêng biệt hấp dẫn và có tính liên kết rất cao. Không phải tự nhiên mà các đoạn clip YouTube kết hợp các cutscene của game lại được hàng triệu lượt view từ khắp thế giới.
Tomb Raider (2013) được phát triển từ Uncharted 3
Sự giống nhau: Cặp đôi nhân vật chính của Tomb Raider và Uncharted 3 giống như hoàng đế và hoàng hậu trong thế giới săn lùng cổ vật. Cả 2 game đều xoay quanh một nhà thám hiểm mạo hiểm mạng sống của mình trong cuộc hành trình truy tìm những báu vật thời cổ xưa, với rất nhiều những trận đấu súng, những màn giải đố và những vượt qua những địa hình đầy thử thách. Series Tomb Raider đã đặt viên gạch khởi đầu cho thể loại này, nhưng chính series Uncharted đã mang thể loại game thám hiểm tỏa sáng rực rỡ trên những thế hệ máy chơi game thời đại mới. May mắn thay, các fan hâm mộ cũng không phải chờ đợi quá lâu trước khi cô nàng Lara quay trở lại với một bản reboot không thể tuyệt vời hơn.
Sự phát triển: Từ vị thế bị bắt chước thành một kẻ đi bắt chước, sự trở lại của Tomb Raider 2013 là một lời đáp trả xứng tầm cho chuyến phiêu lưu của Nathan Drake. Những tiến bộ của tựa game này hơi khó nhận ra nhưng cũng không phải ít. Thế giới Yamatai của Tomb Raider ít mang tính tuyến tính hơn và khác xa với những chapter độc lập của Uncharted và điều đó mang đến hiệu quả tự do khám phá cao hơn hẳn.
Ngoài ra, hệ thống phần thưởng và upgrade của game cũng giúp cho gameplay có thêm chiều sâu và mang lại cho người chơi sự hưng phấn. Về phần cốt truyện, hoàn cảnh của Lara khá trầy trật và khổ sở (ít nhất là vào đầu game), khác hẳn với Drake – vượt qua mọi nguy hiểm và thử thách một cách “bảnh bao” cứ như một ngôi sao phim hành động vậy.
Dead Space phát triển dựa trên Resident Evil 4
Sự giống nhau: Resident Evil 4 đã khai sinh ra thể loại bắn súng góc nhìn từ-bên-trên-vai, hay nói cách khác, kiểu game hành động tốc độ chậm với góc nhìn khá gần với góc nhìn người thứ 3. Cơ chế này đã thể hiện rõ tính hiệu quả đối với những game hành động và kinh dị. Dead Space của EA là ví dụ tốt nhất cho khẳng định này. Cũng như RE, phiên bản đầu tiên của Dead Space lấy bối cảnh một thế giới cô lập và kì lạ, với một dịch bệnh bí ẩn đang lan tràn khắp mọi nơi. Các nạn nhân mắc phải bị biến thành những con quái vật ghê tởm với những chiếc xúc tu sắc bén mọc xung quanh cơ thể. À, ngoài ra còn có bàn tay mờ ám của một hội nhóm đen tối nào đó.
Sự phát triển: Cũng như nhiều game khác trong danh sách này, nhà phát triển của Dead Space có khá nhiều thời gian để phát triển từ những ý tưởng của Residen Evil. Với thời gian dài như vậy, Dead Space có những cải thiện đáng kể so với người tiền nhiệm của mình, như hệ thống chặt chém cực kì đã tay, cho phép người chơi có thể cắt xén tứ chi của kẻ địch theo đủ kiểu, hay loại bỏ đi những nhiệm vụ hộ tống chán ngấy và phiền phức.
Vanquish lấy ý tưởng từ Gears of War
Sự giống nhau: Nếu như Resident Evil 4 đã mang đến một hướng đi mới cho thể loại bắn súng góc nhìn người thứ 3, thì dòng Gears of War lại tối ưu thể loại này tiệm cận đến sự hoàn hảo. Hoàn hảo theo cái kiểu phô trương, nặng về hành động. Vanquish xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2010, mang theo mình rất nhiều điểm tương đồng với GOW. Sự giống nhau từ một đám chiến binh men lì đầy cơ bắp, cho đến lối chơi bắn súng dựa nhiều vào vật chắn.
Người chơi được đưa đến chiến trường trong những bộ giáp chiến đấu tối tân, chống chọi lại tầng tầng lớp lớp những tên địch dai dẳng và khó chịu. Những trận combat tầm xa thỉnh thoảng sẽ được thay thế bằng những trận đấu boss cũng như những màn đánh cận chiến đầy nguy hiểm nhưng cũng cực kì đã tay.
Sự phát triển: Chỉ gói gọn trong một chữ: Tính cơ động. Khi mà Marcus Fenix và đồng đội của mình vẫn phải cắm đầu cắm cổ chạy bộ trên chiến trường thì Sam Gideon của Vanquish lại có một giải pháp khác nhanh chóng hơn nhiều. Bộ giáp God’s Augmented Reaction Suit cho phép anh lướt đi nhẹ nhàng như một cơn gió.
Đồng thời, công nghệ này còn cho người chơi khả năng chuyển sang chế độ bullet time trong một thời gian ngắn, đủ để tỉa tót ngắm bắn, hạ gục kẻ địch rồi quay lại cover an toàn chỉ trong nháy mắt. Một khi bạn đã được tận hưởng cảm giác “lả lướt” với bộ ván trượt có gắn động cơ tên lửa, thì việc phải ngồi thu lu sau cover cũng không phải là một cảm giác dễ chịu cho lắm.
Okami được phát triển dựa trên The Legend of Zelda
Sự giống nhau: Chỉ cần thay đổi thế giới Hyrule bằng Nhật Bản cổ đại, chàng Link khiêm tốn bằng sói thần Amaterasu, và bạn sẽ có ngay được công thức tựa game Okami của Capcom. Cũng như Link, chú sói này cũng được giao trọng trách tiêu diệt một tên ác quỷ cổ xưa, một kẻ địch bí ẩn và hùng mạnh muốn tàn phá, vấy bẩn toàn bộ thế giới. Đồng thời, cả 2 nhân vật này đều không bao giờ thực sự nói gì cả, hầu hết chỉ dựa vào những người bạn đồng hành mau mồm mau miệng mới có thể trao đổi với thế giới bên ngoài.
Sự phát triển: Thích chất sôi động của Zelda hay kiểu màu nước đầy cách điệu của Okami hơn, đó là tùy vào gu của mỗi người. Ngoài ra, về kịch bản, nhân vật và cách dẫn dắt của mỗi tựa game cũng rất khó để so sánh. Ai hơn ai, hay chỉ là khác biệt nhưng cân bằng? Tuy nhiên, về mảng combat thì Okami lại có một số cải thiện quan trọng hơn.
Ví dụ, những tùy chọn cận chiến đa dạng và sâu hơn nhiều, cho phép người chơi thực hiện khá nhiều những combo khác nhau cùng hệ thống các đòn đánh tầm xa hơn hẳn so với skill bắn ná cũ rích của Link. Ngoài ra còn phải nhắc đến Celestial Brush, một cơ chế khuyến khích người chơi tự vẽ hình ảnh lên màn hình để cast một phép thuật đặc trưng nào đó. Tất cả những điều này tạo nên một hệ thống chiến đấu thú vị hơn hẳn so với series Legend of Zelda.
>> 6 tựa game nên có chế độ FPS sau GTA V