Năm 2014 tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của thị trường game với hàng loạt bom tấn đều đồng loạt ra mắt và có sự cải tiến lớn về chất lượng đồ họa, âm thanh, gameplay ngày càng phong phú đa dạng.
Thế nhưng dù ở bất cứ thời điểm nào, vẫn luôn tồn tại những bom xịt trong bởi chất lượng của trò chơi không được như người chơi mong muốn. Dưới đây là danh sách những tựa game gây thất vọng nhất kể từ năm 2000 được tổng hợp dựa trên các tiêu chí: PR quá lố, cơ chế gameplay tồi, đồ họa xấu...
Watch Dogs
Watch Dogs rõ ràng là một trong những cái tên được săn đón nhiều nhất trong làng game năm 2014. Nhưng phải công nhận rằng, nó không đạt được nhiều thành công mà hãng Ubisoft đã mong đợi trước đó.
Đầu tiên, nhiều người chơi đã mua sẵn các thiết bị máy chơi game next-gen (PS4, Xbox One) rồi đặt hàng ngay Watch Dogs từ trước với mong muốn được là người đầu tiên sở hữu game này vào dịp nghỉ lễ 2013. Nhưng như truyền thống của Ubisoft, Watch Dogs lại bị lùi lại tới tận 27/5 vừa qua, điều này đã gây ức chế cho một bộ phận không nhỏ người chơi.
Tiếp đến, những tưởng việc trì hoãn Watch Dogs sẽ khiến cho Ubisoft có nhiều thời gian để hoàn thiện chất lượng của trò chơi hơn, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Chất lượng đồ họa tụt hậu so với những gì được đem ra giới thiệu dù chạy trên các hệ console, PC ưu việt nhất, Watch Dogs lại khiến người chơi vô cùng thất vọng. Xem ra Ubisoft đã hơi quá tay trong khâu PR khiến cho kì vọng về Watch Dogs bị đội lên mức gần như không thể đáp ứng được.
Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty
Series game Metal Gear Solid đã đơn độc làm nên tên tuổi cho nhà thiết kế Hideo Kojima, nhưng cũng chính nó đã làm xấu hình ảnh của ông sau khi phiên bản Metal Gear Solid 2 ra mắt.
Với tựa game đầu tiên, Kojima mang đến người chơi một siêu điệp viên Snake tài năng, quả cảm. Thế nhưng sang đến Metal Gear Solid 2, huyền thoại này lại bị thay thế bởi một anh chàng ẻo lả sở hữu vóc dáng mảnh khảnh, mái tóc bạc kim giống y như những nhân vật trong phim hoạt hình Nhật có tên Raiden.
Kojima giải thích sự thay đổi này nhằm hướng tới sự mới mẻ, phá cách để trải nghiệm Metal Gear Solid được hấp dẫn hơn, thế nhưng đa phần những fan của Metal Gear Solid đều không hài lòng trước quyết định này. Kết quả như chúng ta đã biết là Snake trở lại trong vai trò nhân vật chính trong các phiên bản sau này, đồng thời Raiden cũng buộc phải lột xác trở thành một cyborg ninja với diện mạo "manly" hơn ở Metal Gear Solid 4.
Uncharted 3
Uncharted 2 được đánh giá là một trong những trò chơi hay nhất mọi thời đại, một thành tựu mang tính bước ngoặt cho loại hình giải trí tương tác. Thậm chí, hãng Naughty Dog còn “ăn theo” danh tiếng của trò chơi mình tạo ra bằng cách làm một bộ phim điện ảnh cùng tên để công chiếu trong các rạp phim.
Và nếu như Uncharted 2 ghi lại dấu ấn của mình trong tâm trí người chơi bằng những pha hành động cận chiến mạnh mẽ, những pha đấu súng nghẹt thở trên chiếc xe jeep đang lao đi vun vút trên đường... thì đáng tiếc, Uncharted 3 lại không tiếp nối được thành công đó.
Uncharted 3 buộc người chơi phải chiến đấu trong bối cảnh một con tàu đang bị chìm, với nhịp độ chậm hơn hẳn so với người tiền nhiệm. Không có nhiều cải tiến cộng thêm công tác PR có phần quá lố của Naughty Dog đã khiến cho Uncharted 3 không thực sự tạo được ấn tượng thường thấy ở một sản phẩm độc quyền dành cho PlayStation.
Dead Island
Mở đầu bằng phong cách slow-motion cùng diễn biến theo trình tự thời gian đảo ngược ấn tượng, một cô bé đã qua đời sau khi biến đổi thành zombie và ngã từ độ cao khủng khiếp từ một tòa nhà cao tầng. Cùng lúc đó, người cha của cô cũng đang phải rất vất vả chống chọi lại với lũ zombie đang ùa vào căn phòng đông đúc hơn bao giờ hết... những thành viên trong gia đình lần lượt bị cắn. Không quá đáng khi nói rằng tất cả game thủ trên thế giới đều đã bị “lừa” sau khi xem xong đoạn trailer mở màn của Dead Island trước khi nó ra mắt.
Dead Island Trailer.
Người chơi hy vọng vào một cốt truyện cảm động đầy ý nghĩa, gameplay độc đáo, hình ảnh, âm thanh sống động bao nhiêu thì cái mà họ nhận được lại trái ngược bấy nhiêu. Hệ thống chiến đấu đơn điệu khi từ đầu tới cuối game bạn chỉ có việc chặt chém, nã đạn vào lũ zombie mà không hề có điểm nhấn nào đáng chú ý. Cốt truyện của trò chơi chẳng hề chứa đựng cảm xúc nào mà thay vào đó là mô típ chính phủ->thí nghiệm->thất bại->thảm họa zombie đã bị "xào" quá nhiều hiện nay.
Devil May Cry 2
Devil May Cry được đánh giá như một tựa game hành động đỉnh cao nhờ hệ thống đòn thế đa dạng, nhịp độ chiến đấu nhanh tới nghẹt thở và để tiếp nối thành công này, Capcom quyết định làm... chậm nó xuống.
Trong Devil May Cry 2, người chơi tiếp tục vào vai Dante, chàng thợ săn quỷ lạnh lùng với mái tóc bạch kim đặc trưng trông rất ngầu. Tuy nhiên các chiêu thức chiến đấu và điều khiển Dante trong Devil May Cry 2 lại khác hẳn với phần đầu tiên. Chậm chạp, rời rạc, dập khuôn là những tính từ chính xác để miêu tả một trong những hậu bản gây thất vọng lớn nhất làng game từ trước đến nay.
Vì quá vội vàng cho ra mắt phiên bản tiếp theo với mục tiêu thu về lợi nhuận sau thành công rực rỡ của Devil May Cry, Capcom đã phải trả giá khi hình ảnh Dante bị xấu đi phần nào sau tựa game đáng thất vọng này. May mắn là sau đó, hãng game Nhật đã biết sửa sai với hai phiên bản 3 và 4 vẫn luôn được nhắc tới như những trò chơi hành động chặt chém chất lượng nhất sau nhiều năm ra mắt.
>> Top 10 game chặt chém hấp dẫn nhất mọi thời đại