Nếu được yêu cầu liệt kê danh sách 10 trò chơi để đời của mình, bạn sẽ chọn những tựa game nào?
Có người sẽ chọn cả một list dài các series game mình yêu thích vì chẳng đủ “tàn nhẫn” để chỉ chọn có 10. Những người khác lại có một danh sách mà mỗi khi nhìn vào, bạn có thể nhận ra cá tính và tuổi thơ của họ. Một vài người lại để lại chữ game cùng với quá khứ của hai mươi năm trước với những cái tên như Mario, Contra hay Tank.
Xét cho cùng, câu hỏi được nêu ra đầu bài không nhằm mục đích cân đo xem trò chơi nào mới xứng đáng được gọi là “để đời”. Nếu như với mỗi người lại có một quan điểm khác nhau về giá trị của trò chơi điện tử thì... thà đừng hỏi còn hơn. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta khi “kết nối” với nhau bởi game là để chia sẻ.
Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về chữ “để đời”. Bài viết này cũng xin mạn phép lạm bàn về hai chữ có trọng lượng đó chứ không đề cập sâu vào game. Vậy “để đời” là gì? Giá trị của trò chơi điện tử có thể không tỉ lệ thuận với tuổi thọ con người nhưng nó lại đi cùng với những thời điểm mà bạn được cười đùa thỏa thích hay chuyên tâm theo đuổi một giá trị - ở đây nó là trò chơi điện tử.
Để rồi một ngày khi chúng ta đi tới những thành phố mới, gặp những con người mới, làm những công việc mới và nhìn lại, trong quá khứ hiện rõ một chữ “game”. Để rồi bạn không còn nghĩ đến điều gì khác ngoài thao thao chia sẻ những kỉ niệm và cảm xúc của mình về khoảng thời gian mà bản thân còn gắn bó với trò chơi điện tử.
Với những game thủ trẻ, có thể bạn còn chẳng thèm quan tâm đến lí do mình chơi game. Mặc dù vậy, đến mọi ngày, khi giá trị của quá khứ trở về với con người của thực tại, bạn sẽ cảm thấy trân trọng khoảng thời gian mình từng có với chuột, bàn phím, gamepad và màn hình. Chẳng ai thấm được chữ “để đời” nếu chưa từng sống một cuộc đời.
Mọi giá trị sẽ thay đổi theo thời gian nhưng vẫn có những thứ mà bạn sẽ muốn tập cho bạn gái hay con gái của mình chơi đầu tiên. Và cũng đừng hỏi vì sao lại có những ông bố đưa con trai mình đến một buổi hòa nhạc mà người ta chơi toàn các bản kinh điển trong Star Wars. Nếu nhìn vào đó, mọi người sẽ có một sự mường tượng mơ hồ về chữ “để đời”. Nó cũng là cả một ước mơ, một hoài bão và một lý tưởng mà bạn sẽ truyền cho con cháu.
Có một người từng nói: “Những lúc phải đọc những mẩu tin về tác hại của trò chơi điện tử, việc xã hội đổ lỗi cho những khởi nguồn của tệ nạn là game tôi thật buồn! Cái “trò chơi điện tử” mà họ nói không phải là thứ tôi từng biết. Ít nhất, với game tôi có cả một tuổi thơ. Có thể những thứ còn lại được coi là bất hạnh nhưng làm người nên biết tôn trọng chính cuộc đời mình và có trách nhiệm xây dựng nó trở thành một thứ có giá trị!”
Hãy nhớ lại câu hỏi ở đầu bài. Nếu được yêu cầu liệt kê danh sách 10 trò chơi để đời của mình, bạn sẽ chọn những tựa game nào? Một câu trả lời hay là một câu trả lời có lý do. Đừng đưa ra những danh sách vô hồn bởi mọi người sẽ chẳng hiểu bạn là ai qua danh sách đó. Hãy chia sẻ, đừng chỉ biết thể hiện!
Nếu chỉ liệt kê ra những danh sách “vô hồn” thì chẳng khác nào bạn đang đeo nghe, đi giữa đường phố giờ tan tầm và mặc kệ dòng đời, dòng xe có đang cuốn mình trôi đến đâu. Chỉ cần mở lòng thêm một chút, chia sẻ nhiều hơn một chút, bạn sẽ không phải làm người duy nhất nói về một trò chơi mà bạn thấm thía những giá trị mà nó gửi gắm.