“Troll” là một khái niệm phổ biến trên internet hiện nay, ám chỉ hành động cố tình trêu tức người khác để mua vui. Ngay cả trong những tựa game lớn được game đánh giá là khá nghiêm túc, đôi khi nhà sản xuất cũng thêm vào những màn “troll” người chơi không thương tiếc. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy thử điểm qua một vài tình huống như vậy.
GTA V
GTA V không hẳn là một tựa game nghiêm túc, nhưng những tình huống bạo lực mà đỉnh điểm là cảnh tra tấn của Trevor ở giữa game đôi lúc cũng khiến người chơi lặng người. Xuyên suốt chiều dài trò chơi Rockstar luôn khuyến khích người chơi tận hưởng vai trò của một tên tội phạm đùa giỡn với mọi thứ thì với những tình huống như vậy, mọi sự hài hước bỗng dưng tắt ngấm.
Bù lại, chúng ta thường xuyên có thể thấy được sự hài hước của đội ngũ phát triển trong GTA V, điển hình như nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải lái tàu ngầm thu thập đủ 30 mảnh bằng chứng dưới đáy biển. Sau hàng giờ mò mẫm khắp Los Santos, người chơi nhận được vỏn vẹn 10 USD phần thưởng, đó là lúc Rockstar đang cười vào mặt chúng ta.
Metal Gear Solid 2
Hideo Kojima từ lâu đã nổi tiếng là nhà thiết kế game thích troll người chơi, và danh tiếng ấy xuất phát từ Metal Gear Solid 2. Sau phần đầu thành công vang dội, các fan hâm mộ đều mong chờ được tiếp tục vào vai điệp viên Solid Snake quả cảm đầy nam tính trong Metal Gear Solid 2. Dù vậy sau đoạn mở đầu ngắn với Snake, toàn bộ phần còn lại của game người chơi phải vào vai Raiden - một anh chàng ẻo lả như con gái với mái tóc bạch kim dài.
Các fan thoạt tiên rất thất vọng vì tưởng rằng sẽ được điều khiển Snake trong cả game. Thật may, Metal Gear Solid 2 vẫn là một tựa game tuyệt vời và nhanh chóng xoa dịu được sự phẫn nộ trước đó hướng vào Hideo Kojima. Tuy nhiên, nhà thiết kế này vẫn chưa "chừa" khi tiếp tục chọc tức fan hâm mộ với Metal Gear Solid 3, nếu chọn “Tôi thích Metal Gear Solid 2” thì trước khi HALO nhảy khỏi máy bay ở đoạn đầu game, Snake sẽ mang chiếc mặt nạ Raikov và có diện mạo giống hệt Raiden.
Batman Arkham Asylum
Những màn troll trong dòng game Batman tuy không nhiều nhưng đều rất chất lượng và liên quan tới cốt truyện. Khi lần đầu hít phải khí gas độc của Scarecrow, game có vẻ như bị crash và khởi động lại, chỉ tới khi khuôn mặt Joker xuất hiện trên màn hình người chơi mới biết mình vừa bị lừa. Trong khi đó, những game thủ Xbox 360 mới thực sự thót tim vì những gì xảy ra y hệt như hiện tượng máy bị dính lỗi vòng tròn đỏ chết chóc vậy (Red Ring of Dead).
Nhưng trò tinh quái nhất của Rocksteady chính là tạo một căn phòng bí mật có bản đồ thành phố Arkham, bối cảnh phần tiếp theo của Arkham Asylum. Địa điểm này được giấu một cách tinh vi tới mức không ai tìm ra nó.
Eternal Darkness
Bên cạnh thanh máu truyền thống, game sở hữu một thanh đo mức độ “minh mẫn” (sanity meter) mà sẽ bị tụt dần nếu người chơi chạm trán những sinh vật ghê rợn mà không làm gì. Khi độ minh mẫn xuống quá thấp, nhân vật sẽ phát điên, camera quay cuồng và máu rỉ ra từ những bức tường. Nhưng không chỉ có vậy, Eternal Darkness khiến cả những game thủ ngồi trước màn hình phải phát điên.
Game khiến cho người chơi nghĩ màn hình TV bị tắt, cố tình tự hạ âm lượng hoặc tắt luôn tiếng. Sau một trận chiến không thể chiến thắng, toàn bộ màn chơi sẽ bắt đầu lại và tất cả những gì vừa xảy ra hóa ra chỉ là ảo giác. Trong Eternal Darkness, thật khó để quyết định nên làm gì hay không làm gì. Cách game trêu chọc người chơi đầy ác ý rất giống với phong cách của Joker, chỉ có điều tàn nhẫn hơn.
Diablo III
Những fan kì cựu của dòng game Diablo đã phản ứng mạnh mẽ khi biết Blizzard tuyên bố sẽ cho cầu vồng vào khung cảnh Diablo III. Cũng đúng thôi, ai mà chịu được ý nghĩ việc những chiếc cầu vồng xinh đẹp sẽ xuất hiện trong dòng game lấy đề tài về Địa Ngục?. Để đáp lại phản ứng có phần trẻ con này, Blizzard đã tạo một màn chơi ẩn có tên Whimsyshire.
Giống như tên gọi của nó, Whimsyshire là một vùng đất rất dễ thương. Ngoài cầu vồng, nơi đây còn có sự hiện diện của đám mây ngộ nghĩnh, gấu bông, kỳ lân. Người chơi phải tìm được những item nhất định để vào được màn chơi này, và sau đó họ có thể tha hồ tàn sát những cư dân đáng yêu ở đây. Whimsyshire là câu trả lời đầy kiêu hãnh của Blizzard với game thủ: “Làm gì với game là quyền của chúng tôi.”
DmC: Devil May Cry
Chẳng ai còn lạ gì phản ứng của fan dòng game Devil May Cry khi bản reboot do Ninja Theory đảm nhiệm công bố. Chỉ đạo sản xuất Tameem Antoniades còn đổ thêm dầu vào lửa khi phát biểu rằng Dante cũ không ngầu chút nào. Hành động đó thực sự không hề khôn ngoan, khi mà những nhà phát triển khác như Sucker Punck (dòng game inFamous) đều thiết kế lại nhân vật theo nguyện vọng của fan.
Tuy nhiên không dừng lại ở đó, Antoniades cùng đồng nghiệp còn làm một cảnh game trong đó Dante đâm sầm vào một cửa hiệu quần áo và bị một bộ tóc giả trắng phủ lên đầu khiến anh ta trông giống hệt nhân vật cũ. Sau khi nhìn vào gương, anh ta tỏ vẻ ghê tởm và vứt bộ tóc đi. Không phủ nhận tính hài hước của Ninja Theory, nhưng hy vọng họ sẽ lắng nghe fan hơn sau khi nhìn lại doanh số ảm đạm của DmC.
Penn and Teller’s Smoke and Mirrors
Điều đáng buồn là game này chưa bao giờ được phát hành. Game dự định ra mắt để quảng bá dòng xe hơi Saturn đời 1995, tuy nhiên nhà phát hành Absolute Entertainment phá sản ngay trước đó. Mini game mang tên Desert Bus có lẽ là màn troll khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành game. Trong chế độ này, người chơi phải lái xe từ Tuscon, Arizona tới Las Vegas, Nevada, một cuộc hành trình dài 8 tiếng đồng hồ mà không có checkpoint nào cả.
Không chỉ có vậy, mặc dù đường thẳng tắp nhưng chiếc xe luôn có xu hướng đâm sang phải nhằm ngăn người chơi đè nút ga xuống và AFK. Đoán xem? Chỉ cần xe đi chệch khỏi đường, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ Tuscon. Kết thúc chuyến đi, người chơi chỉ ghi được một điểm duy nhất, và nếu lựa chọn lái ngược về Tuscon thì sẽ ghi thêm điểm thứ hai.
Ghouls ‘n Ghosts
Đôi khi trò đùa tuyệt nhất lại xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất. Ghouls ‘n Ghosts vốn nổi tiếng về độ khó khi mà chỉ cần bị đánh trúng hai phát là nhân vật sẽ chết, do vậy vượt qua hết năm màn chơi không hề đơn giản. Tuy nhiên sau khi tiêu diệt trùm cuối, người chơi buộc phải đi lại từ đầu.
Đây là mánh từng được nhiều game áp dụng, bao gồm cả Castlevania: Symphony of the Night, trong đó người chơi phải đi lại game với tất cả các màn bị lộn ngược. Tuy nhiên với một game cực khó như Ghouls ‘n Ghosts, buộc phải chơi lại từ đầu có lẽ là trò đùa tàn nhẫn nhất.
Assassin’s Creed 4: Black Flag
Dòng game Assassin’s Creed luôn biết cách đùa với cảm xúc của game thủ. Trong Assassin’s Creed 2, có những chi tiết ẩn như mực khổng lồ, tục chặt ngón tay hay Ezio là người phát minh ra món latte (cà phê sữa). Tuy nhiên phần 4 của series chứa những màn troll tinh quái nhất.
Ở phần chơi trong thế giới tương lai của Black Flag, người chơi có thể tìm thấy tài liệu ghi chép về những địa điểm và thời kì cho “Dự án Abstergo”. Bối cảnh của tất cả phiên bản Assassin’s Creed trước đó đều xuất hiện trong danh sách, và cả những địa điểm mới rất có khả năng là bối cảnh cho các tựa game sau này như Nhật Bản.
Bằng cách này, Ubisoft đã châm ngòi cho những cuộc tranh cãi, dự đoán bối cảnh cho các bản Assassin's Creed mới trong cộng đồng fan hâm mộ mà chẳng mất chút công sức "khích bác" nào. Dù vậy, hiện tại chắc ai cũng đều biết rằng tựa Assassin's Creed tiếp theo sẽ diễn ra ở London thời kì Victoria.
>> 10 kĩ năng có thể học được từ chơi game