Sau phần đầu tiên với những tựa game nặng về tính cạnh tranh cũng như nguy cơ gây khản cổ cao, trong bài viết này chúng ta sẽ đến với một số cái tên nhẹ nhàng hơn thường được các game thủ lựa chọn để giải trí trong khi chờ các "chiến hữu" vào trận tiếp theo (ngoại trừ StarCraft).
Grand Theft Auto: Vice City
Thật sự trong cái giai đoạn hoàng kim của “cảnh cướp” và “đế chế” kéo dài nhiều năm trời cho tới khi phai nhạt dần và gần như bị thay thế bằng các tiệm net với game online, rất ít quán game sở hữu Vice City hay các phiên bản kế cận của dòng Grand Theft Auto. Đơn giản một điều rằng Counter Strike hay Age of Empires thời đó chỉ cần một cỗ máy cấu hình trung bình để chạy được và cũng chỉ yêu cầu thêm một máy tính trong góc phòng nào đó để “lập mạng”. Không cần gì nhiều và các tướng lĩnh hay lực lượng cảnh sát, chống khủng bố có thể tham gia vào các đấu trường riêng cùng bè bạn.
Trong khi đó, để có thể chạy được một tựa game Sandbox (mặc dù có lẽ đa số chúng ta thời đó chẳng biết tới hộp cát là cái gì) với diện tích cực kỳ rộng lớn được game thủ Việt Nam biết tới đầu tiên như Vice City cần một cấu hình trội hơn so với mặt bằng trung của các tiệm game thời bấy giờ. Vì thế để kiếm một hàng có Vice City và có ông, bà chủ hồ hởi với khuôn mặt không đăm đăm khi tính tiền là khá hiếm.
Bất chấp những khó khăn đó, Vice City đền đáp lại cho những game thủ yêu quý mình là cái cảm giác tự do khó tả, bay nhảy trong một cái thế giới với xe tăng cán qua lũ lượt cảnh sát, bắn tung trực thăng hay Bazooka, súng máy đứng trên nóc nhà càn quét, thậm chí là vài dòng mã cho các bạn gái hàng ngũ rồng rắn chạy theo. Có lẽ ai cũng phải công nhận rằng Vice City ở tiệm game thời bấy giờ với nhiều người là cheatcode và chạy loanh quanh để lên sao hơn là quan tâm tới nhiệm vụ hay cốt truyện lằng nhằng.
Megaman X4
Một tựa game vốn đã được coi là kinh điển của làng game thế giới chứ không riêng gì các quán net ở Việt Nam - Megaman X4. Mặc dù 2 người anh em của nó là X3, X5
cũng có phiên bản dành cho PC, nhưng không hiểu vì lý do gì mà X4 lại được yêu thích hơn cả.
Từ các game thủ lớn tuổi cho đến lũ nhóc tập tành chơi game, chẳng có ai là không biết đến cuộc phiêu lưu của 2 chảng robot X và Zero. Nếu như một số người tìm đến Megaman trong lúc chờ đợi vào trận như đã nói ở trên thì lại có những game thủ "nhí" vào quán chỉ để chơi game này, điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của X4. Tiệm game nào thời đó không có Megaman X4 thì quả thật là một thiếu sót bởi nó phổ biến tới mức ai cũng thuộc làu làu từng vị trí chứa đồ nâng cấp cũng như mã ăn gian lấy Ultimate Armor và Black Zero. Thậm chí hiện nay chúng ta vẫn có thể bắt gặp nó một cách tương đối dễ dàng, chỉ có điều chẳng mấy ai còn chơi nữa mà thôi.
Ai còn nhớ cheat nào?
Thêm một điều đáng buồn đó là series Megaman hiện nay cũng đã không còn được phát triển thêm phiên bản mới nào nữa. Mặc cho các fan có kêu gào thế nào đi chăng nữa, Capcom vẫn "giả điếc" trước yêu cầu được gặp lại bộ đôi Maverick Hunter của họ. Có lẽ sau sự ra đi của ông Keiji Inafune, hãng phát triển này đã gặp khó khăn trong việc phát triển Megaman hoặc đơn giản là không muốn mạo hiểm với nhân vật được coi là biểu tượng của mình.
Bejeweled
Trải qua thành công cực lớn với hai phiên bản 2 và 3, dẫn tới việc Popcap được mua lại với giá khổng lồ từ EA, dòng game này có lẽ lại tạo được nhiều dấu ấn hơn với game thủ Việt qua phiên bản thứ nhất. Sau những pha Headshot chuẩn xác hay lên đời với tốc độ thần sầu, game thủ chúng ta sẽ không quên được những giây phút nghịch kim cương hay bắn trứng mặc dù ngắn ngủi những rất thoải mái này.
Bejeweled gây không được nhiều chú ý với game thủ thời điểm đó những nó cùng với “sâu”, với “trứng”, lại là các tựa game phổ biến nhất được chủ hàng chọn cài sau Counter Strike hay Age of Empires thời đó. Đơn giản, nhẹ nhàng, dễ cài đặt và không cần biết cấu hình nặng nhẹ ra sao, Bejeweled để lại những cảm giác thư giãn tuyệt vời tách biệt hoàn toàn với những súng đạn, dao kiếm của các tựa game cùng loại. Hoặc ít ra nó không gây được nhiều cảm xúc với game thủ nam, thì có lẽ cũng gây được cảm tình ít nhiều với các bóng tóc dài hiếm gặp.
StarCraft
Sở dĩ cả 2 phần của bài viết đều không đề cập tới những tựa game kinh điển như AoE hay Counter Strike đơn giản là vì chúng vẫn còn "kinh" cho tới tận bây giờ với số lượng người chơi đông đảo và giải đấu được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên một huyền thoại khác cùng thời với chúng lại không được may mắn như vậy, đó chính là StarCraft - tượng đài RTS của Blizzard.
Được thiết kế rất cân bằng về sức mạnh của cả 3 chủng tộc, thế nhưng với lối chơi "phát triển" của đại đa số người chơi Việt Nam thời đó, thế chân vạc này đã bị phá vỡ khi 2 chủng tộc Protoss và Zerg tỏ ra có ưu thế rõ rệt trên các map full tiền và gas cũng như mass unit. Bộ luật "cấm bay cấm tàng hình" được áp dụng cũng làm cho gameplay đa dạng của trò chơi bị thui chột đi rất nhiều. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc StarCraft không được ưa chuộng bằng AoE tại các quán net và dẫn tới mai một sau này.
Lối chơi "lấy thịt đè người" thịnh hành ở các tiệm game.
Nói gì thì nói, StarCraft cũng đã mang lại những giờ phút hết sức vui vẻ cho nhiều người chơi vào thời kì còn thịnh hành của mình cũng như đạt được thành công nhất định với tư cách một bộ môn esport. Sau hơn 1 thập kỉ làm mưa làm gió và với sự ra đời của hậu duệ StarCraft II, âu việc huyền thoại chiến thuật này "đi về nơi an nghỉ" cũng là điều tất yếu.