Những huyền thoại offline một thời ở quán game

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 14/10/2012 0:00 AM

Liệu bạn có đủ "già" để nhận ra tất cả chúng?

Nhắc đến việc chơi game ngoài hàng net hiện nay, chúng ta thường nghĩ tới 2 nhóm: một bên là những trận DotA (hay bất kì game MOBA nào khác), AoECS nảy lửa. Nhóm còn lại là những người chơi game online. Nhưng trước đây khi mà internet còn chưa phổ cập, bước vào một quán game chúng ta có thể thấy tương đối đa dạng nhiều trò chơi khác nhau, đồng thời là các trận đấu LAN kèm theo tiếng hò hét om sòm. Những tựa game ngày ấy giờ đây đã không còn hoặc cũng không phổ biến như trước nữa, đem lại cảm giác buồn "man mác" mỗi khi nhớ về chúng. Liệu trong số những cái tên sau đây, có tựa game nào khiến bạn nhớ lại thời oanh liệt xưa kia của mình?
 
Quake II
 
Trước khi Counter Strike xuất hiện, có thể nói Quake II đã từng thống trị các tiệm game thời bấy giờ. Phát hành vào năm 1997, tựa game FPS của Id Software với đồ họa 3D đẹp mắt (tất nhiên là với tiêu chuẩn 15 năm trước) cùng các loại vũ khí độc đáo như trong phim khoa học viễn tưởng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người chơi. Những trận đấu súng multiplayer liên tục diễn ra, và bản đồ nổi tiếng nhất thời đó nếu người viết không nhớ nhầm đó là The Edge.
 
nhung-huyen-thoai-offline-mot-thoi-o-quan-game
Nếu đã chơi Quake II, chắc chắn bạn sẽ nhận ra map này.
 
Đã hơn một thập kỉ trôi qua, nhưng âm thanh chát chúa phát ra từ khẩu Railgun, những quả rocket xé gió bay đi hay tiếng "loong coong" của cây Grenade Launcher vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm trí người viết, và những ai đã từng trải nghiệm Quake II cùng bạn bè vào thời đó chắc hẳn cũng sẽ cảm thấy như vậy. Những tràng cười sảng khoái khi nhìn đối thủ "banh xác" dưới tay mình (nghe có vẻ bạo lực nhưng đồ họa thời đó chưa đủ đẹp để khiến người ta ghê rợn), tiêu diệt được ai đó bằng lựu đạn cầm tay, lầm bầm chửi rủa khi có người chọn model xe tăng... đó là một trải nghiệm thật sự đặc biệt.
 
Worm Armageddon
 
Đồng hành cùng Quake II phải kể đến đó là tựa game chiến thuật của hãng Team 17 - Worm Armageddon. Nếu như Quake II hấp dẫn người chơi, đặc biệt là lứa tuổi "thiếu nhi" nhờ vào những màn hành động tốc độ cao, súng ống bắt mắt thì Worm lại hướng đến đối tượng người chơi lớn tuổi hơn khi đòi hỏi sự tính toán cũng như kinh nghiệm. Không khó để nhận ra sự hiện diện của trò chơi này với âm thanh dễ thương phát ra từ những chú sâu xen kẽ tiếng nổ đì đùng gây ra bởi các loại khí tài quân sự trong game.
 
nhung-huyen-thoai-offline-mot-thoi-o-quan-game
Không khó để nghe thấy những âm thanh "Stupid", "Chew on this!" vang lên ở các quán game thời xưa.
 
Cuốn hút là vậy, nhưng thời hoàng kim của Worm đã kết thúc với sự ra mắt của những tựa game chiến thuật khác hấp dẫn hơn như StarCraft hay Heroes 3. Hiện nay ở các quán net có lẽ chúng ta không còn bắt gặp ai chơi Worm qua mạng LAN nữa, họa chăng cũng chỉ là hứng thú nhất thời mà thôi.
 
Need for Speed 2
 
Hành động rồi chiến thuật, bây giờ là lúc để chúng ta đến với thể loại tiếp theo: đua xe. Tại Việt Nam, trong số các game multiplayer qua mạng LAN thì có thể đây là bộ môn ít được ưa chuộng nhất kể từ trước tới nay, nhưng Need for Speed 2 lại là một ngoại lệ.
 
nhung-huyen-thoai-offline-mot-thoi-o-quan-game
4 chiếc xe thông dụng nhất đó là McLaren, Ferrari, Ford và...?
 
Thường được chơi với chế độ knockout, 8 người chơi sẽ bắt đầu cuộc đua cùng với một số đối thủ khác do máy điều khiển. Người về đích chậm nhất ở mỗi map sẽ bị loại, nhưng họ sẽ không hoàn toàn văng khỏi game mà sẽ bị biến thành một chiếc taxi chậm như rùa bò kể từ chặng tiếp theo. Không rõ mục đích của nhà sản xuất là gì, nhưng những game thủ Việt Nam lại nghĩ ra một trò khá "quái chiêu" đó là chặn đường người chơi khác bằng taxi của mình. Càng về cuối, số lượng tay lái taxi càng tăng lên (do bị loại ở những chặng trước), và khi họ hợp sức để dàn hàng ngang tại các vị trí hẹp thì đúng là cực kì ức chế đối với những người đang trong vòng đua. Tuy vậy đây cũng chính là điểm mang lại nhiều tiếng cười và tạo ra sự cuốn hút cho Need for Speed 2.
 
Heroes of Might and Magic 3
 
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về trò chơi này, một cái tên gần như là "phải biết" đối với bất kì người chơi game nào. Mặc dù đã rất hấp dẫn ngay từ phiên bản đầu tiên, nhưng phải tới HoMM 3 series này mới thực sự tỏa sáng ở các tiệm game do sự cân bằng giữa các chủng tộc và cơ chế multiplayer được thiết kế thuận tiện hơn trước.
Để kết thúc một game HoMM 3 cần tương đối nhiều thời gian, đặc biệt là khi có sự tham gia của nhiều player, chính vì vậy mà hình ảnh các "chiến thuật gia" vừa chơi vừa kết hợp ăn uống thường khiến người ta nghĩ ngay đến HoMM 3 (tất nhiên là trước đây, còn hiện tại điều này đã chẳng còn gì xa lạ).
 
nhung-huyen-thoai-offline-mot-thoi-o-quan-game
Những hình ảnh đã quá đỗi quen thuộc.
 
Series HoMM tới nay đã ra tới phiên bản thứ 6, nhưng thật sự cái bóng mà HoMM 3 để lại trong tâm trí các game thủ Việt Nam vẫn còn quá lớn. Nhẹ nhàng, dễ nắm bắt nhưng lại cực kì chiến thuật trong từng đường đi nước bước, thỉnh thoảng vẫn có thể bắt gặp một nhóm người chơi HoMM tại các quán game nhưng không còn nhiều và thường xuyên như trước. Nguyên nhân có thể do sự xuất hiện của đầy rẫy các game online hoặc lớp người chơi mới không còn đủ kiên nhẫn và thời gian dành cho kiểu game này nữa. Dù sao kỉ niệm mà HoMM 3 để lại cũng sẽ khó có thể nào quên được đối với những ai đã từng say mê nó một thời.
 
(Còn tiếp)
Xem thêm:

top list