Đôi khi chúng ta nhớ mãi một bản nhạc, một bộ phim hay một cuốn sách không phải vì nội dung của nó quá xuất sắc mà bởi nó gắn liền với kỉ niệm trong quá khứ. Nằm trong hộc tủ kí ức, nơi chúng ta chỉ có thể thỉnh thoảng lấy ra ngắm nghía chứ không thể trải nghiệm lại, những thứ ấy trở nên có giá trị cao hơn hẳn.
Trò chơi điện tử cũng vậy. Nói về các tựa game trên hệ máy NES xưa kia chắc hẳn không ít người sẽ liên tưởng về những ngày tháng tuổi thơ không phải lo âu suy nghĩ, có thể thoải mái đắm chìm trong những cuộc phiêu lưu đầy mộng mơ. Nhưng hiện tại thì sao? Đối với những game thủ sinh sau đẻ muộn, liệu họ có nhìn nhận những tựa game này đẹp như chúng ta thấy? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận lại một số tựa game 4 nút nổi tiếng dưới một góc nhìn khách quan nhất có thể.
Battletoads (1991)
Battletoads là một tựa game nổi tiếng vì độ khó kinh khủng của nó, ngay cả khi game được phát hành ở thời kì mà hầu hết các trò chơi đều không dễ chút nào. Bạn điều khiển một chiến binh ếch vượt qua nhiều chướng ngại vật và kẻ thù trên hành trình giải cứu công chúa Angelica đang bị giam giữ.
Màu sắc chủ đạo của game là nâu và đen, điều này khiến cho đồ họa của Battletoads tỏ ra tối tăm và thiếu sức sống so với những trò chơi khác cùng thể loại, như Mario hay Ninja Gaiden. Thử tưởng tượng nếu trò chơi này được làm lại với công nghệ ngày này? Có lẽ nó sẽ nhợt nhạt giống như phiên bản Gears of War đầu tiên.
Âm thanh trong game cũng không mang điểm nào đặc sắc, thậm chí có thể nói là khá chán nếu chúng ta so sánh nó với Mega Man, Duck Tales hay Contra. Thay vì những giai điệu sôi động kích thích "máu" chiến trận của người chơi, Battletoads sử dụng tông nhạc nền tiết tấu chậm và mang vẻ bí hiểm. Kì lạ cũng phải thôi bởi dù sao người chơi đang điều khiển những con ếch đi đánh lộn trên các hành tinh xa lạ trong Battletoads cơ mà.
Dù vậy, phải công nhận rằng hệ thống chiến đấu và bản đồ trong game rất đa dạng vào thời điểm game ra mắt. Người chơi sẽ hiếm khi rơi vào tình trạng cảm thấy nhàm chán khi điều khiển chú ếch vượt qua vô số thử thách đòi hỏi những kĩ năng khác nhau, tất nhiên với điều kiện họ chưa đặt chân tới màn Turbo Tunnels và nếm trải sự ức chế khó tưởng tượng ở đó.
So sánh với những tựa game indie dạng đi cảnh hay "beat them up" ngày nay, nếu bỏ qua hạn chế về đồ họa và âm thanh thì Battletoads vẫn là một tựa game chơi khá ổn nếu như bạn đã quen với việc chết lên chết xuống liên tục.
Castlevania (1986)
Giới hạn về phần cứng, diện tích dành cho mô hình khiêm tốn hay lý do kĩ thuật nào đó, các nhà làm game thường xuyên lược bỏ phần mặt mũi của nhân vật trong các tựa game 4 nút xưa kia. Ngày nay khi nhìn vào những tựa game như vậy, chúng ta có cảm giác như đang điều khiển Slender Man trong lốt giả trang vậy. Thật kì lạ là 20 năm trước, chẳng có ai cảm thấy khó chịu về yếu tố này.
Hiệp sĩ Simon Belmont đến từ Castlevania là một nhân vật như vậy. Sở hữu khả năng chiến đấu thượng thừa, đáng tiếc gương mặt anh lại trắng phau không tì vết như vừa gặp Dracula ngay ở màn 1. Đồng thời môi trường xung quanh lâu đài ngài bá tước khát máu được chăm chút rất tỉ mỉ càng làm cho chi tiết này trở nên nổi bật hơn.
Tạm dừng việc lấy Simon ra làm trò cười, Castlevania quả thực là một tựa game nổi bật ở thời của nó. Âm nhạc ma mị nhưng vẫn cuốn hút, môi trường cùng kẻ địch được thiết kế tỉ mỉ, bạn có thể nhìn rõ từng chiếc xương sườn của xác khô trong hầm ngục - một điều rất đáng khen ngợi khi trên hệ máy 4 nút, hầu như bất cứ thứ gì chuyển động được đều nhòe nhoẹt như trang sách ngấm nước.
Còn ở thời điểm hiện tại? Xem ra Castlevania chỉ thích hợp với những fan lâu năm của dòng game. Cơ chế điều khiển hơi cứng nhắc cùng thời lượng không dài khiến cho nó tỏ ra lép vế với những tựa game khác như Super Mario Bros hay trilogy Ninja Gaiden.
Contra (1987)
Tuổi thơ các game thủ 9x hầu hết đều đã "kinh qua" tựa game huyền thoại này. Với đoạn mã cheat huyền thoại: Lên lên - xuống xuống - trái phải - trái phải - B A, ngay cả những chú nhóc vắt mũi chưa sạch cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ giải cứu thế giới trong Contra. Nhưng nếu chơi một cách nghiêm túc, ở thời điểm hiện tại xem ra Contra cũng thử thách không thua gì Dark Souls.
Nhiệm vụ của người chơi trong game không có gì khác ngoài đi từ trái sang phải và quét sạch màn hình khỏi bóng dáng kẻ thù. Nói thì dễ, nhưng khả năng cao bạn cùng đồng đội mới là bên nhận vài lỗ thủng trên người khi đứng trước làn mưa đạn của đối phương. Cơ chế spawn kẻ địch vô tận từ cả hai phía màn hình khiến cho người chơi khó mà thở nổi một khi đã bắt đầu Contra.
Đồ họa của Contra có thể nói là đẹp so với tiêu chuẩn game NES. Các màn chơi đa dạng và không bị lặp lại, hiệu ứng đạn thiết kế độc đáo, những con boss to lớn đi trước xu thế thời đại. Nhược điểm duy nhất mà Contra cũng như nhiều tựa game khác mắc phải đó là cơ chế kéo hình khi một người di chuyển lên phía trên làm đồng đội ở dưới bỏ mạng. Suýt chút nữa thì quên, hai nhân vật chính trong Contra cũng không hề có mặt mũi.
2015, chơi Contra cùng một người bạn đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa để đổi gió? Một ý kiến đáng suy nghĩ đấy chứ.
Double Dragon (1987)
"Chuyện tình tay ba" Double Dragon xưa kia cũng là tựa game rất được ưa chuộng khi trước máy điện tử đang có từ hai game thủ trở lên cùng niềm khao khát giải cứu thế giới sôi sục(trường hợp Double Dragon là cứu gái đẹp thì đúng hơn). May mắn cho trò chơi này là giới game thủ 20 năm trước rất dễ tính, bằng không nó đã bị ném vào sọt rác vì cơ chế điều khiển củ chuối của nó.
Có một khoảng delay nhất định giữa thao tác người chơi nhấn nút và nhân vật thực hiện hành động trên màn hình. Điều này làm việc điều khiển Billy hoặc Jimmy tỏ ra cứng ngắc và rất khó chịu. Những tình huống mà bạn cần phải nhảy qua vực trở nên căng thẳng không cần thiết, đồng thời các chiêu thức đòi hỏi bấm nhiều nút như đòn đá quay chẳng khác nào tra tấn các ngón tay.
May mắn hơn nhiều nhân vật game khác, anh em Billy và Jimmy ít nhất còn được họa sĩ vẽ cho khuôn mặt tượng trưng bằng ba vệt đen. Phông nền của các màn chơi có độ chi tiết ở mức trung bình, và nếu có gì đáng chê trách nhất về đồ họa Double Dragon thì đó là khiếu thời trang dở tệ của đám đầu gấu.
Có vô khối lựa chọn game beat them up hay hơn mà bạn có thể lựa chọn thay vì Double Dragon ở thời điểm hiện tại, từ cổ điển đến mới như Captain Commando, Ninja Rùa hay chính bản làm lại của Double Dragon trên Steam.
Duck Tales (1989)
Game ăn theo phim là dở? Nhiều khả năng là như vậy bởi ngay ở thời kì NES cũng đã tồn tại những sản phẩm tệ hại như Rambo của Acclaim. Duck Tales - tựa game phiêu lưu của Capcom phát hành năm 1989 dựa trên series phim hoạt hình cùng tên nổi lên như một trò chơi ăn theo hiếm hoi khẳng định tên tuổi của mình bằng chất lượng thực sự thay vì dựa hơi vào nguồn cảm hứng trên màn bạc.
Ngay ở thời điểm hiện tại, những giai điệu nhạc nền của Duck Tales vẫn đầy sức cuốn hút và đó là yếu tố giúp giảm bớt sự mệt mỏi của người chơi khi đối mặt với độ khó tương đối thử thách của trò chơi vào những năm 1989. Lối chơi của game đòi hỏi đồng thời sự khéo léo lẫn suy luận logic, điều mà nhiều tựa game platform ngày nay còn chưa thể hiện tốt bằng dù sở hữu đồ họa bắt mắt hơn.
Nói như vậy không có nghĩa đồ họa là yếu tố bị xem nhẹ ở Duck Tales. Được thiết kế theo phong cách hoạt hình, game mang đến những hình ảnh tươi sáng bắt mắt, chăm chút chi tiết ở phông nền lẫn môi trường trong game. Hầu hết các tựa game indie side scrolling ngày nay cũng chỉ sử dụng đồ họa đơn giản kiểu này để tiết kiệm chi phí, thậm chí còn kém hơn, vì vậy không quá khi nói rằng Duck Tales thích hợp như một trò giải trí nhẹ nhàng ở thời điểm hiện tại thông qua các phần mềm giả lập.
(Còn tiếp)
>> Mê cung ngẫu nhiên trong game được tạo ra thế nào?