Những hạt sạn đáng tiếc trong The Witcher 2

3Xu  | 22/05/2011 02:15 PM

Tuy là một game hay, nhưng The Witcher 2 vẫn có những “hạt sạn” đáng tiếc.

The Witcher 2 tuy mới chỉ ra mắt trong một thời gian ngắn những đã được cộng đồng người hâm mộ đón nhận hết sức cuồng nhiệt. Với một cốt truyện hấp dẫn được xây dựng công phu cùng những tình tiết thắt mở chi tiết, đồ họa đẹp mắt kèm với hệ thống chiến đấu đặc sắc, The Witcher 2 chiếm được cảm tình của người chơi rất dễ dàng. Tuy vậy, sản phẩm của CD Projekt vẫn sở hữu những điểm yếu đáng tiếc, ngăn cản cái tên này trở thành “siêu phẩm” thực sự.


Điểm đáng phàn nàn đầu tiên chính là hệ thống camera của game. Thay vì cho phép người chơi tùy chỉnh camera, phóng to thu nhỏ theo ý thích như phiên bản đầu tiên thì trong The Witcher 2, camera bị cố định tại góc nhìn ngang vai của Geralt. Điều này gây nhiều bất tiện cho người chơi, nhất là những ai không quen với tầm nhìn gần như vậy. 

Hơn thế nữa, tốc độ quay camera không thể điều chỉnh được cũng gây không ít phiền toái trong quá trình chơi, đặc biệt là những pha cận chiến trong không gian hẹp đòi hỏi người chơi phải xoay xở liên tục. Nếu như ít nhất thêm vào khả năng phóng to thu nhỏ thì có lẽ The Witcher 2 đã trở nên dễ chịu hơn nhiều.


Tiếp đến, đồ họa của game cũng là một yếu tố cần phải được cân nhắc nếu như The Witcher được tiếp tục phát triển. Được xây dựng tỉ mỉ, kĩ lưỡng, sở hữu những công nghệ tiên tiến của thư viện đồ họa DirectX 11, hình ảnh trong game rất đẹp, tuy vậy lại đòi hỏi cấu hình quá cao so với các game cùng thể loại, ví dụ như Dragon Age hay Fable III (hai tựa game RPG mới ra mắt trên PC). Việc lạm dụng hiệu ứng Bloom cùng Blur đôi khi tạo cảm giác khá khó chịu, nhất là những đoạn cắt cảnh khi lúc nào nền phía sau nhân vật cũng trở nên mờ ảo không cần thiết. 

Đối với nhiều người chơi game, The Witcher 2 gây nhiều phiền toái về mặt thị giác. UI (giao diện) của game cũng là một điểm đáng phàn nàn: quá đơn giản và thiếu thông tin, trong khi phiên bản đầu thì ngược lại, nhiều chi tiết thừa không cần thiết. Một tựa game như The Witcher 2 không cần thiết phải “nặng” đến như vậy bởi nếu như tinh giảm những yếu tố không cần thiết trong mặt hình ảnh thì CD Projekt đã có thể mở rộng hơn mặt nội dung cũng như những điểm hấp dẫn khác của trò chơi.


The Witcher 2 là một game RPG, tuy vậy nó lại thiếu đi phần chiến đấu nhóm, một trong những đặc trưng rất tiêu biểu của thể loại này. Có thể CD Projekt cảm thấy không cần thiết phải đưa vào yếu tố này nhằm đạt độ tập trung tối đa vào Geralt, nhưng cảm giác luôn phải lang thang một mình trong thế giới của game đôi khi không dễ chịu lắm, nhất là bên cạnh Geralt luôn có những bóng hồng xinh đẹp. 

Tất nhiên The Witcher 2 không đi theo hướng phát triển nhóm nhưng nhà phát triển vẫn có thể thêm vào đồng đội hoàn toàn do AI điều khiển nhằm tăng tính hấp dẫn cho trò chơi. Thậm chí người chơi có thể can thiệp ở một mức độ đơn giản vào kĩ năng, đồ đạc mà NPC sử dụng.


Hệ thống chiến đấu cũng nên được cải tiến trong phiên bản sau. Số lượng các kĩ năng mà Geralt sở hữu có thể nói là ít so với nhiều anh hùng trong các game RPG khác, nhất là về mặt phép thuật. CD Projekt không dựa nhiều vào hệ thống kĩ năng RPG kiểu cũ, đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của họ. 

Nếu như số lượng các kĩ năng của mỗi nhánh được tăng thêm từ 3 đến 4 kĩ năng thì hẳn chiến đấu trong The Witcher 2 còn đa dạng và hấp dẫn hơn nhiều rồi. Bên cạnh đó, số lượng các trận đánh trùm quá ít, và các con trùm không sáng tạo, tạo cảm giác thiếu thốn cho những ai đam mê thử thách. Nhà phát triển nên thêm vào nhiều hơn miniboss nhằm tăng tính đa dạng của kẻ thù trong game.

Tổng hợp