Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/07/2014 0:00 AM

Thi thoảng chúng ta lại bắt gặp những vụ kiện cáo có liên quan tới các hãng sản xuất game mà lý do nghe chẳng logic chút nào.

Game cũng như bao ngành công nghiệp phát triển khác tại Mỹ, ngoài những lo toan về việc làm sao kinh doanh cho hiệu quả ra còn luôn phải đề phòng nguy cơ ra hầu tòa bất cứ lúc nào, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng dù đề phòng đến đâu, đôi lúc họ cũng không thể tránh khỏi những vụ rắc rối với những lý do từ trên trời rơi xuống.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng nhìn lại 5 vụ kiện kì quặc nhắm tới các hãng game nổi tiếng.

Lindsay Lohan kiện Rockstar vì sử dụng hình ảnh trái phép

Hãy bắt đầu bằng vụ việc gần đây nhất. Nữ hoàng rắc rối Lindsay Lohan sau thời gian dài chìm nghỉm bất ngờ tái xuất với yêu cầu bồi thường từ phía Take Two và Rockstar Games, cho rằng hai hãng này đã sử dụng hình ảnh của mình để thiết kế nhân vật Lacey Jonas - cũng là một minh tinh nhiều tật trong thế giới GTA V.

Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

Điều đáng nói ở đây là sau thời gian dài ngập chìm trong rượu và chất kích thích, thật khó để ai đó nhìn Lindsay và nói rằng cô đang ở tuổi 28. Nghiện ngập cũng không phải là một điều hiếm thấy trong giới nghệ sĩ Hollywood và vì thế, Rockstar Games có vô số lựa chọn tốt hơn để lấy cảm hứng xây dựng nhân vật trong game. Hiện tại vụ việc vẫn đang được tòa án Los Angeles xem xét.

The Romantics và No Doubt kiện Activision vì vi phạm hình ảnh

Trong vòng 7 năm qua, Activision đã bị kiện bởi 2 nhóm nhạc và cùng có liên quan tới series game âm nhạc Hero của mình. Đầu tiên là The Romantics vào năm 2007 khi boyband này cho rằng bản cover ca khúc "What I Like About You" trong tựa game Guitar Hero quá... giống với nguyên gốc và không phù hợp với thỏa thuận kí kết trước đó.

Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

Tiếp đến là No Doubt - nhóm nhạc với nữ ca sĩ kiêm diễn viên Gwen Stefani lại bực tức vì người chơi có thể mở khóa những tấm hình đại diện với gương mặt các thành viên trong nhóm, sau đó sử dụng chúng để chơi tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Thế mới biết ở nước Mỹ không có lý do gì là không thể đem ra kiện được.

Time Warner bị kiện vì sử dụng meme trong game

Ở các trang web chế hình trên internet mà điển hình là 9gag, chúng ta có thể thấy phải tới gần phân nửa số lượng các bức hình đều có nội dung liên quan tới mèo, chứng tỏ ảnh hưởng của loài động vật này đối với cộng đồng mạng cũng tương đối ghê gớm. Và chính vì coi thường sức mạnh ấy mà Time Warner và 5th Cell - hai hãng chịu trách nhiệm sản xuất tựa game Scribblenauts đã phải trả giá.

Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

Đơn kiện Time Warner cùng 5th Cell được Christopher Orlando Torres và Charles Schmidt trình lên tòa án vào năm 2013 với lý do Scribblenauts đã sử dụng hai meme "Nyan Cat" (Chú mèo bay với dải cầu vồng phía sau) và "Keyboard Cat" (mèo chơi đàn) của họ mà chưa được cho phép. Vụ kiện tới nay vẫn chưa ngã ngũ, tuy nhiên việc hai tác giả trên đã đăng ký bản quyền hình ảnh trước khi Scribblenauts ra đời đang là tín hiệu xấu đối với Time Warner.

THQ bị kiện vì hình xăm... quá giống

Đồ họa bắt mắt từ trước đến nay luôn là một lợi thế dù trò chơi có thuộc bất kì thể loại nào, nhưng trong trường hợp của UFC: Undisputed thì ưu điểm này lại bất ngờ phản chủ.

Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

Cụ thể, tựa game này có sự tham gia của võ sĩ Carlos Condit - người có hình xăm sư tử được một nghệ nhân tên Christopher Escobedo thực hiện. Christopher sau đó đã đâm đơn kiện THQ vì lý do hình xăm của nhân vật trong game quá chi tiết và giống tới mức anh ta cảm thấy bị vi phạm bản quyền. Dù vậy THQ đã gặp may mắn khi tay nghệ nhân này chưa đăng ký cho thiết kế của mình vào năm 2010 khi UFC: Undisputed ra mắt.

Bên cạnh đó, hiện tại THQ cũng chỉ còn là dĩ vãng nên Christopher có lẽ cũng chẳng biết phải đòi tiền ai nữa.

Nintendo bị kiện vì hình ảnh Pokemon cầm thìa

Kadabra - Pokemon hệ tâm linh với đặc điểm nhận dạng đặc trưng là hai chiếc thìa bị bẻ cong ở hai tay, và ảo thuật gia nổi tiếng người Anh Uri Geller thì cho rằng Nintendo đã lấy ý tưởng đó từ chính "tuyệt chiêu" của mình.

Những đơn kiện hãng game kì lạ nhất

Vào năm 2000, Geller đâm đơn kiện Nintendo với lý do Kadabra hay tên gốc ở phiên bản Nhật là Yungerer dựa trên tên thật của anh mà chưa có sự thỏa thuận nào giữa hai bên. Bên cạnh đó, Geller còn cho rằng biểu tượng dạng ngôi sao trên trán Kadabra tượng trưng cho phát xít và điều này càng làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình hơn nữa. Không rõ hãng game Nhật Bản đã giải trình ra sao nhưng kết cục là họ không phải trả bất cứ khoản phí nào cho nhà ảo thuật kia cả.

Theo Gamesradar

>> Những màn cải trang vô lý nhất trong game