Cấp độ "gà mờ": Stencyl, GameMaker
Hãy bắt đầu ở cấp độ mà ai cũng từng trải qua. Đó là khi bạn chỉ có ý tưởng trong đầu về những màn chơi, bên cạnh đó bạn chẳng sở hữu bất kỳ kỹ năng gì, từ thiết kế đồ họa, lập trình mã game cho tới trí thông minh nhân tạo xuất hiện trong game. Khi đó, Stencyl hay GameMaker sẽ là công cụ phù hợp cho bạn.
Với Stencyl, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là kéo và thả những template có sẵn trong phần mềm để tạo ra những màn chơi cho phép người dùng thưởng thức ngay. Có thể nói, công cụ miễn phí này có thể đóng vai trò rất lớn để định hình tư duy làm game cho một người có đam mê, khi chỉ cần vài thao tác, người sử dụng đã có thể tự tạo ra cho mình một màn chơi theo ý muốn.
Lên cao hơn một chút là GameMaker. Đây cũng là một công cụ miễn phí với nhiều tính năng tương đồng với Stencyl khi cho phép game thủ tạo những màn chơi theo phong cách "kéo - thả" những vật thể có sẵn mà GameMaker cung cấp. Tuy nhiên phần mềm này được đặt ở "level" cao hơn so với Stencyl là do GameMaker cung cấp cho người dùng cả bộ công cụ code mã game để tạo ra những chế độ chơi như multiplayer chẳng hạn.
Tuy chỉ nằm ở mức độ dành cho "gà mờ", thế nhưng Stencyl hay GameMaker vẫn được sử dụng để thiết kế không ít game indie ấn tượng thời gian qua như Zuki's Quest hay Hotline Miami.
Cấp độ trung bình: Cocos2D
Cocos2D là một công cụ mã nguồn mở (miễn phí) dùng để thiết kế những tựa game 2D. Điều đáng chú ý chính là việc những sản phẩm được tạo ra thông qua Cocos2D có thể chạy trên rất nhiều nền tảng, từ PC, iPhone, Android, Mac hay thậm chí là chạy trên nền web.
Tuy nhiên một điều cần phải lưu ý là để sử dụng Cocos2D, bạn phải có được cho mình những kiến thức cơ bản về lập trình, vì phần mềm này hoạt động trên nền C++, và hỗ trợ một số ngôn ngữ lập trình khác như JavaScript hay Lua.
Tuy chỉ được sử dụng để lập trình những tựa game 2D đơn giản, thế nhưng không phải vì thế mà game được làm từ Cocos2D không nhận được sự đón nhận từ cộng đồng game thủ. Lấy ví dụ, tựa game được đánh giá là hay nhất trên iOS năm 2013 cũng như hàng loạt giải thưởng uy tín khác cũng trong năm đó, Badland, chính là một sản phẩm được tạo ra nhờ vào bộ công cụ phát triển game này.
Cấp độ chuyên nghiệp: Unreal, Unity, Source 2
Khi bạn đạt đến "cảnh giới" này, thì xin chúc mừng và chào mừng bạn đến với câu lạc bộ của những người chuyên nghiệp. Có lẽ sẽ là thừa thãi khi chúng ta cố gắng liệt kê những tựa game thành công sử dụng những nền tảng engine đình đám này.
Quay trở lại với câu chuyện làm game. Để hoàn thành một tựa game, những màn chơi, lập trình mã game hay ý tưởng chỉ là một góc rất nhỏ nếu xét tới quy mô của một sản phẩm hoàn chỉnh. Bạn còn cần tới đồ họa, âm nhạc, cùng rất nhiều thứ khác nữa. May mắn là những công cụ được đề cập ở đây có thể giải quyết rất dễ dàng mọi vấn đề nảy sinh. Vấn đề cuối cùng chỉ là kỹ năng và kinh nghiệm của bạn mà thôi.
Những engine game này hỗ trợ một cách tối đa những vật thể 2D cũng như 3D từ những công cụ như Maya, 3DS Max, Cinema 4D, Softimage,... Với những lập trình viên, những công cụ như Unity hỗ trợ khá sâu những ngôn ngữ lập trình như C#, trong khi Unreal thì ứng dụng C++.
Một lợi thế nữa, đối với Unity hay Unreal, bạn có thể làm game cho hầu hết mọi hệ máy đang có mặt hiện nay: PS4, Xbox One, PC, mobile, hay thậm chí là cả webgame nữa.
>> Xuất hiện lớp học dạy làm game mobile tại Việt Nam