Những cảm nhận đầu tiên về Need for Speed: The Run

Phêu  | 18/06/2011 02:00 PM

Khi nghe qua về ý tưởng của Need For Speed: The Run, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến Mirror's Edge kết hợp với game đua xe.

The Run là mẫu đầu tiên cho một phân nhánh mới của dòng game Need For Speed. Trong series này, người chơi sẽ vào vai một nhóm dân ưa mạo hiểm bị rơi vào một tình huống sống còn và phải chạy trốn vì sinh mạng của mình.
 
Truy đuổi họ là cả phe cảnh sát và bọn tội phạm được vũ trang đến tận răng. Một trong những tính năng chủ đạo của trò chơi là cuộc đào tẩu diễn ra cả trên xe và ngoài xe - khi không thể đừng được, người chơi có thể thoát ra khỏi chiếc xe mình đang cầm lái, vượt qua các dãy đường phố cho đến khi tìm được một chiếc xe mới.
 
 
Tại EA sao lại sử dụng một ý tưởng táo bạo như thế này cho một sản phẩm sẽ được phát hành vào dịp Giáng Sinh? Có lẽ bởi bất kì tựa game nào được phát triển bằng engine Frostbite 2 cũng bắt buộc phải có cả thể thao và súng ống cùng song hành? Tuy nhiên nếu như quan sát lại gameplay demo của trò chơi, bạn sẽ thấy đây vẫn là một bản Need For Speed chính thống như mọi phiên bản khác.
 
Ford Shelby GT500 Super Snake, khung là mẫu 2007
với logo Shelby nằm bên phải thay vì Mustang nằm giữa...
 
Các trải nghiệm ngoài ghế lái của người chơi không được khoáng đạt và tự do như cái tên của game gợi ý. Trên thực tế, người chơi gần như bị bắt buộc phải rời khỏi xe tại những điểm bắt buộc của cốt truyện và sau đó cũng gần như bắt buộc phải chui vào một chiếc xe khác.
 
Vẫn có chỗ cho các xung đột tay chân và giằng giật, tuy nhiên, là một tựa game arcade, mục tiêu duy nhất của game thủ NFS là cán đích càng sớm càng tốt - nhà phát triển Black Box cũng hiểu rất rõ điều này và họ viết các đoạn chạy tự do hoàn toàn là để kể câu chuyện của The Run.
 
 
Nhân vật chính của trò chơi là một tay đua bất đắc dĩ có tên Jack, bị buộc phải tham gia một cuộc chạy từ San Francisco đến New York. Ngay từ phần mở màn, anh chàng đã bị văng ra khỏi xe và phải bắt đầu chạy như bay.
 
Người chơi sẽ phải dậm nút X (PS3) hoặc A (Xbox 360) để tăng tốc, nhảy qua các chướng ngại vật... sau một chút "thể thao", Jack lập tức bị bao vây bởi cảnh sát và rơi vào một cuộc đụng độ nhỏ. Màn hình sẽ tiếp tục hiện ra các chỉ dẫn, và nếu như ấn không kịp, bạn sẽ bị tóm và phải chơi lại trường đoạn mở màn.
 
Porsche GT2 - sau thành công của GT3 RS tại Fast Five, hầu hết mọi người đều đồng ý dòng
Porsche 911 nên được lái bởi tội phạm hơn là các doanh nhân!
 
Nếu như tạm thoát khỏi tay cảnh sát và cướp được một chiếc xe của họ, bạn sẽ tiếp tục cuộc đua, nhưng lần này là với một chiếc trực thăng có gắn kèm súng máy hộ tống - đây không phải là khí tài của cảnh sát. Trong phần đua thứ hai này, ngoài việc lái nhanh và tránh khỏi xe cộ, bạn còn phải tránh luôn cả anh đèn pha của chiếc trực thăng, bởi vì một gã nào đó sẽ xả chì vào Jack nếu như bạn đứng dưới ánh đèn này khá lâu.
 
Mặc dù bạn sẽ không bị hạ ngay trong lượt đạn đầu tiên, phóng xe tốc độ cao trên đường đông với cơn mưa đạn 7.62 trên đầu không phải là điều người có lí trí nên làm, nhất là khi ở nhà...
 
Frostbite 2 - Hi vọng họ không mô phỏng đường đạn thật trong game đua xe?
 
Đó là những ấn tượng đầu tiên về Need For Speed: The Run - sản phẩm đua xe chủ lực của EA trong mùa nghỉ lễ năm nay. Đây cũng có thể coi là tựa game không phải bắn súng đầu tiên được làm bằng Frostbite 2 - sức mạnh đằng sau cỗ máy chiến tranh Battlefield 3.
 
Đồ họa và chất lượng vật lý của engine này là điều không phải suy nghĩ - bạn có thể thấy rõ trò chơi có đồ họa và cử động nhân vật chất lượng hơn hẳn các phiên bản trước. Tuy nhiên với những gì mà EA đang trưng bày, có lẽ người chơi nên chờ đợi một tựa game đậm đà tính giải trí hơn là đua tranh thực sự chuyên nghiệp.
 
Tham khảo tại Gameradar.