Hì hục cày level
Không cần phải bàn cãi về chuyện level quan trọng ra sao ở một tựa game nhập vai. Nó cho ta thêm chỉ số sức mạnh, nó cho ta thêm các chiêu thức, cho ta thêm các kỹ năng và khả năng tậu được những món vũ khí, giáp trụ manh mẽ hơn. Để hỗ trợ cho điều này, game nhập vai, đặc biệt là nhập vai hành động, thường phân chia thành các màn, các khu vực khác nhau với những loại quái có cấp độ cụ thể. Người chơi sẽ dần dần hạ gục những con quái này qua từng khu vực, với mức độ tăng từ cao tới thấp. Hết đám quái ở nơi này, ta chuyển tới đám quái ở nơi khác với thử thách cao hơn.
Vấn đề ở đây là mỗi màn chơi, mỗi khu vực như vậy chỉ thiết kế để người chơi tăng vài level vì càng lên cao, số điểm đỏi hòi càng lớn và đám quái ở nơi cũ không thể đáp ứng được. Nhưng những game thủ yêu thích phong cách chậm mà chắc lại liên tục cày ải mãi một màn chơi, một địa điểm, một loại quái hết lần này tới lần khác nhằm tận dụng hết số điểm kinh nghiệm ít mà dễ kiếm. Trước khi nhận ra mình đã làm một hành động lần thứ vài chục, chúng ta đã vô tình đánh mất cảm giác mạo hiểm và khám phá của game mất rồi.
Mỗi bước là một lần quick save
Lại một lần nữa câu nói “cẩn tắc vô áy náy” vang lên, và lần này nó đến với việc quick save trong game. Chức năng này giúp game thủ tiện lợi hơn trong việc chơi game mà không phải vào các lớp menu lằng nhằng, tránh cắt đứt cảm xúc game thủ đang lên khi trải nghiệm. Nhưng vì bản tính quá cẩn thận, rằng không thể biết 30 giây sau mình sẽ gặp phải chuyện gì hay quyết định sai một việc nào đó mà họ sử dụng quick save như là một thứ vũ khí lận lưng, phòng ngừa khi tình huống bất trắc.
Và cữ mỗi khi cảm giác nghi ngờ dấy lên trong lòng cũng như phân vân thứ gì trước mắt, game thủ liền nhớ ngay tới phím F5 thần thánh mà không biết rằng nó sẽ phần nào phân mảnh trải nghiệm nguyên bản của game. Chẳng thế mà đa số các tựa game bây giờ, không riêng gì các tựa trên hệ console, đã đều loại bỏ tính năng quick save lẫn save từng file truyền thống mà thay vào đó là hệ thống checkpoint đơn giản, vừa không phải ra vào menu mà cũng chẳng đánh mất trải nghiệm của game thủ.
Đập tất cả chum vại trên đường đi
Game nhập vai hành động có thể có một hoặc nhiều người anh hùng. Có thể có trùm cuối không phải là một gã quỷ vương. Có thể có một bối cảnh không phải thế giới sắp tận diệt. Nhưng không thể không có những cái chum hay vại cổ trên đường đi để game thủ mải mê đập phá trên đường đi. Chẳng phải mất công sức nhấp chuột, ấn tay cầm hay tốn máu với đám lâu la quái vật mà vẫn có những bộ giáp, có những món vũ khi hay một khoản tiền là lợi ích từ việc đập chum mang lại.
Nhưng chẳng lẽ game lại hào hiệp đến vậy, chẳng lẽ những nhà phát triển lại dễ dàng cho không game thủ chúng ta hàng chục cái vại, chum chứa đầy tiền trên đường đi. Thực tế ngay cả khi đã biết số tiền đập một tá chum cộng lại cũng khó bằng được một vài lần giết quái, nhưng dù thế chúng ta vẫn miệt mài đập tất cả chúng trên đường đi. Nó đơn giản chỉ là cái thú hay và thể hiện tinh thần hy vọng may mắn không bao giờ chết trong game thủ mà thôi.
Chỉ tập trung vào từng thứ một
Trong các game chiến thuật, sự bao quát chiến trường và tài quản lý quân đội vĩ mô cần thiết không kém gì việc nhanh tay lẹ mắt ở tầm vi mô. Phân bố các nhóm quân khác nhau, điều động viện binh ra nơi đang bị tấn công, sắp xếp việc thu thập tài nguyên, tính toán việc phát triển thêm đơn vị và xây dựng công trình là những thứ một game thủ luôn cần phải đáp ứng khi trải nghiệm một tựa chiến thuật.
Đến một thời điểm, game thủ sẽ tập hợp được một đội quân kha khá, với đủ chủng loại rất mạnh mẽ hỗ trợ nhau từ lính hạng nặng được nâng cấp, dàn xe tăng tối tân, đám người máy dai máu hay hỏa lực trên không từ vài chiến hạm khổng lồ... Ngay lúc đó, chúng ta sẽ gần như quên tất cả mọi chuyện và dồn toàn bộ sự chú ý vào binh đoàn trong tay, dẫn nó đi khắp bản đồ với mong muốn càn quét tất cả mọi thứ.
Nhưng trong khi đại quân đang giao chiến ở một đầu bản đồ thì ở tận cùng phía bên kia, chúng ta vô tình nhận ra một vài đơn vị khai thác đã đi đâu mất, một vài công trình biến mất không lý do và tổng hành dinh thì đang chớp đỏ lòm vì bị địch tấn công trên mini-map. Ngay cả với tình huống ngược lại, việc mải mê xây dựng công trình, chăm lo kinh tế thì tới một thời điểm, chúng ta cũng sẽ sớm nhận ra là đội quân vừa được lệnh tấn công vào căn cứ địch đã "bốc hơi" lúc nào không hay.
"Xỉ vả" đồng đội
Co-op là thuật ngữ dùng để chỉ chức năng hỗ trợ từ 2 cho tới 4 game thủ cùng tham gia trải nghiệm một tựa game nào đó. Chế độ này xuất hiện đầu tiên trên các máy Console mà tiêu biểu nhất có lẽ là Contra với máy SNES “bốn nút” và các phiên bản xuất xứ Trung Quốc. Mặc dù chịu cảnh kéo hoặc chia màn hình khó chịu, nhưng co-op vẫn luôn làm người ta nghĩ rằng cứ đông là vui vì còn gì thích thú hơn là cùng chiến đấu, sát cánh với vài đứa bạn của mình.
Nhưng thực tế, cho dù trong bất cứ thể loại nào, từ chiến thuật, hành động, bắn súng cho tới thể thao, co-op đôi lúc lại không được vui như mọi người vẫn nghĩ. Nếu ôm một tựa game bắn súng cùng thằng bạn mà ngoài đời vẫn thân thiết, anh em có nhau, thì chỉ sau khoảng 10 phút sau mọi thứ bắt đầu trở nên náo loạn vì những tiếng chửi bới, rằng: “Mày cản súng tao, tao bắn được thằng đó, đừng đi ra đấy mà đi ra đây, để tao một mình chết rồi đây này".
Hay dạng như: “Chuyền đây thì không chuyền, sút lởm thế, để nó lấy mất bóng rồi...” trong các quán “Pét”. Đó còn chưa kể chức năng tìm người để tham gia co-op trên mạng Internet trong một số tựa ngày nay, mặc dù sẽ không thấy được mồm họ mấp máy, nhưng để tìm một anh chàng chơi theo phong cách của mình thật sự cũng là một điều khá khó khăn. Và bạn đã bao giờ tự hỏi, có bao nhiêu lần chiến hữu bên cạnh mình thực sự hào hứng nói câu dạng như: “Bắn được đó!”.
Chạy đua
Việc đầu tiên mà đa số game thủ làm khi bắt đầu tham gia một trận đấu Multiplayer là gì? Đó là cố gắng chạy lên phía trước đầu tiên, với nỗ lực ngang bằng một trận Marathon thứ thiệt. Đó có thể là do người chơi mong muốn tham gia vào trận đấu súng, hoặc cơ hội để chọn được loại phương tiện, vũ khí hay vị trí như ý. Nhưng dù là với lý do gì đi chăng nữa, quán quân trong cuộc đua Marathon ở chiến tuyến bên này hoặc quán quân trong cuộc đua Marathon ở chiến tuyến bên kia luôn luôn là những cá nhân có cơ hội rất cao được nghỉ dưỡng với đồng hồ chờ hồi sinh đếm ngược trên màn hình. Dù tài lẻ có cao tới đâu, bám đoàn và tổ đội luôn tăng phần trăm sống sót cao hơn hết.
"Ém" mãi một vũ khí cực mạnh
Con át chủ bài luôn được cất giữ cẩn thận và nhằm lúc gần cuối ván mới tung ra để lật ngược thế cờ và giành phần thắng. Đó cũng là tâm lý của hầu hết người chơi khi tham gia vào video game. Có trong tay một khẩu đại bác vác vai, một dạng phóng bom Plasma khủng bố hay một chú tiểu đầu đạn hạt nhân, việc đầu tiên là chúng ta cần cất giữ nó cẩn thận. Để đâu đâu đó trong hòm đồ hay nếu không có thì cũng tránh lấy ra sử dụng trong những lúc bình thường. Mục đích đem ra sử dụng? Có thể là địch bu lại vài tên? Không. Nó vẫn chưa đủ cẩn thiết. Một tên mini boss khá khó nhằn? Không, mình vẫn có thể giải quyết được.
Nhưng ngay sau đó, rất có thể chúng ta sẽ bắt gặp mình đang cầm một khẩu súng mạnh khủng khiếp đuổi theo một gã tôm tép nào đó để xử đẹp. Trong đầu luôn nghĩ rằng mình để dành cho mục đích lớn lao hơn, nhưng lại luôn sử dụng trong các thời điểm bình thường nhất. Lý do có thể rất đơn giản, vì chúng ta chờ mãi mà chưa thấy được cái mục tiêu xứng tầm với trí tưởng tượng của chúng ta.
Còn bạn, những thói quen khó bỏ nào mà bạn đã từng trải qua? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi và những game thủ khác qua các bình luận bên dưới.