Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 11/01/2013 0:00 AM

Chỉ qua một vài câu trả lời mà cha đẻ Bayonetta phản ánh tất cả thói quen chơi game của người Nhật Bản.

Ông Hideki Kamiya – một con người nổi tiếng trong giới làm game Nhật Bản và là giám đốc đứng đầu nhiều dự án thành danh trong lịch sử như Resident Evil 2, Devil May Cry, Okami, Viewtiful Joe, hay gần đây nhất là Bayonetta, đã gây chú ý tới cộng đồng game thủ, đặc biệt là game thủ PC qua những phát biểu của mình trên mạng xã hội Twitter.
 
Câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt này bắt đầu khi một người dùng Twitter đặt câu hỏi rằng quan điểm của bản thân ông ra sao với ba vấn đề. Đầu tiên là hãng phát triển game nối tiếng - Valve, hệ thống phân phối game trực tuyến Steam của họ, cũng như là làng game PC nói chung. Trong khi người ta chờ đợi một câu trả lời mang tính tôn trọng với các đồng nghiệp phía bên kia quả địa cầu cũng như với số lượng game thủ PC được coi là chiếm phần lớn thì Hideki Kamiya chỉ nói: “Tôi không biết Valve. Game trên PC, không quan tâm lắm.”
 
Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC? 1
Ông Hideki Kamiya – giám đốc và nhà thiết kế game của nhiều dự án nổi tiếng như Devil May Cry và Bayonetta.
 
Trong khi Valve là hãng game nổi danh hàng nhất của thế giới giải trí tương tác từ thời kỳ đầu bên cạnh những Blizzard, Electronics Art, Capcom, Konami, Ubisoft hay Activision thì đối với người đọc, đặc biệt là bộ phận người đọc từ phương Tây, câu nói này cũng giống như một game thủ chơi Mario mà nói mình không biết Nintendo vậy. Nhưng câu nói này thay vì trở thành một đề tài bàn tán xôn xao, thì trong thực tế ở đất nước Nhật Bản – cái nôi của làng game, điều này chẳng hề đáng ngạc nhiên.
 
Không ngạc nhiên là bởi lẽ, Valve - một hãng game nổi tiếng với các tựa trên PC cũng như Steam là hệ thống download qua mạng Internet – là 2 điều mà có vị trí không hề cao tại đất nước Nhật. Bất chấp hệ PC có ảnh hưởng phần lớn tới thế giới game xuyên suốt lịch sử phát triển nói chung cũng như năm 2012 vừa rồi nói riêng, thì phần sau phát biểu của ông Hideki Kamiya cũng thể hiện suy nghĩ chung của làng game xứ Hoa Anh Đào.
 
Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC? 2
Valve – một hãng nổi tiếng với các game trên nền PC, được ông Hideki Kamiya nhắc tới.
 
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây rằng, độ phổ biến của Game PC tại Nhật Bản chính xác là như thế nào? Thành thật mà nói, rất nhiều tựa game PC cả offline lẫn online nổi tiếng toàn cầu đều... chưa hề được phát hành chính thức tại đây như Diablo III, Starcraft II, Guild Wars 2 hay World of Warcraft. Thậm chí đối với các tựa game đa hệ nổi tiếng trên thế giới khi phát hành tại tại đây cũng không hề thấy mặt phiên bản PC.
 
Sự thật rằng ngay cả Media Create – hình tượng công ty được nhắc tới đầu tiên tại Nhật Bản khi bạn muốn theo dõi tựa game nào đang bán chạy nhất cũng chẳng buồn quan tâm ghi lại dữ liệu về doanh số các tựa PC đã phát hành. Với Nhật Bản, Game PC là gì? Với Nhật Bản, Game PC là Final Fantasy XI – một sản phẩm online thất bại của dòng Final Fantasy, là Phantasy Star Online 2, là bất cứ tựa game nhiều người chơi qua mạng nào khác với xuất xứ Nhật/Hàn, là game trên trình duyệt, là visual novel, và là game 18+.
 
Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC? 3
Ngay cả những tựa game nổi tiếng trên PC cũng chưa từng đặt chân đến Nhật Bản.
 
Chuyển sang vấn đề về hệ thống Download game như Steam của Valve hay Origin của EA tại Nhật bản. Khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, game thủ đã quá quen thuộc với hình thức mua và tải game qua hệ thống Steam hay mới nổi là Origin. Nhưng trong khi cả hai hệ thống phân phối trực tuyến này đều sẵn có tại đây, thì nó lại chẳng hề được quan tâm bởi game thủ Nhật Bản.
 
Steam là hệ thống thể hiện mọi thứ dưới ngôn ngữ tiếng Anh, với đa số là game tiếng Anh và ngay cả lời đề tựa cho game cũng tiếng Anh. Đối với game thủ Việt Nam, đây là một điều hoàn toàn bình thường vì kể từ khi chúng ta biết cầm trên tay những máy chơi game “bốn nút”, những dòng chữ tiếng Anh đã hiển hiện lên màn hình, và từ đó tới nay đã mấy chục năm trời vẫn vậy dù có là trên một sản phẩm với cốt truyện lằng nhằng dưới tiếng nước ngoài hay một hệ thống bán game qua hình thức trực tuyến. Và dù là thông thạo hay chưa hiểu được nhiều ngoại ngữ cũng chẳng thể cản game thủ Việt Nam đặt tay lên một tựa game nổi tiếng thế giới nào đó.
 
Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC? 4
Ông Hideki Kamiya trong một cửa hàng với những đĩa game tiếng Nhật 100%.
 
Nhưng điều này thể hiện trình độ tiếng Anh của game thủ Việt Nam hơn game thủ Nhật Bản? Thực tế không phải vậy, chẳng có cái gì gọi là trình độ ngoại ngữ được đem ra phân biệt tại đây. Nếu bạn sinh ra trong một đất nước với video game là một giá trị truyền thống, một môn nghệ thuật và game gần như được bắt đầu từ đây thì bạn sẽ muốn tựa game mình chơi phải mang thứ tiếng mình nói. Một sự thật rằng, bất chấp dân trí có trình độ ngoại ngữ cao nhưng rất ít người Nhật Bản ép mình chơi game theo thứ tiếng ngoài đất nước của họ, mà đặc biệt còn là game PC.
 
Trở lại với Hideki Kamiya, ông cũng đưa ra ý kiến của mình về nền tảng dạng “đám mây” như Steam: “Cá nhân thì tôi không thích mấy thứ ‘đám mây’ đó, chúng trông không được ổn định lắm. Nhưng chỉ là ý kiến nhân thôi.”
 
Nhật Bản chẳng ưa gì game trên PC? 5
Steam và Origin cũng không hề phổ biến ở Nhật.
 
Một lần nữa, phát biểu gây tranh cãi với đại bộ phận thế giới game mà đặc biệt là phương Tây này lại thể hiện hoàn toàn đúng cái suy nghĩ chung của làng game Nhật. Đất nước Mặt Trời Mọc là nơi mà những chiếc CD cổ lỗ vẫn phát triển như trái chín mùa trong khi thế giới thì đã quen với việc download trực tuyến những bản MP3 yêu thích. Có điều này là vì người dân Nhật có “truyền thống” không tin tưởng với các sản phẩm xuất xứ internet.  Sự mất lòng tin này còn thể hiện đến cái độ họ tới cửa hàng gần nhà để mua một sản phẩm game tải về qua mạng chỉ đề bản thân mình không phải lộ tẩy những thông tin cá nhân qua internet.
 
Nhưng bất chấp những suy nghĩ đè nặng như vậy, thời gian gần đây Nhật Bản đã tỏ ra dễ tính hơn với việc mua hàng hay download game trực tuyến và nhờ tới các hệ thống “cây nhà lá vườn” như Playstation Network hay Nintendo eShop, từ đó mà Steam hay Origin cũng được tiếp nhận hơn. Tuy nhiên, những phát biểu của ông Kamiya vẫn thể hiện cái quan điểm cố hữu còn đang chiếm một phần nào đó trong làng game Nhật – điều có thể làm họ tôn vinh những cái gì mình đang có và tự thân phát triển hơn, hoặc sẽ nhấn chìm họ vì đã quá cô lập với thế giới bên ngoài.
 
Theo Kotaku