Need for Speed: The Run - "Lẩu thập cẩm" từ EA? (Phần I)

Bluespots  | 23/06/2011 02:00 PM

Liệu tham vọng mới nhất của EA - dung hòa arcade-simulation, tìm về chủ đề cũ và đưa vào không khí đậm chất hành động Hollywood - có để lại một cái tên đủ thuyết phục trong làng game đua xe thế giới?

Sau 17 năm ròng bám trụ lại thị trường kể từ khi tựa game đầu tiên trong series xuất xưởng năm 1994, thương hiệu Need for Speed của EA đã trở thành series game đua xe bán chạy nhất toàn cầu, với hơn 100 triệu bản được bán ra và hàng chục triệu fan trải khắp năm châu.
 
Với việc giao phó nhiệm vụ thiết kế và kinh doanh sản phẩm cho các chi nhánh con như Slightly Mad Studio, EA Black Box, Criterion Games... EA cứ mỗi năm lại cho ra vài ba tựa game Need for Speed, với mỗi tựa game lại làm xôn xao cộng đồng với hàng loạt bài review cũng như các sự kiện đình đám. Mới đây, tại hội chợ game nổi tiếng E3 2011 vừa diễn ra 2 tuần trước ở Los Angeles, một tựa game nữa như vậy lại "ra lò":Need for Speed: The Run.


Đôi nét và một số thay đổi

Từ sau thất bại não nề của Prostreet, EA đã không nản chí mà trở lại làng simulation với series Need for Speed SHIFT và đang dần dần, mặc dù khó khăn, gây dựng vị thế của mình bên cạnh những cái tên lớn khác như DiRT, GRID, GranTurismo, Forza Motorsport... Dòng arcade, kể từ sau Most Wanted, dường như đã đánh mất sự quan tâm của họ. Có chăng chỉ là "bổn cũ soạn lại" như Carbon, Undercover, hay World Online với gameplay cũng như phong cách đều không thay đổi mấy. 

Phải đến tận Need for Speed Hot Pursuit cuối năm ngoái, EA mới hào hứng bước chân lại vào địa hạt này. Hot Pursuit có thể nói đã khẳng định lại tên tuổi của EA trong lĩnh vực arcade và giờ đây, dường như tất cả fan của series Need for Speed đang mong chờ một sự kết hợp hài hòa giữa cả hai phong cách - Hot PursuitSHIFT, arcade và simulation - một sản phẩm hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu từ "cả hai thế giới" của EA.


Need for Speed: The Run xuất hiện trong hoàn cảnh đó. Thoáng nhìn, The Run dường như nối bước Hot Pursuit với tốc độ, tiếng động cơ gầm rú, tiếng nhạc máu lửa, những cuộc đua trái phép, rượt đuổi thót tim có cảnh sát được trang bị vũ khí tận răng. Xem kỹ hơn, game đưa người chơi trở lại với những chủ đề quen thuộc như đua xe đường phố, các băng nhóm tội phạm và những cuộc chạy trốn, phiêu lưu đậm nét phim hành động Hollywood. Khác với Most Wanted và Carbon, nhân vật chính của chúng ta trong The Run giờ đây đã có một cái tên - Jack. 

Chưa rõ nguyên nhân, nhưng mục tiêu duy nhất của Jack trong game là bảo toàn tính mạng cho mình khỏi một băng nhóm tội phạm, bằng cách... tham gia vào một cuộc đua xuyên nước Mỹ, trải dài từ San Francisco đến tận New York ở phía bên kia lục địa. Cốt truyện nghe khá đơn giản, nhưng có lẽ vẫn sẽ hấp dẫn vì nhà phát triển game lần này lại chính là EA Black Box, người đã chuyên về chủ đề này sau khi hoàn tất hai tựa game Most Wanted và Undercover.


Nhưng bên cạnh đó, EA cũng đã hứa hẹn yếu tố simulation trong The Run. Theo Black Box, handling trong The Run sẽ mang hơi thở của cả Hot PursuitSHIFT 2 Unleashed, khó vừa phải để người chơi cảm nhận được cảm giác lái thật nhất, sức "căng" trong từng khúc cua, nhưng giữ lại những cú drift "không tưởng" vốn là linh hồn của Hot Pursuit. Bên cạnh đó, The Run cũng đi kèm với những thay đổi đáng kể chưa hề có trong cả series. 

Người chơi giờ sẽ đua trên địa điểm có thật ngoài đời (ví dụ Chicago trong bản demo). Cảnh sát sẽ "khó nhai" hơn rất nhiều khi sở hữu cả súng máy có thể bắn nổ xe bất cứ lúc nào. Và trên hết, đã biết tên Jack, chúng ta còn được chiêm ngưỡng toàn bộ hình ảnh anh chạy nhảy, đấm đá, hành động vì với The Run... nhân vật chính đã được quyền thỉnh thoảng bước ra khỏi xe tương tác với môi trường trong game.


Có thể nói, yếu tố hành động đang ngày càng được EA khai thác triệt để. Một mặt, họ thiết kế SHIFTHot Pursuit theo cảm hứng của những game FPS điển hình, đưa vào vũ khí và những trận chạm trán kịch liệt, nhằm chuyển tải cảm giác "adrenaline dâng cao" một cách chân thật nhất đến cá nhân người chơi. Mặt khác, họ đưa người chơi hòa mình vào một cốt truyện, theo dõi nhân vật, suy nghĩ và hành động dưới góc nhìn của nhân vật... như thể xem một bộ phim chứ không chỉ quanh đi quẩn lại mỗi siêu xe và đường đua.

Việc đưa nhân vật chính ra khỏi xe của anh ta sẽ có ảnh hưởng lớn đến cảm giác chơi game của người chơi. Nếu như trước đây, nhân vật chính, nói thẳng, là chiếc xe (ví dụ, là chiếc BMW M3 GT2 ở đầu Most Wanted), thì đến với The Run, anh ta có danh tính, có thể nói chuyện, cảm thán, chửi thề, vận động... như con người thật. Xuyên suốt trong game khi Jack ra khỏi xe vẫn là những đoạn cutscene, nhưng người chơi sẽ phải kéo anh ta đi tiếp bằng cách bấm các nút đúng lúc theo chỉ dẫn trên màn hình. 


Ví dụ, muốn chạy nhanh hơn bạn phải nhấn X liên tục, muốn nhảy phải giữ 2 nút khác, và muốn ra đòn với cảnh sát thì phải bấm 2 nút khác nữa... Nếu bạn không để ý khi chỉ dẫn xuất hiện và lỡ mất nước đi, Jack sẽ đo ván ngay và thông báo sẽ hiện ra mời bạn "try again". Nghe thì đơn giản... nhưng bạn sẽ phải luôn căng mắt ra tìm kiếm chỉ dẫn và bấm nút đúng lúc. Need for Speed: The Run, quả thực, có thể... ép người chơi ở nguyên chỗ cũ và gắng xem hết cutscene khi chơi.

"Chúng tôi chủ ý đưa nhân vật chính ra khỏi xe để dẫn dắt câu chuyện, nhưng những lúc như vậy sẽ không chiếm quá 10 phần trăm tổng thời gian của game" - nhà sản xuất Jason DeLong nói. EA có thể nói đang tỏ ra khá tham vọng với ý tưởng "đua xe + phim ảnh" này. Một thông tin nữa chứng minh điều này là việc sử dụng engine đồ họa Frostbite 2 của series Battlefield trong The Run. Engine này hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ, thời tiết, môi trường... hoàn hảo. Một sự đầu tư đáng kể cho một dự án còn khá non trẻ như The Run.

(Còn tiếp)

Tổng hợp