Metal Gear Solid V: The Phantom Pain – Xứng danh kiệt tác

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 04/09/2015 0:00 AM

Có thể khẳng định rằng, với Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, Kojima đã tạo ra được tác phẩm vĩ đại nhất cuộc đời làm game của ông.

Đã 5 năm trời kể từ khi Metal Gear Solid Peace Walker, tựa game được đánh giá là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất trên nền máy PSP của Sony, và cũng là phiên bản MGS ra mắt gần đây nhất được Kojima tung ra.

Ngay sau đó những thông tin về phiên bản Metal Gear Solid V đã lần lượt xuất hiện trên mạng internet. Thế nhưng mãi đến cuối năm 2012, khi cả thế giới còn đang mải theo dõi lễ trao giải Video Games Award, một đoạn trailer bất ngờ xuất hiện. Dĩ nhiên Kojima không xuất hiện, cũng chẳng có chút thông tin nào về tựa game do “Moby Dick” phát triển cả. Thế nhưng rất nhiều fan hâm mộ đã phát hiện ra những nét tương đồng khó lòng có thể chối bỏ trong đoạn trailer ngắn nhưng nghẹt thở kể trên.

Và rồi cuối cùng The Phantom Pain cũng đã ra mắt. Mọi sự chú ý đổ dồn về phía Konami cũng như Kojima. Liệu giữa sự căng thẳng đã khiến Kojima rời công ty ngay cả khi ông đang nắm giữ một vị trí rất cao trong ban lãnh đạo, cũng như studio “lá cờ đầu” Kojima Production bị buộc giải thể, liệu rằng The Phantom Pain có giữ được “phong độ” vốn có, khi gần như mọi phiên bản Metal Gear Solid đều được đánh giá rất cao, đi kèm với những số điểm cao chót vót, ước mơ của mọi tựa game bom tấn.

Dĩ nhiên, dạo một vòng các trang tin trên thế giới, chúng ta có thể thấy, MGS The Phantom Pain nếu không được 10 điểm thì cũng phải được 9. Thậm chí một số người còn mạnh dạn đánh giá, đây là một trong số những tựa game hay nhất từng được tạo ra. Vậy lý do gì khiến cho di sản, tựa game MGS của Hideo Kojima trở nên hấp dẫn đến như vậy?

Những sự kiện của The Phantom Pain diễn ra ngay sau khi Ground Zeroes kết thúc, hay chính xác hơn là khi Big Boss tỉnh dậy sau giấc ngủ dài kể từ biến cố sau nhiệm vụ tại Camp Omega, Cuba. Cipher, hay Major Zero, vốn chỉ là một nhân vật phụ hỗ trợ bạn từ phần 3, ra mắt năm 2004, đã trở thành nhân vật phản diện bậc nhất cả dòng game với tham vọng bá chủ loài người, biến mọi chính phủ trên thế giới trở thành con rối trong tay gã đại tá người Anh.

Chính Cipher đã phá nát công sức của Big Boss cùng đồng đội 9 năm về trước. Giờ đây, sau khi thức tỉnh, trong tâm trí của Big Boss chỉ còn đúng một ý niệm: Trả thù. Ông trở về với tổ chức mà Kazuhira Miller cùng Ocelot, gã gian hùng thuở nào lập nên để tìm kiếm và tiêu diệt Zero, kết thúc rốt ráo mối ân oán đã 20 năm giữa hai con người từng là đồng đội vào sinh ra tử. Thế nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Bên cạnh đó còn có cả những kẻ ngáng đường Diamond Dogs, với những toan tính riêng…

Nhiều năm trời không thưởng thức Metal Gear, tôi dường như đã quên đi câu nói “70% con người tôi được tạc nên từ điện ảnh” của bậc thầy làm game người Nhật Bản. Không thể đếm xuể những lần tôi phải há hốc mồm kinh ngạc vì những đoạn cắt cảnh hay đơn giản hơn là cả phân đoạn mở đầu game kéo dài cả tiếng đồng hồ, với những thủ pháp nghệ thuật khiến người chơi có cảm giác như chính bản thân mình đang được trải nghiệm những gì nhân vật chính đang phải trải qua.

5 năm sau Peace Walker, Kojima đã rất tỉnh táo khi không biến The Phantom Pain trở thành một tựa game tuyến tính đến mức tuyệt đối, đưa người chơi từ nhiệm vụ này qua nhiệm vụ khác trong một quy mô bản đồ bó hẹp. Thay vào đó ông “thả” người chơi vào một bản đồ cực kỳ rộng lớn với hàng loạt những điều bất ngờ chờ đón họ trong từng nhiệm vụ, hay thậm chí là trong cả quá trình free roam trên bản đồ.

Với nền tảng như vậy, hệ thống nhiệm vụ cũng vô cùng sáng tạo và liên kết với nhau. Nếu bạn chỉ thưởng thức tuyến nhiệm vụ chính, sẽ chẳng có nhiều điều để khám phá. Ngay cả những nhiệm vụ phụ cũng có thể liên kết và dẫn tới những câu chuyện còn đang dang dở trong quá trình khám phá cốt truyện game. Đây là điều mà tôi cảm thấy mới mẻ và thích thú nhất so với tất cả những phiên bản Metal Gear trước đây tôi từng được trải nghiệm. Bạn sẽ phải làm gần như mọi thứ để ghép những mảnh vỡ cốt truyện lại với nhau, từ đó tạo ra một trải nghiệm hoàn chỉnh.

Từng chi tiết, từ lối chơi đa dạng, chặt chẽ cho tới cốt truyện đầy uẩn khúc, thứ mà nếu bạn chỉ bỏ qua một nhịp đã có thể bỏ lỡ nhiều điều, tất cả đan cài vào nhau, tạo ra một The Phantom Pain vô cùng mỹ mãn. Ở thời điểm bài viết ra mắt các bạn độc giả, tôi đã thưởng thức game liên tục 30 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên cá nhân tôi mới chỉ hoàn thành 25% tựa game, với rất nhiều điều còn chưa khám phá hết. Điều này có nghĩa là, dù chỉ có dung lượng 20 GB, thế nhưng The Phantom Pain hoàn toàn không phải một tựa game ngắn ngủi, xét cả về chiều sâu gameplay lẫn thời lượng tương tác trong từng nhiệm vụ. Chính những đoạn cắt cảnh, vẫn dài về thời lượng nhưng lại được dựng bằng engine in-game thay vì làm video render sẵn đã tạo ra tựa game có dung lượng cực kỳ "dễ thương" như vậy so sánh với những cái tên khác.

Sẽ là đáng tiếc nếu chúng ta bỏ qua đồ họa của tựa game. So với Ground Zeroes, phiên bản The Phantom Pain có dung lượng rất nhỏ so với những gì chúng ta được trải nghiệm. Thế nhưng chất lượng đồ họa đầy ấn tượng, nhưng lại hoạt động vô cùng hiệu quả trên hệ thống máy tính chơi game của tôi với card đồ họa GTX 970 Zotac cùng CPU Core i5 2500 xứng đáng một điểm cộng dành cho đội ngũ phát triển game.

Từ hiệu ứng ánh sáng, chất lượng texture vật thể, cho tới hiệu ứng thời tiết, không gian bản đồ, tất cả tạo ra một trải nghiệm cực kỳ ấn tượng nhưng lại yêu cầu cấu hình không quá nặng nề, đặc biệt là khi phải rất lâu game thủ mới được thưởng thức Metal Gear Solid trên PC.

Bên cạnh những nhiệm vụ thực chiến mà đích thân Big Boss đảm nhiệm, người chơi còn phải đau đầu xây dựng mother base, nơi ông cùng đồng đội coi đó là “nhà”. Những nhân sự được chuyển về từ chiến trường sẽ được đưa vào nhiều nhóm khác nhau, phát triển từ quân trang, cho tới những đội y tế dã chiến, hay đội thu gom thông tin tình báo… Kết hợp với gameplay thế giới mở, Metal Gear Solid The Phantom Pain tạo ra một phong cách gameplay chưa từng có ở những tựa game thuộc series khác, ngoại trừ hai phiên bản Portable Ops và Peace Walker trước đây.

Cốt truyện “hack não”, đụng chạm tới những góc khuất đen tối nhất của con người, của những trận chiến, của lý tưởng, của tham vọng, vốn chỉ phù hợp với những người trưởng thành đã được Kojima nhào nặn một cách đầy ấn tượng với đầu óc của một nhà làm phim thực thụ. Đây không còn chỉ là một câu chuyện về sự báo thù, giống như cuốn tiểu thuyết về con cá voi khổng lồ Moby Dick nữa, nó mang những phần triết lý cực kỳ cao thâm mà không phải game thủ nào cũng hiểu được hết tầng lớp nghĩa. Đó chính là thứ lôi cuốn rất nhiều game thủ đến với series game hành động bí mật đình đám có gần 30 năm tuổi đời này.

Tôi chưa “phá đảo” game, thậm chí cũng chưa biết liệu Kojima sẽ đem tới cho bản thân những plot twist “hại não” nào trong những nhiệm vụ kế tiếp. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, với những gì thể hiện, những gì tôi được thưởng thức trong hơn 30 tiếng đồng hồ kể từ khi game ra mắt, có thể khẳng định rằng, Kojima đã tạo ra được tác phẩm vĩ đại nhất cuộc đời làm game của ông.

Trong mắt của một ‘fanboy’, khó lòng tìm ra điểm trừ nào của game cho tới thời điểm hiện tại. Nói một cách ngắn gọn, những lời khen ngợi của cộng đồng game trên toàn thế giới hoàn toàn có cơ sở khi tôi được tận tay trải nghiệm tựa game này. The Phantom Pain chắc chắn sẽ còn gây ra những cơn địa chấn lớn sau khi người chơi trên toàn thế giới khám phá ra những kết thúc ẩn khác sau khi họ tưởng chừng như đã hoàn thành toàn bộ phần cốt truyện. Nếu như có một đề cử sớm cho danh hiệu game của năm, thì không có lý do gì The Phantom Pain lại không được liệt vào danh sách đó cả.

Xin chân thành cám ơn An Phát PC đã hỗ trợ chúng tôi key game bản quyền để bài viết được hoàn thành.