"Mất chất" hay câu chuyện của những dòng game lạc lối

3Xu  | 26/06/2011 12:05 AM

Hiện nay khi đánh giá một thương hiệu game có nhiều phiên bản, rất nhiều game thủ quan tâm đến vấn đề “chất” của tựa game đó.

Thông thường khi chơi game, người chơi sẽ quan tâm đến các yếu tố cơ bản như: đồ họa, gameplay, cốt truyện, âm thanh,… Tuy vậy, khi bạn gặp một tựa game ví dụ như “Game A phần II” hay “Game B phần III” thì yếu tố đầu tiên lại là “chất” của thương hiệu game đó.
 
“Chất” ở đây được hiểu như là những giá trị đặc biệt được xây dựng kĩ lưỡng và đã thành công trong các phiên bản trước, là điểm cốt lõi của một tựa game dài kì khiến người chơi bị thu hút. Và những giá trị đó khiến cho dòng game trở nên tách biệt, độc đáo hơn so với những dòng game cùng thể loại.


Hãy xem một trường hợp rất điển hình đến từ Blizzard mang tên Diablo. Thời điểm Diablo ra mắt là thời điểm thống trị của thể loại RPG truyền thống. Các game RPG lúc đó hầu hết đều dựa trên bộ luật Dungeons and Dragons và đặt rất nặng tính chiến thuật. Diablo thì lại ngược lại.
 
Những gì mà Blizzard North làm là đem đến chất hành động nhiều hơn cho một game nhập vai, đẩy tốc độ của game lên rất cao so với những tên tuổi cùng thời. Điều này đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người chơi; hệ quả là Diablo trở thành tượng đài mới của dòng RPG. Blizzard đã tiếp tục phát huy những giá trị của Diablo trong Diablo II và tựa game này tiếp tục thành công vang dội.

Sau đó, những tính chất mà Blizzard xây dựng cho Diablo trở thành chuẩn mực cho dòng game hack ‘n slash. Và một điều tất nhiên là khi Diablo III ra mắt trong tương lai, chắc chắn Blizzard sẽ không làm thất vọng người hâm mộ nếu như họ tiếp tục giữ vững truyền thống của dòng game.


Ở đây ta có thể thấy rằng khía cạnh thành công của một tựa game trong trường hợp này là rất nhiều người chơi mong muốn rằng tựa game đó sẽ có phiên bản tiếp theo và phiên bản đó sẽ vẫn giữ được những gì đã tạo nên sự hấp dẫn của phiên bản trước. Trên thực tế, đây là con đường tương đối an toàn cho các nhà phát triển, khi họ không cần mất quá nhiều thời gian cũng như công sức nhằm tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới mà không đánh giá được chính xác hiệu quả có thể nằm ở mức nào.
 
Và cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều những thương hiệu sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo dựa vào “chất” ban đầu như: dòng game Prince of Persia, dòng game Call of Duty, dòng game Battlefield,… Tuy nhiên, không phải nhà phát triển nào cũng hài lòng với việc phải đi trên một con đường duy nhất.


Điều đó đồng nghĩa với việc họ muốn có sự thay đổi, muốn có những thứ mới mẻ cho thương hiệu của mình thậm chí là muốn tinh giảm công sức dành cho các sản phẩm của họ vì những lý do như doanh thu, dự án mới hay áp lực từ nhà phát hành. Đôi khi những thay đổi đó quá đột ngột, bất ngờ và khi cho ra mắt sản phẩm mới, điều đầu tiên khiến họ mất điểm chính là “mất chất”.  
 
Việc đánh cược cả một thương hiệu lớn cho sự đổi mới đôi khi phải trả giá rất đắt. Ví dụ như Supreme Commander 2 ra mắt vào năm 2010. Tuy đó mới là phiên bản thứ hai của dòng game Supreme Commander nhưng từ trước rất lâu, Chris Taylor đã tạo dựng nên một trong những sản phẩm xuất sắc nhất của dòng game RTS mang tên Total Annihilation và đây chính là tiền đề cho Supreme Commander (do thương hiệu Total Annihilation không thuộc quyền sở hữu của Gas Powered Game).


Khi quay trở lại thị trường game dưới cái tên mới, Supereme Commander đã khiến những người hâm mộ “phát cuồng” với việc đem lại chiến trường thời gian thực rộng lớn, hoành tráng nhưng đến phần 2, tất cả lại thất vọng khi chỉ vì vấn đề đa hệ máy mà Chris Taylor đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của game. Và cho dù Supreme Commander 2 không đến nỗi nào, nhưng việc “quá giống CnC” cùng với “phản bội” lại những giá trị đã tạo dựng nên thành công của dòng game khiến nó chẳng còn được mấy ai nhắc đến nữa.   
 
Đôi khi, việc một dòng game mất chất lại không phải do mong muốn đổi mới mà chỉ đơn thuần là do “thay chủ”. Và trong trường hợp này, đôi khi những tác động lại khác nhau. Năm 2008, Fallout 3 ra mắt và do Bethesda phát triển. Tất nhiên, ngay lập tức tựa game này bị dán nhãn “mất chất” do ngoài việc bối cảnh game không thay đổi thì tất cả các yếu tố còn lại đều khác hẳn so với Fallout cùng Fallout 2.


Rất nhiều game thủ gạo cội đã quay lưng với Fallout 3 tuy nhiên do phong cách thiết kế của Bethesda vốn cũng đã thu hút được một lượng lớn người chơi nên tựa game này vẫn nằm trong danh sách thành công vang dội năm đó. Ngược lại với Fallout 3Dungeon Siege.
 
Chuyến sang tay Obisidan phát triển từ Gas Powered Game, Dungeon Siege III khiến người chơi ngỡ ngàng vì… không giống gì hai phiên bản đầu cả và thậm chí là Obsidian lại chưa bao giờ có kinh nghiệm làm game "Hack ‘n slash". Kết quả là trò chơi này nằm trong diện "thế nào cũng được" trong năm nay.

Nếu như nói đến việc giữ “chất” của các dòng game lâu nhất thì có lẽ các nhà phát triển đến từ Nhật Bản đứng hàng đầu. Số lượng các dòng game mà họ có thể phát triển lên đến hai con số, và hầu như phong cách không có quá nhiều thay đổi. Đây cũng là một điểm cho thấy các nhà làm game đến từ xứ hoa anh đào có khả năng kiểm soát các dòng game tốt hơn so với các nhà làm game đến từ Mỹ cũng như châu Âu.