Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 25/01/2013 0:00 AM

Video game tiếp tục bị kéo vào một vụ lùm xùm khác và nạn nhân lần này là Call of Duty.

Mọi chuyện được bắt đầu khi bức ảnh chụp một người lính Pháp mang chiếc khăn che mặt có hình đầu lâu được đăng tải bởi nhiếp ảnh gia Issouf Sanogo của AFP hay “Agence France-Presse” – một trong những thông tấn xã lâu đời nhất trên giới sánh ngang với AP của Hoa Kỳ hay Reuters của Anh Quốc. Bức ảnh này ngay sau khi được truyền đi trong cộng đồng mạng đã lập tức vấp phải một phản ứng dữ dội từ rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức, đặc biệt là từ chính phía quân đội, chính quyền Pháp khi cho rằng người lính trong ảnh với chiếc khăn che mặt hình đầu lâu có liên quan tới nhân vật Simon “Ghost” Riley trong tựa game Call of Duty: Modern Warfare 2.
 
Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty 1
Bức ảnh chụp người lính Pháp tại Mali do nhiếp ảnh gia Issouf Sanogo thực hiện.
 
Bức ảnh với nhân vật chính là một lính lê dương thuộc quân đội Pháp đang đóng quân tại Mali này, hiện đang là đề tài được đem ra phê phán bởi một số cá nhân, tổ chức, chính quyền Pháp (và một phần của báo giới) cũng như trên thế giới vì cái họ gọi là một sự liên kết, một hình ảnh xấu giữa một người lính ngoài đời thật và một nhân vật ảo, theo như họ vẫn đang nói, là thuộc một video game “vô cùng bạo lực”.
 
Trong một buổi họp báo diễn ra đầu tuần nay, Đại tá và là phát ngôn viên của quân đội Pháp – ông Thierry Burkhard đã nói việc mang chiếc khăn che mặt này là một “hành vi không thể chấp nhận được” cũng như “không mang tính chất đại diện cho việc Pháp mang quân đội tới Mali để giúp đỡ”. Ông cũng cho biết những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đang tiến hành xác định danh tính của người lính trong bức ảnh để chịu trách nhiệm cũng như có những hình thức kỷ luật thích đáng.
 
Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty 2
Đại tá quân đội Pháp – ông Thierry Burkhard trong buổi họp báo về bức ảnh.
 
Trước khi có những nhận định riêng của mình, phần nào đó chúng ta đã thấy phảng phất hình ảnh của một sự việc tương tự, sự việc mà cách đây không lâu, giới truyền thông thế giới và những người thiếu hiểu biết đã vội vàng kết tội Mass Effect sau khi người anh của Adam Lanza - Ryan Lanza bị đưa tin sai sự thật là kẻ thủ ác của vụ thảm sát Sandy Brook.
 
Nhưng thay vì có một cái nhìn khách quan hơn sau những sự nhầm lẫn như vậy, con người ta lại tiếp tục đi tới những cáo buộc càng ngày càng trở nên vô căn cứ hơn trước. Và có lẽ trước khi những người nắm quyền hành trong tay bắt đầu đưa ra những lời nói hùng hồn về bức ảnh, về người lính, về một nhân vật ảo…thì họ nên điều tra nguồn gốc của chiếc khăn che mặt/mặt nạ đầu lâu hơn là hình ảnh của một tựa video game nào đó.
 
Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty 3
Ryan Lanza – một nạn nhân từ việc nhầm lẫn của giới truyền thông và cầm quyền.
 
Trở lại với nguồn gốc, kiểu che mặt/mặt nạ hình đầu lâu này còn được biết tới dưới hình thức một dạng mũ trùm đầu của quân đội (đây mới thực sự là loại mũ mà nhân vật Ghost mang chứ không phải hình thức cuốn khăn như ảnh trên cùng) là một hình ảnh đã quá quen thuộc trong quân đội chính quy hay các tổ chức quân sự tư nhân trên khắp thế giới, đặc biệt là quân đội Hoa Kỳ khi những bức ảnh với những người lính mang mặt nạ đầu lâu đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Đây thực tế là một hình thức “hóa trang” phổ biến của quân đội phương Tây nhằm thể hiện tinh thần, sự mạnh mẽ trong chiến đấu của những người mà công việc chính của họ là súng đạn và cướp đi sinh mạng kẻ khác.
 
Vì thế nó chẳng hề được phát minh bởi dòng game Call of Duty hay bất cứ ai liên quan tới quá trình sản xuất game trong Infinity Ward. Thực tế, hình ảnh chiếc mặt nạ đầu lâu trong game được lấy cảm hứng từ hình ảnh những người lính Hoa Kỳ vào thời điểm cuộc chiến Iraq, một cuộc chiến mà đã diễn ra cách đây gần một thập kỷ, trước khi series Modern Warfare được khai sinh và trước khi video game trở thành một vật tế thần cho bất cứ sự việc nào trên thế giới.
 
Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty 4
Hình ảnh này trong quân đội Hoa Kỳ đã quen thuộc từ  rất lâu.
 
Một bằng chứng cụ thể khác cho việc hình ảnh chiếc mặt nạ này bắt nguồn từ quân đội là ở điện ảnh với bộ phim Harsh Times của Hollywood. Trong bộ phim này, một phân cảnh cũng cho thấy hình ảnh những người lính mang dạng mặt nạ hình đầu lâu giống như bức ảnh khăn che mặt của người lính Pháp ở trên. Và điều quan trọng là Harsh Times ra mắt năm 2005, trước 4 năm khi người ta biết tới Modern Warfare 2 là gì và Ghost là ai.
 
Với những điều đã nói, việc mà những người đã và đang tỏ thái độ phê phán với bức ảnh này cũng như cho rằng nó là sự liên kết, sự đại diện nào đó cho một tựa video game thì cũng chẳng khác nào nói một bộ quần áo gió xuất hiện trên đường phố chẳng qua là vì Grand Theft Auto IV. Hơn nữa, điều nực cười ở chỗ là những người có thẩm quyền và các giới khác đã vội kết luận sự liên quan tới video game trong khi họ vẫn chưa biết danh tính người lính là ai, đồng nghĩa với việc họ cũng không thể biết chủ đích cá nhân mang mặt nạ hay ý nghĩa hành động của anh ta là gì mà đã hùng hồn khẳng định.
 
Phân cảnh của bộ phim Harsh Times cho thấy hình ảnh những người lính mang mặt nạ hình đầu lâu.
 
Bên cạnh đó, tác giả của bức ảnh - Issouf Sanogo, cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy phản ứng thái quá quanh sự việc này:
 
Vào thời điểm đó, một chiếc máy bay trực thăng đang tiến tới và tạo ra một đám mây bụi dày đặc. Theo bản năng, tất cả những người lính ở đó đều lấy khăn để che mặt tránh việc bụi bay vào miệng. Đó là vào buổi chiều, ánh sáng mặt trời chiếu qua những tán lá cây và mây bụi, một quang cảnh rất đẹp.
 
Tôi nhận ra một người lính mang một chiếc khăn khá lạ và đã chụp ảnh anh ta. Vào lúc đó, không hề có sự việc nào quá bất thường xảy ra. Người lính đó cũng chẳng hề cố tình tạo dáng và bức ảnh cũng không được sắp đặt trước. Anh ta chỉ đứng đó, đang tự bảo vệ khuôn mặt của mình khỏi bụi bẩn và chờ trực thăng đáp xuống. Cũng chẳng hề có ai cố gắng ngăn tôi chụp hình cả.
 
Lính bị truy cứu vì đeo mặt nạ... Call of Duty 5
Simon “Ghost” Riley – nhân vật trong Call of Duty Modern Warfare 2 bị liên kết với bức ảnh.
 
Người nhiếp ảnh gia này tâm sự:

Những người lính này làm việc trong một điều kiện rất khắc nghiệt. Họ phải di chuyển hàng ngàn cây số và chỉ có thể có vài thứ nhỏ nhoi để thư giãn. Tôi không hề biết danh tính người lính đằng sau chiếc khăn che mặt, cũng như rất khó khăn để nhận ra anh nếu tôi có gặp lại lần nữa. Tôi nghĩ rằng, và tôi hy vọng rằng, tên tuổi của anh sẽ không bao giờ được biết tới. Tôi thậm chí còn không chắc rằng anh biết tới những gì mà người ta đang nói về anh ở đây.”

Biết đâu sau sự việc này, chúng ta sẽ lại vô tình đọc được một vài dòng chữ trên mạng internet, trên TV, đài báo, dạng như: "Số lượng chuột và bán phím tháng qua bán rất chạy tại thị trường Hà Nội, báo động tình trạng bạo lực đang ngày càng tăng trong giới trẻ".