Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của các vụ thảm sát thương tâm mà tiêu biểu là sự kiện xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook, giới chức Mỹ đã đưa ra những kế hoạch nhằm giảm thiểu và ngăn trặn những hành vi phạm tội trên như kiểm soát việc mua bán vũ khí, tăng cường an ninh trường học... và cả biện pháp tăng cường kiểm duyệt trò chơi điện tử - yếu tố đang bị dư luận nghi ngờ là thủ phạm làm gia tăng bạo lực trong thời gian gần đây.
Đa phần dư luận cho rằng trò chơi điện tử là nguyên nhân của bạo lực.
Kiểm duyệt vì hung thủ dính dáng đến game
Nguyên nhân khiến cho chính phủ Mỹ đưa ra quyết định trên là vì theo báo cáo điều tra từ cảnh sát và FBI, các hung thủ trong những vụ thảm sát đa phần đều có dính dáng đến các trò chơi điện tử liên quan đến súng ống. Seung-Hui Cho, người đã gây ra vụ thảm sát tại Đại học Bách khoa Virginia ngày 16 tháng 4 năm 2007 thì là một game thủ Counter Strike, hay Adam Peter Lanza - thủ phạm của vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook lại là fan hâm mộ tựa game Call of Duty. Được biết đề xuất tăng cường kiểm duyệt đối với các trò chơi điện từ là ý kiến của Ủy Ban Năng Lượng và thương mại Mỹ.
Adam Lanza được biết là một fan hâm mộ game Call of Duty.
Đa phần phần các điều luật đều không có sự thay đổi so với văn bản cũ, chỉ có điểm mới đó là tất cả các trò chơi điện tử nếu muốn phát hành trên toàn nước Mỹ thì trước tiên phải có dấu xác nhận của Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí( hay ESRB), và tất cả những tựa game được đánh giá là Ao( sản phẩm chỉ dành cho người lớn) sẽ không được bán hoặc cho thuê nếu người mua chưa đủ 18 tuổi.
ESRB làm khó các hãng làm game độc lập
Tuy nhiên, việc bắt buộc mỗi trò chơi có một đánh giá ESRB trên bao bì hoặc bao gồm poster vô tình làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp game mà đối tượng chịu trận nhiều nhất lại là những hãng phát triển game độc lập.
Rất nhiều hãng làm game nhỏ sẽ khốn khổ vì khoản 2 điều A.
Yêu cầu đánh giá cho một trò chơi điện tử
"Bất cứ ai có hành vi vận chuyển giữa các tiểu bang, bán hay cho thuê một trò chơi video mà chưa có tem ESRB sẽ là vi phạm pháp luật. Dấu kiểm duyệt phải rõ ràng và ở vị trí dễ nhìn thấy trên bao bì của các trò chơi video. Phải có một đánh giá nội dung dựa trên độ tuổi được xác định bởi ESRB" - đó là những gì điều khoản ở trên đề cập.
Bất cập ở chỗ để được ESRB bật đèn xanh phát hành thì các hãng game phải trả cho Ủy Ban Đánh giá Phần Mềm Giải Trí Hoa Kỳ một khoản tiền phí không nhỏ cộng thêm vào đó là một khoản thời gian đợi chờ sản phẩm được kiểm duyệt, nhanh thì vài tuần chậm thì vài tháng. Với các studio có các hãng phát hành lớn chống lưng thì vấn đề này không ảnh hưởng nhiều lắm, đơn giản là vì họ đã quá quen với việc này.
Chưa ai dám khẳng định rằng đạo luật mới sẽ làm giảm vấn đề bạo lực của nước Mỹ.
Nhưng với các nhà phát triển độc lập (indie) thì lại khác hoàn toàn. Phần lớn số tiền để duy trì phát triển của họ đều là tự cung tự cấp hoặc nhờ sự đóng góp của cộng đồng game thủ thông qua kickstarter. Hơn nữa, cách thức làm game của các hãng độc lập thường là đánh nhanh rút gọn, phát hành game ngay khi hoàn thành, tiền bán được dùng ngay vào việc phát triển dự án mới và duy trì hoạt động công ty.
Nếu phải mất vài tuần hoặc vài tháng để ESRB đánh giá thì rất có khả năng là game chưa được phát hành thì đơn vị phát triển đã... sập tiệm. Hơn nữa, trả phí cũng có lẽ khiến họ lắc đầu ngao ngán. Mức phí thấp nhất là 800 đô la cho một trò chơi với một phát triển dưới 250.000 USD. Điều này có vẻ không làm khó với những nhóm phát triển có ngân sách cao hơn. Nhưng với những sản phẩm có kinh phí thấp như 5.000 đến 10.000 USD thì đó lại cả là một vấn đề.
Hoa Kỳ là một thị trường có ảnh hưởng lớn đến nền công nghiệp game toàn thế giới.
Tạm kết
Chẳng có gì chắc chắn việc kiểm soát sản phẩm trò chơi điện tử chặt hơn sẽ làm giảm các vấn đề bạo lực trong xã hội nhưng một điều chắc chắn là đạo luật này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều tới ngành công nghiệp trò chơi điện tử đặc biệt là các hãng làm game nhỏ. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu lỗi có nằm ở trò chơi điện tử - loại hình giải trí yêu thích của hàng triệu trẻ em cũng như người lớn trên thế giới?