Nhật Bản - cái nôi của ngành công nghiệp game từ lâu vẫn là địa danh mà khi nhắc đến ai ai cũng nghĩ tới những tựa game hấp dẫn đầy sức sáng tạo mà không ít trong số đó còn sống mãi cùng thời gian như các thương hiệu
Final Fantasy, Mario, Mega Man... Nhưng đó là chuyện của hơn 10 năm về trước, thời đại khi hệ máy PS2 vẫn đang rất hưng thịnh. Còn hiện tại nhận định này liệu có còn chính xác?
"
Nhật Bản đến hồi kết rồi. Ngành công nghiệp game của chúng tôi đã chết. " - đó là nhận định của nhà thiết kế game rất nổi tiếng, người đã sáng tạo ra series Mega Man cùng Dead Rising: Keiji Inafune vào năm 2009 tại Tokyo Game Show. Gần 5 năm sau khi tuyên bố gây shock ấy được đưa ra, người ta bắt đầu cảm thấy giật mình khi những tựa game đỉnh cao nhất trên các hệ máy chơi game hiện tại không còn là Final Fantasy, không còn là Resident Evil hay một cái tên Nhật Bản nào mà thay vào đó lại đến từ phương Tây như
Grand Theft Auto, The Elder Scrolls, Mass Effect... và làm nảy sinh thắc mắc chuyện gì đã xảy ra đối với các nhà làm game xứ sở hoa anh đào.
Đây là vấn đề luôn được Keiji Inafune đề cập đến khi xuất hiện tại các sự kiện game. "
Ngành game Nhật Bản giống như một cây cổ thụ đang bắt đầu héo tàn. Nó vẫn sống, vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn nhưng thực tế nó cũng không còn khỏe mạnh chút nào. " - đó là những lời cuối cùng của Keiji Inafune trước khi ông quyết định rời khỏi Capcom và thành lập studio cho riêng mình mang tên Comcept vào năm 2010, tin rằng indie (hình thức phát triển game độc lập không thông qua nhà phát hành) là con đường đúng đắn để có thể vực dậy đoàn tàu đang xuống dốc từng ngày mang tên Japan.
Vậy tại sao Keiji Inafune lại đề cập tới indie chứ không phải giải pháp nào khác? Có một điều mà chắc hẳn ít ai trong số chúng ta không đồng tình về các tựa game Nhật Bản trong vài năm trở lại đây, đó là việc họ liên tục nỗ lực Tây hóa sản phẩm của mình với mong muốn thu hút càng nhiều đối tượng người chơi càng tốt. Devil May Cry, Resident Evil, Final Fantasy... Không quá khó để nhận ra chúng không còn giữ được nét lôi cuốn đầy ma thuật như xưa kia, cái chất "Nhật" rất khó để diễn tả nằm trong những tựa game này giờ đây dường như đã chẳng còn. Khó mà đổ lỗi cho các nhà phát triển bởi họ luôn phải nghe chỉ thị từ cấp trên, hoàn thành những gì cần làm, buộc phải làm chứ không phải nên làm.
Không bàn đến gameplay nhưng chắc hẳn chẳng mấy ai ưa phong cách thiết kế trong DmC: Devil May Cry. "
Tôi nghĩ rằng các nhà phát hành và phát triển Nhật Bản nên hiểu rằng, thay vì cố gắng bắt chước những gì được cho là hấp dẫn ở các nền văn hóa khác, họ nên tập trung vào những gì mà mình làm tốt nhất từ xưa đến nay. " - chủ tịch các studio phát triển game thuộc Sony, ông Shuhei Yoshida bày tỏ.
Nếu nói về chất lượng, hàng năm vẫn đều đặn xuất hiện các tựa game Nhật có thể xếp vào hàng xuất sắc như gần đây là Ni No Kuni, Bravely Default, The Legend of Zelda: A Link Between Worlds... Nhưng tiếc thay việc giới hạn nền tảng phát hành đã khiến cho các sản phẩm này khó mà thu hút được đông đảo gamer trên toàn thế giới và ngay bản thân các nhà phát triển Nhật Bản khi làm ra chúng nhiều khả năng cũng đã sẵn tư tưởng chỉ phục vụ gamer trong nước.
Hiện tại game Nhật hay thì thường không thuộc hàng bom tấn và ngược lại. Xu thế ấy tạo ra tình trạng giống như cái vòng luẩn quẩn cho ngành công nghiệp game Nhật Bản. Trong khi một bộ phận luôn cố gắng thay đổi để phù hợp thị hiếu phương Tây mà chẳng mấy hiệu quả, số còn lại vẫn cứ sản xuất game dành cho thị trường trong nước nhưng chính những sản phẩm ấy lại đang khiến nhiều gamer cảm thấy hứng thú. Các nhà phân tích cũng cho rằng việc người Nhật không mặn mà với các máy chơi game do bên ngoài sản xuất như Xbox 360 cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng đi xuống của làng game nước này. Trong khi Xbox hay PC cung cấp môi trường làm việc thân thiện nhưng chẳng được ai thèm ngó ngàng tới, kiến trúc rối rắm bên trong PS3 lại khiến giới "thợ game" trong nước hoạt động rất kém năng suất.
Giải quyết vấn đề này quả thực là một bài toán khó. Nhưng với sự ra mắt của PS4 với kiến trúc đơn giản hơn sau khi Sony nhìn ra sai lầm của mình, có thể nó sẽ giảm bớt gánh nặng trong quá trình phát triển cho các nhà làm game Nhật Bản. Những hãng game lớn như Capcom, Square Enix cũng nhận ra xu hướng Tây hóa sản phẩm là không hợp lý và hứa hẹn sửa sai trong tương lai sau tình trạng thua lỗ gần đây. Vì thế hơn lúc nào hết bây giờ là lúc Nhật Bản cần phải chứng minh cho thế giới rằng, họ vẫn là những người tài ba nhất trong lĩnh vực sản xuất những tác phẩm nghệ thuật thứ 8 đầy quyến rũ.