Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 02/05/2014 0:00 AM

Một hình thức phản ứng rất đáng lên án của những game thử quá khích.

Việc đòi hỏi các nhà làm game phải làm hài lòng tất cả gamer với mỗi sản phẩm làm ra cũng bất khả thi chẳng kém gì so với "làm dâu trăm họ", chính vì thế mà họ cũng thường xuyên là mục tiêu cho các trận ném đá mỗi khi những bậc thượng đế cảm thấy không hài lòng về tựa game vừa thưởng thức. Thế nhưng đôi khi sự phản đối này lại đi theo chiều hướng quá khích và trở nên không lành mạnh một chút nào: khi gamer dọa dẫm đòi thủ tiêu chính những người đã làm ra trò chơi phục vụ mình.

Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu có thể kể đến về hình thức phản ứng quá khích này, bắt đầu với series game tiếng tăm lẫy lừng đó là...

Call of Duty
 
Khi bạn là người đứng giữa một bên là nhà phát triển và bên còn lại là một cộng đồng gamer nổi tiếng "trẻ trâu" như Call of Duty, việc phải đối mặt thường xuyên với những lời lẽ công kích có vẻ như giống chuyện thường ngày ở huyện, thế nhưng bị dọa giết hàng ngày thông qua Twitter lại nằm ở mức độ nghiêm trọng hoàn toàn khác.

Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu 1

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Kotaku về vấn đề này, nhà hoạch định chiến lược làm việc cho Infinity Ward - Robert Bowling kể về nhiều trường hợp ông từng bị đe dọa thủ tiêu bằng... súng trường bắn tỉa hay thậm chí cả những hành động khiếm nhã mà một số gamer đòi tiếp tục thực hiện với xác của ông ngay cả sau khi đã thăng thiên, tất cả chỉ vì Robert là người thường xuyên đăng tải các thông báo cho cộng đồng về Modern Warfare. Ví dụ như Modern Warfare 2 không hỗ trợ Dedicated Server, lý do đó theo một bộ phận người chơi Call of Duty là đã đủ để Robert không nên tồn tại trên cõi đời, thật không biết phải nói gì hơn.

Minecraft

Minecraft - tựa game nổi tiếng tiêu thụ được 50 triệu bản trên toàn cầu cũng đã có điểm xuất phát bình thường như bao trò chơi khác. Markus "Notch" Persson - nhà thiết kế ban đầu cho phép người chơi có thể tải về và chơi miễn phí bản beta của Minecraft trên một số trang web. Sau khi nó trở thành cú hit lớn, phiên bản thương mại lập tức được tung ra dành cho PC, Xbox 360 và rắc rối từ đó bắt đầu.

Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu 2

Rõ ràng Minecraft không thể tiếp tục miễn phí khi nó đã nổi tiếng như vậy, kéo theo là tất cả các trang web từng cho tải miễn phí cũng phải đóng cửa theo. Nhưng một số game thủ lại không nghĩ như vậy, họ cho rằng mình được quyền thưởng thức trò chơi mãi mãi mà không cần bỏ ra xu nào. Các lời dọa dẫm bắt đầu xuất hiện trên Twitter của Notch: "Tôi đã bị dọa giết sau khi các trang web cho tải Minecraft miễn phí bị sập, và cảm giác thật không hay ho chút nào. "

Flappy Bird

Không rõ chúng ta có nên cảm thấy vinh dự khi Flappy Bird - một sản phẩm made in Vietnam cũng có trong danh sách này hay không. Lần này những lời đe dọa không hướng vào lập trình viên trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông mà ngược lại: một số người tuyên bố sẽ... tự sát nếu như anh quyết định gỡ Flappy Bird khỏi App Store, điều mà cuối cùng anh cũng đã thực hiện như chúng ta đã biết.

Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu 3

Là một hiện tượng trên toàn thế giới, có lẽ không phải ở đâu gamer cũng sẵn sàng chơi game crack như ở nước ta nên việc Flappy Bird bị gỡ khỏi App Store gây nên nhiều tiếc nuối cũng không quá khó hiểu. Nhưng tự sát chỉ vì không tải về được một trò chơi mà bạn nhiều khả năng sẽ chán trong vòng vài ngày thì quả thật là thách thức không nhỏ đối với khả năng phân tích của não bộ người bình thường.

Oculus Rift

Trong tháng 3 vừa qua, sự kiện đáng chú ý nhất của làng game phải kể đến việc đội ngũ Oculus Rift quyết định bán mình cho Facebook với giá 2 tỉ USD - Oculus VR thì nhận được món tiền kếch xù, Mark Zuckerberg nắm trong tay công nghệ hứa hẹn thay đổi thế giới ảo trong vài năm tới. Nhìn chung cả hai bên đều vui vẻ, có điều những người đã từng ủng hộ Oculus Rift khi nó còn đang trong giai đoạn Kickstarter thì không.

Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu 4

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Oculus Rift vốn đi lên nhờ kinh phí đóng góp từ cộng đồng và việc Facebook đột nhiên mua lại thương hiệu này khiến cho một số người có cảm giác như mình bị "mất cắp" thứ gì đó. Theo Oculus Rift, rất nhiều nhân viên trong công ty đã nhận được email với nội dung tiêu cực, những cuộc gọi điện thoại đe dọa hàng ngày sau khi thương vụ diễn ra. Mặc dù chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra tuy nhiên chắc chắn nó cũng gây ra không ít sự khó chịu cho những người đang làm việc với dự án Oculus Rift.

DmC Devil May Cry

Có lẽ không cần phải giới thiệu thêm nhiều về những cuộc tranh cãi nảy lửa xoay quanh hình tượng Dante mới trong phiên bản reboot của Devil May Cry - DmC kể từ khi trò chơi giới thiệu chính thức tại Tokyo Game Show 2010. Mái tóc bạch kim lãng tử đã biến mất, thay vào đó là ngoại hình đậm chất nổi loạn phong cách Mỹ của Dante "mới" là nguyên nhân khiến cho Ninja Theory phải hứng chịu búa rìu dư luận theo chiều hứng tiêu cực nhất có thể.

Khi các nhà làm game bị... dọa thủ tiêu 5

Một điểm thú vị là theo Ninja Theory cho biết, trong số những lời đe dọa mà họ nhận được lại xuất hiện nhiều tác phẩm đầy tính "sáng tạo" như truyện tranh tự vẽ hay các bản nhạc thuộc thể loại death metal và thay vì khiến người nhận cảm thấy khó chịu, các nhân viên của studio lại cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn thích thú trước công sức mà các fan cuồng Devil May Cry sẵn sàng bỏ ra để đấu tranh cho thần tượng của mình.

Theo GamesRadar